"Bật mí" người hát ca khúc phim Tây Du Ký

Nhiều thế hệ khán giả Việt Nam đã quen với ca khúc rộn rã, hào sảng trong bộ phim truyền hình “Tây Du Ký” 1986 nhưng ít ai biết về người đã thể hiện ca khúc này.

Tưởng Đại Vy gắn liền với ca khúc chủ đề "Tây Du Ký".

Tưởng Đại Vy là nam ca sĩ giọng cao nổi tiếng nhất, một nghệ sĩ thâm hậu và lão luyện trên sân khấu ca nhạc đương đại Trung Quốc. Ông từng nổi lên sau ca khúc chủ đề trong bộ phim Bài ca mẫu đơn thập niên những năm 80 của thế kỷ XX. Sau hơn 30 năm kể từ ngày ông tham gia biểu diễn ca nhạc, đến nay Tưởng Đại Vy đã biểu diễn hàng ngàn ca khúc và hàng trăm ca khúc chủ đề trong các bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh, đồng thời trở thành một nam ca sĩ được đông đảo các tầng lớp công chúng yêu mến và ái mộ. Mặc dù giờ đây ông đã định cư ở nước ngoài, tuy vậy giọng ca hào sảng và cao vời vợi của ông vẫn sẽ mãi lưu giữ trong ký ức của mỗi thính giả yêu mến giọng hát của ông.

Ca sĩ Tưởng Đại Vy thời trẻ.

Sinh năm 1947 ở Thiên Tân, năm 1968 thì rời đến Ulanhot ở khu tự trị Nội Mông và sau đó tham gia Đoàn Văn công Cảnh sát Sâm Lâm. Năm 1975 ông được điều đến làm ca sĩ hát đơn của Đoàn Ca múa Dân tộc Trung ương cho đến ngày nay. Ông được phong tặng nghệ sĩ hạng A, được hưởng phụ cấp của Quốc vụ viện, giải Đĩa hát vàng Trung Quốc lần thứ Nhất, được bầu chọn là một trong 60 nghệ sĩ được yêu thích nhất Trung Quốc. Hai ca khúc Thuyết Trung Quốc Vườn nhà êm dịu của ông được xếp vào Tuyển tập 100 ca khúc yêu nước được yêu mến.

Tưởng Đại Vy và ca khúc bất hủ Hoa đào nơi đâu nở rộ.

Tưởng Đại Vy từng nhiều lần được tham gia lưu diễn ở các nước như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Singapore, Thái Lan… đồng thời nhận được tình cảm yêu mến của đông đảo khán giả thế giới. Ở trong nước, Tưởng Đại Vy nhiều lần xuất hiện trên sân khấu chương trình nghệ thuật tổng hợp chào xuân uy tín của đài CCTV các năm 1984, 1986, 1987, 1992, 1997, 1999, 2006, 2008 và 2009. Các bài hát ông thường được yêu cầu hát tại đêm chào xuân như Xin hỏi đường ở nơi đâu trong phim Tây Du Ký, Nơi nào hoa đào nở rộ, Mãn viên xuân, Chiến sĩ và hoa mai

Nhắc đến tên tuổi Tưởng Đại Vy, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một nam ca sĩ trong bộ vest trắng, đeo kính gọng trắng, đi giày trắng, thắt lưng nắp vàn trong suốt mấy chục năm qua. Và cho đến tận bây giờ, hình ảnh của ông vẫn luôn trung thành với phong cách ăn mặc hết sức sang trọng, lịch lãm và với giọng hát hào hùng, khỏe khoắn nhưng ấm áp và gần gũi như một người bạn thiết thân với bao thế hệ người ái mộ Trung Quốc.

Ca sĩ Tưởng Đại Vy của hiện tại.

Giọng ca của ông gắn với những ca khúc như Bài ca mẫu đơn, Xin hỏi đường ở nơi đâu, Nơi nào hoa đào nở rộ, Mùa xuân Bắc quốc… Đó là những bài ca có thể nói là đi cùng năm tháng, chỉ cần nhắc đến tên tuổi của Tưởng Đại Vy là người đời sẽ nghĩ ngay đến những ca khúc trên và ngược lại. Ông xứng đáng trở thành một “cây thường xanh của sân khấu ca nhạc đương đại Trung Quốc” như cách gọi của trang từ điển mở Baike lớn nhất Trung Quốc hiện nay.

Quan niệm về giáo dục âm nhạc

Tưởng Đại Vy có ảnh hưởng cực lớn đến sự phát triển và tạo dựng nền ca nhạc dân tộc Trung Quốc. Trong lòng ông luôn tâm niệm sâu sắc về nghiệp hát: “Thầy không hát tròn vành rõ chữ thì trò làm sao mà hát được cho tốt?”. Ông cho rằng, ngày nay trong làng nhạc dân tộc Trung Quốc, những ca sĩ hát có phong cách, dư vị riêng ngày một ít, phần lớn đều dựa vào các kỹ xảo trong thanh nhạc, vì vậy đã làm mất đi cá tính riêng, phong vị riêng của người ca sĩ. Với Tưởng Đại Vy, khi hát cần phải duy trì được sắc thái riêng nguyên bản của bản thân người ca sĩ, phải nhập hồn, rút ruột vào ca khúc thì mới tạo nên được phong vị cho chính bài hát.

Tưởng Đại Vy còn là người ca sĩ đầu tiên đưa ra khái niệm về lý luận trong ca hát ở Trung Quốc gọi là Trung Quốc sướng pháp. Từ này bắt đầu được sử dụng từ năm 1992 và ngày nay đã trở nên phổ biến trong các hội đàn, hoạt động âm nhạc, tọa đàm âm nhạc của giới nhạc thuật Trung Quốc. Theo ông thì lý luận căn bản trong phương pháp hát và tạo dựng thành công là ở chỗ: Đơn giản, độc đáo, rõ ràng, chính xác và có hiệu quả. Nhờ phương pháp trên, Tưởng Đại Vy đã góp phần đào tạo nên không biết bao nhiêu thế hệ ca sĩ mới cho sân khấu nhạc Trung Quốc. Không ít những mỹ từ được dùng để nói về ông, đáng chú ý là “Cột mốc âm nhạc dân tộc Trung Quốc”.

Thư pháp và rượu bổ trợ cho ca hát

Ngoài tình yêu ca hát, Tưởng Đại Vy từ nhỏ còn đam mê với hội họa. Khi học Trung học, ông từng theo học hội họa châu Âu 8 năm liền, vì vậy tài năng hội họa của ông cũng không phải là hạng vừa. Bên cạnh đó, ông còn chịu khó học thư pháp, viết chữ Hán giản kiểu bia thời Ngụy, Âu Triệu…

Tưởng Đại Vy nhận định, thư pháp và rượu khiến ông hát hay hơn, xuất thần hơn.

Chia sẻ về tình yêu và gắn bó được lâu dài với ca hát như ngày hôm nay, Tưởng Đại Vy cho biết: “Tôi có thể hát được đến ngày hôm nay là nhờ vào thư pháp thần trợ. Nếu tối không luyện thư phap thì giọng hát nhất định sẽ ngày một nhạt, cứng nhắc và thậm chí còn không có độ tinh tế. Mỗi lần trước khi hát tôi đều cố luyện thư pháp. Tôi học thư pháp cũng chỉ vì để hát cho được hay”. Ông phân tích về mối quan hệ giữa thư pháp và ca hát, thư pháp thì nét bút đứt có nét liền, còn giọng hát có lúc ngắt có lúc không. Thư pháp có lúc khoan lúc nhặt, âm nhạc có nhịp trầm bổng, du dương. Với Tưởng Đại Vy, một chữ viết ra giống như một bản nhạc không lời, còn với một bài ca lại giống như một bức thư pháp có nhạc bên trong.

Tưởng Đại Vy còn đặc biệt đề cao rượu đối với người ca sĩ, trong khi không ít giọng ca vì muốn giữ giọng hát đã kiêng rượu, kiêng cay. Riêng với nam danh ca lại cho rằng, rượu rất có lợi cho giọng hát của người ca sĩ. Có đợt, Tưởng Đại Vy đi biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ biên phòng khu vực dân tộc Choang, Quảng Tây, đi đến đâu cũng được người dân tiếp đón thịnh tình. Mỗi tối liên hoan đều có một cô gái trẻ muốn “chúc rượu” với ông. Được các cô gái đẹp tiếp rượu, Đại Vy vì vui nên không nỡ từ chối và nhận lời “thách đố” nhiệt tình.

Thói quen uống rượu của dân tộc thiểu số ở đây thường dùng bát thay vì dùng ly, chén. Họ không dùng bát bình thường mà dùng bát cỡ đại, bát ô tô mà người địa phương gọi là “bát đạt dương”, ý nói sự vui mừng hân hoan sánh ngang với biển. Tưởng Đại Vy vốn tính hay “chơi đến bến”, trước khi uống, lãnh đạo địa phương đã dặn trước, “thách đấu rượu” thì không được làm ảnh hưởng đến buổi biểu diễn đêm nay. Đại Vy cười phẩy tay: “Không sao! Tôi mà đã uống thì càng uống hát càng hăng, càng hay”. Nói xong, ông uống thách đấu với các cô gái 3 bát lớn, hai bên đều bắt tay đầy khí thế. Tối đó quả nhiên khi lên sân khấu biểu diễn, Tưởng Đại Vy hát xuất thần và hùng hồn hẳn. Các cô gái dân tộc Choang nhận xét về nam danh ca, không ngờ ông lại có tửu lượng lợi hại đến vậy. Đáp lại, Tưởng Đại Vy cũng thừa nhận: “Tôi cũng là người dân tộc mà”.

Định cư ở Canada vì con gái rượu

Tưởng Đại Vy từng thừa nhận với báo giới trong một bài phỏng vấn mới đây, ông định cư ở Canada từ năm 1998. Ông cho rằng, vốn ban đầu không biết gì nhiều về Canada, chỉ đến năm 1996 khi tới Vancouver biểu diễn thì nhận thấy cuộc sống ở đây quá tốt. Thời gian này con gái ông cũng vừa tốt nghiệp cấp 3, vì vậy ông muốn con gái có tương lai tốt hơn. Đồng thời Tưởng Đại Vy còn tìm được một cơ quan cấp phép định cư ở Canada, thế nhưng về phía con gái ông lại khó khăn hơn để được nhập cảnh. Nhờ luật sư nên vấn đề đã được giải quyết. Đến Vancouver sinh sống, nghiệp hát của Tưởng Đại Vy bị ảnh hưởng không ít, nhưng vì tương lai của con gái nên ông chấp nhận.

Mặc dù khi ra đi ông cũng cảm thấy tiếc và day dứt, cơ quan nơi ông công tác là Đoàn ca múa dân tộc trung ương không muốn ông đi. Trong đoàn, những nghệ sĩ đơn ca có tài như ông hay Dương Lệ Bình, Đức Đức Mã không phải là nhiều, thế hệ trẻ ngày một thưa thớt. Mặc dù chuyển đến sinh sống ở Canada, Tưởng Đại Vy vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc, đồng thời ông phủ nhận thông tin nhập quốc tịch Canada như nhiều nguồn từng đưa tin trước đó.

Giọng nam cao là phải có giọng của đàn ông

Tưởng Đại Vy là một trong những nghệ sĩ giọng nam cao nổi tiếng nhất Trung Quốc. Khi nói về vấn đề giọng nam cao trong làng sân khấu ca nhạc ở Trung Quốc, nam danh ca 66 tuổi chia sẻ về tình trạng mà theo ông là những sai lầm còn tồn đọng của người ca sĩ hát giọng nam cao. Đó là việc ngày càng nhiều ca sĩ đang lợi dụng khi hát giọng giả thanh, điều này khiến công chúng khi nghe có cảm giác không được mạnh mẽ, nam tính, cương trực và hào sảng, không thực sự lay động và thu hút.

Giọng nam cao là phải nam tính và không được dùng giọng giả thanh.

Theo Tưởng Đại Vy, giọng nam cao là phải có trong đó giọng của người đàm ông, nhất định không thể có kiểu giọng trung tính trong đó. Việc hát bản thân nó đã có thuật ngữ chuyên nghiệp gọi là “hỗn thanh”, nghĩa là cả giọng thật lẫn giọng giả thanh lẫn lộn với nhau. Khi một ca sĩ nam hát giọng hỗn thanh thì không nên sử dụng của nhiều giọng giả thanh, quá nhiều giọng giả thanh trong cách thể hiện ca khúc sẽ khiến dù sẽ dễ hát hơn nhưng nghe không bao giờ thấy hay. Khi ngồi vị trí giảm khảo các cuộc thi ca hát, có người hỏi Tưởng Đại Vy vì sao hiện nay có nhiều giọng nam cao xuất hiện cả giọng trung tính đến vậy, điều này rất khác biệt so với giọng hát đầy nam tính và đằm của Tưởng Đại Vy.

Trả lời câu hỏi trên, nghệ sĩ Tưởng chia sẻ: “Lớp ca sĩ trẻ ngày nay có điều kiện học tập và phát triển hơn thế hệ chúng tôi trước đây nhiều lắm, điều kiện khách quan lẫn chủ quan đều tốt hơn thời của tôi. Việc hát là nghiệp cả đời, và vì vậy học hát cũng là chuyện cả đời. Do đó tôi hy vọng lớp trẻ sẽ tự đào sâu mày mò, suy nghĩ hơn nữa, vì việc tìm tòi trong nghệ thuật ca nhạc là không có giới hạn”.

Gia đình nhỏ của Tưởng Đại Vy

Bà xã của Tưởng Đại Vy là nữ diễn viên Trương Bội Quân (1950), người Thiên Tân và là diễn viên thể loại nghệ thuật dân ca của Đoàn ca múa Dân tộc Trung ương. Tên tuổi của Bội Quân gắn liền với các ca khúc như Con đường quê nhỏ bé, Chúc bạn sinh nhật vui vẻ, Hướng về biển, Ánh trăng bạc

Sau khi kết hôn với chồng năm 1985, vì lo cho sự nghiệp của Tưởng Đại Vy, bà từ bỏ công việc hiện tại để ở nhà chăm sóc gia đình và con cái. Cô con gái Tưởng Di hiện tại mang quốc tịch Canada, làm việc trong một công ty chuyên kinh doanh đồ mỹ phẩm nổi tiếng ở Canada.

Tưởng Đại Vy và ca khúc chủ đề phim Tây Du Ký

Ca khúc chủ đề bộ phim truyền hình Tây Du Ký (1986) của nữ đạo diễn Dương Khiết mang tên Xin hỏi đường ở nơi đâu, với phần nhạc hào sảng, trầm hùng cùng nội dung miêu ta hành trình đi thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng, vượt qua bao vất vả gian nan, băng đèo lội suối, chiến thắng bao yêu ma quỷ quái dọc đường đi và cuối cùng đắc đạo thành Phật khi lấy được chân kinh nơi đất Phật cõi Tây Trúc.

Hình ảnh và ca khúc Xin hỏi đườn ở nơi đâu của Tây Du Ký.

Xin hỏi đường ở nơi đâu do Tưởng Đại Vy trình bày tại buổi gặp mặt Tề Thiên Lạc của đoàn Tây Du Ký xuân 1987.

Xin hỏi đường ở nơi đâu do nhạc sĩ Hứa Kính Thanh soạn nhạc, nhạc sĩ Diêm Túc viết lời và hoàn thành vào tháng 1/1984. Ban đầu đạo diễn Dương Khiết giao cho ca sĩ Trương Bạo Mặc thể hiện. Thế nhưng qua cách thể hiện ca khúc làm không làm tôn lên vẻ hào sảng như yêu cầu, Trương Bạo Mặc suýt chút nữa khiến lãnh đạo đài truyền hình Trung ương khi đó gạt phăng ca khúc này và có ý định tìm một bài hát mới. Tuy nhiên, với sự kiên quyết của đạo diễn Dương Khiết, bà đã bảo vệ đến cùng ca khúc này khi yêu cầu lãnh đạo đài giữ nguyên Xin hỏi đường ở nơi đâu làm ca khúc chủ đề, đồng thời mời Tưởng Đại Vy làm ca sĩ thể hiện ca khúc trên.

Khi ca khúc qua sự thể hiện của giọng nam cao lừng danh nhất Trung Quốc thể hiện, hẳn nhiên khán giả yêu mến Tây Du Ký khi nghe thấy ca khúc này ai cũng lẩm nhẩm hát theo. Điều đó cho thấy, sức sống mãnh liệt của ca khúc không phải chỉ ở giai điệu, ca từ mà cái chính là giọng ca của người ca sĩ đã thổi hồn vào ca khúc, làm sống một tác phẩm âm nhạc được coi là kinh điển. Xin hỏi đường ở nơi đâu vì vậy đã gắn liền với tên tuổi nam danh ca Tưởng Đại Vy. Nhiều khán thính giả đặc biệt ấn tượng và có cảm tình sâu sắc với một câu cuối trong ca khúc: “Đường đi ở ngay dưới chân ta”.

Tưởng Đại Vy (trái) cùng bốn thầy trò Đường Tăng ngoài đời (từ trái qua): Trì Trọng Thụy, Lục Tiểu Linh Đồng, Mã Đức Hoa và Diêm Hoài Lễ phỏng vấn với Sina năm 2006.

Chia sẻ về ca khúc từng thể hiện thành công, ca sĩ Tưởng Đại Vy tâm sự, Xin hỏi đường ở nơi đâu giờ đây đã trở thành một bài hát kinh điển trong dân nhạc Trung Quốc. Nó không chỉ đơn thuần là một ca khúc chủ đề của bộ phim Tây Du Ký. Lý do mà nam danh ca nhận định được ông giải thích: “Bởi ca khúc này theo cách hiểu của tôi thì như sau, vì sao bài hát này lại nhận được sự yêu mến của đông đảo người hâm mộ đến vậy? Bài hát không chỉ thể hiện được sự truân chuyên, nỗi gian khổ của bốn thầy trò trong Tây Du Ký, vượt qua 81 nạn, vào sinh ra tử mà nó còn là một khúc ca ca ngợi cái đẹp của cuộc sống con người, “xin hỏi đường ở nơi đâu, đường ở ngay dưới chân ta”, đó chính là con đường đi của mỗi người trên cuộc đời này. Trong những lúc khó khăn, đã có nhiều doanh nghiệp nói họ muốn hát ca khúc Quốc tế ca hay Xin hỏi đường ở nơi đâu, đó chẳng phải là một lời ngợi khen đối với cuộc đời hay sao?”.

Tưởng Đại Vy và Xin hỏi đường ở nơi đâu năm 2013 trên đài Chiết Giang.

Theo nhận xét của Tưởng Đại Vy, ca khúc trên mặc dù được viết cho một bộ phim nên sẽ vấp phải những giới hạn nhất định, tuy nhiên với Xin hỏi đường ở nơi đâu về mặt ca từ cũng như nhạc điệu đều được nhạc sĩ Hứa Kính Thanh và Diêm Túc thể hiện một cách hết sức tài tình. Diêm Túc đã từ tình tiết câu chuyện trong phim để nói rộng ra, phạm vi không còn dừng lại chủ đề trong phim mà là cả một vấn đề nhân sinh. Đó chính là cái tinh, cái sâu của ca khúc, vì vậy mới lưu truyền được đến tận ngày nay.

Nhờ con gái dạy hát ca khúc của Tây Du Ký

Năm 1984, sau khi Dương Khiết phân công cho Hứa Kính Thanh soạn nhạc cho ca khúc chủ đề của phim. Sau khi hoàn thành cùng nhạc sĩ Diêm Túc, ca sĩ Trương Bạo Mặc được chọn làm người thể hiện. Thời gian này, ca khúc vẫn chưa được chọn là bài hát chủ đề của phim mà chỉ được chọn là ca khúc được phát ở cuối một vài tập phim.

Thế nhưng sau khi Tây Du Ký được phát sóng, kèm theo đó là ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu đã nhận được sự hưởng ứng và cổ vũ nhiệt tình của đông đào khán giả truyền hình khắp Trung Quốc.

Tưởng Đại Vy biểu diễn cùng bốn thầy trò Đường Tăng trên sân khấu.

Khi đó đạo diễn Dương Khiết liền nói với nhạc sĩ Kính Thanh, ca khúc sẽ được chọn làm bài hát duy nhất phát ở cuối mỗi tập phim Tây Du Ký. Tuy nhiên, thay vì sử dụng ca khúc ban đầu do Trương Bạo Mặc thể hiện, vốn bị lãnh đạo đài chê là không phù hợp. Đạo diễn Dương Khiết trong thời gian tìm diễn viên cho phim may sao lại gặp được Tưởng Đại Vy. Có điều thú vị ở chỗ, Tưởng Đại Vy khi biết sẽ được mời thể hiện ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu đã cười và cho biết, con gái ông đã thuộc ca khúc này từ lâu rồi.

Do đó khi được mời hát, Tưởng Đại Vy sẽ nhờ đến cô con gái rượu dạy cho “vài đường cơ bản”. Kết quả là Tưởng Đại Vy lại là người thể hiện thành công nhất ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu, từ đó bài hát này cũng được định hình và trở thành thương hiệu riêng của Tưởng Đại Vy.

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/giai-tri/bat-mi-nguoi-hat-ca-khuc-phim-tay-du-ky-c6a104368.html