Bất ngờ với cách Hollywood khắc họa hình ảnh Fidel Castro

Điện ảnh phương Tây nhìn nhận Chủ tịch Fidel Castro từ những khía cạnh nào?

Vị lãnh tụ của người dân Cuba, Fidel Castro là một biểu tượng của phong trào Cách mạng trên toàn thế giới

Trải qua nhiều thập kỷ, người anh hùng của nhân dân Cuba và Cách mạng thế giới đã không ít lần được khắc họa trong các tác phẩm điện ảnh quốc tế. Trong khi phần lớn các bộ phim miêu tả Fidel Castro đúng với hình mẫu một biểu tượng của Cách mạng thế giới; cũng có một số trường hợp, hình ảnh của ông được thể hiện một cách đầy tranh cãi.

Không nhiều người biết rằng bản thân Chủ tịch Fidel Castro cũng từng thử sức với Hollywood. Theo trang web chuyên về phim Internet Movie Database, năm 1946, ông từng tham gia một vai phụ trong bộ phim điện ảnh “Holiday in Mexico” (Kỳ nghỉ tại Mexico). Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, mà sau giai đoạn hậu kỳ, phần diễn của ông lại bị cắt hoàn toàn khỏi bộ phim.

Hãy cùng điểm qua một số tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu ấn tượng nhất về cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Che (2008)

Diễn viên người Mexico Demian Bichir vào vai vị lãnh tụ Cuba trong bộ phim lịch sử hai phần mang tên “Che”. Được sản xuất vào năm 2008, “Che” kể về cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng Cách mạng Argentina, Che Guevara. Bộ phim được đạo diễn bởi Stenven Soderbergh – một trong những tên tuổi hàng đầu của Hollywood, nổi tiếng với những tác phẩm bom tấn như “Erin Brockovich”, “Traffic”, “Ocean’s 11”… Nam diễn viên chính là tài tử từng đoạt giải Oscar người Puerto Rico Benicio del Toro.

Poster của phim "Che" (2008)

Một hình ảnh trong bộ phim

Hai người anh hùng của Cách mạng Mỹ Latin Fidel Castro và Che Guevara

Bộ phim được đánh giá là thành công mặc dù phải đối mặt với khá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Khi công chiếu tại New York (Mỹ) và Havana (Cuba), “Che” nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Del Toro được trao giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2008. Tuy nhiên, khi bộ phim ra mắt tại Miami – thành phố có cộng đồng người Mỹ gốc Cuba sinh sống lớn nhất của Mỹ, đã có một số cuộc biểu tình phản đối diễn ra.

Comandante (2003)

Một tên tuổi nổi tiếng khác của Hollywood - đạo diễn Oliver Stone từng làm 3 bộ phim tài liệu về Castro và “Comandante” là một trong số đó. Tiêu điểm của bộ phim là cuộc phỏng vấn giữa Stone và Chủ tịch Fidel Castro. “Comandante” được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Sundance và dự định được phát sóng trên kênh truyền hình cáp HBO. Tuy nhiên, vào phút cuối, e ngại trước làn sóng chống Cuba vào thời điểm đó đang được đẩy cao tại Mỹ, sau một loạt các sự kiện chính trị trong quan hệ giữa hai quốc gia, HBO đã quyết định hủy bỏ việc trình chiếu bộ phim.

Chủ tịch Fidel Castro và đạo diễn Oliver Stone trên phim trường "Comandante"

Poster của bộ phim

Sau “Comandante”, đạo diễn Oliver Stone tiếp tục làm hai bộ phim “Looking for Fidel” (2004) và “Castro in Winter” (2012), trong đó, ông trở lại Cuba và phỏng vấn Fidel sau khi vị lãnh tụ rời khỏi chính trường.

Fidel (2002)

Sự nghiệp chính trị của người anh hùng Cuba được miêu tả khá kỹ trong serie truyền hình lịch sử “Fidel” với Victor Huggo Martin đảm nhận vai chính. Bộ phim không được nhiều người biết đến; tuy nhiên, nam diễn viên Gael Garcia Bernal, người vào vai Che Guevara trong “Fidel” lại trở nên nổi tiếng, khi hai năm sau, anh một lần nữa đảm nhận nhân vật này trong bộ phim nhận được nhiều khen ngợi “The Motorcycle Diaries” (Nhật ký trên xe máy).

Dàn diễn viên của bộ phim truyền hình "Fidel"

Dear Fidel – Marita’s Story (Fidel thân yêu – Câu chuyện của Marita) (2001)

Sử dụng những thước phim tư liệu thật về Castro, bộ phim tài liệu Đức khai thác một khía cạnh khác trong cuộc đời của vị lãnh tụ qua con mắt của Marita Lorenz – một người phụ nữ Đức, từng là nhân viên CIA nhưng lại đem lòng yêu mến Fidel.

Bìa đĩa DVD bộ phim "Dear Fidel" trong đó có hình ảnh của Chủ tịch Fidel Castro và nhân vật Marita ngoài đời thực

Câu chuyện của Marita sẽ lại xuất hiện một lần nữa trên màn ảnh rộng, lần này với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao từng đoạt giải Oscar, Jennifer Lawrence. Có tên gọi “Marita”, tác phẩm mới của Hollywood mặc dù chưa có ngày phát hành chính thức, nhưng đã thu hút được rất nhiều sự chú ý.

Buena Vista Social Club (1999)

Bộ phim tài liệu “Buena Vista Social Club” do Wim Wenders đạo diễn và là một sản phẩm hợp tác xuyên quốc gia giữa Đức, Mỹ, Anh, Pháp và Cuba. “Buena Vista Social Club” kể về cuộc tập hợp của một nhóm các nhạc sỹ nổi tiếng người Cuba nhằm thu âm một album nhạc chung và kế hoạch biểu diễn tại thành phố Amsterdam (Hà Lan) và New York (Mỹ).

Một cảnh trong bộ phim "Buena Vista Social Club”

Mặc dù không trực tiếp đề cập đến Fidel Castro, nhưng người xem có thể thấy thấp thoáng hình bóng của ông giữa một giai đoạn lịch sử của đất nước khi mối quan hệ giữa Cuba và Mỹ đang ở trong thời kỳ căng thẳng nhất. Mặc dù rất gần về khoảng cách địa lý, nhưng việc cấm đi lại giữa Mỹ và Cuba đã gây ra nhiều tình huống “dở khóc dở cười” cho các nghệ sỹ trong “Buena Vista Social Club”. Bộ phim từng nhận được đề cử Oscar cho Phim tài liệu xuất sắc nhất năm 2000.

(Theo CNBC)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/bat-ngo-voi-cach-hollywood-khac-hoa-hinh-anh-fidel-castro-220648.html