“Bắt mạch” tận gốc tình trạng nhân viên giỏi “nhảy” việc

Một thực trạng là những người giỏi đến làm việc tại các công ty thường nhanh chóng rời đi những nơi tốt hơn. Là “sếp”, bạn phải làm gì để biến môi trường làm việc thành mái nhà công sở đầm ấm?

Chiến lược quản trị mới: Coi nhân viên là số 1 5 sai lầm lớn nhất của những người “nhảy” việc

Ảnh: Gettyimages

Một số lý do dưới đây có thể là nguyên nhân chính khiến mọi người rời bỏ công ty. Rất có thể, bạn chưa từng nghĩ tới điều này:

1. Phớt lờ nhân viên

Không để tâm đến nhân viên thực sự còn tồi tệ hơn cả việc bạn soi mói họ quá mức. Hãy đọc những dòng viết của Tom Rath và Jim Harter, hai tác giả cuốn sách nổi tiếng “Well Being – The Five Essential Elements” (tạm dịch: Phúc lợi – 5 nhân tố thiết yếu).

“Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu trên một nhóm nhân viên làm việc chểnh mảng, không được lãnh đạo quan tâm. Kết quả cho thấy, nếu sếp “lờ tịt” bạn đi, 40% cơ may bạn sẽ lơ là hoặc chống đối với công việc”.

“Nếu lãnh đạo có để tâm đến nhân viên chút ít, thậm chí tập trung vào điểm yếu họ, khả năng chểnh mảng công việc của người đó sẽ giảm xuống 22%. Còn nếu quản lý đặc biệt chú trọng đến điểm mạnh của nhân viên, cơ hội lơ là với công việc của họ chỉ chiếm 1%”.

2. Bỏ bê “lính mới” suốt 2 tháng thử việc

Bạn có biết, những ngày đầu “chân ướt chân ráo” đến công ty là khoảng thời gian vô cùng quan trọng với những nhân viên mới. Thái độ, thiện chí của bạn, trên cương vị lãnh đạo và cung cách đối xử của những “ma cũ” có thể ảnh hưởng tích cực, hay tiêu cực đến ấn tượng ban đầu của “lính mới” về nhà quản lý cũng như tổ chức của bạn.

Chuyên gia Anthony Sork đã quan sát thái độ của 20 nhà lãnh đạo khác nhau với nhân viên mới, từ tính chuyên nghiệp trong quá trình phỏng vấn cho đến hoạt động giao tiếp, truyền thông ở công ty. Ông nhận ra rằng, nhiều vị sếp đã vô tình hành xử không đúng cách, ảnh hưởng đến lòng tin tron nhân viên.

3. Thất vọng khi biết lương mình thấp hơn đồng nghiệp

Hai tác giả Tom Rath và Jim Harter lại một lần nữa thu thập được những quan sát thú vị:

“Xem xét hai tình huống dưới đây và giả sử hai công việc đều có khối lượng ngang nhau, bạn chọn phương án nào?

A: Thu nhập hàng năm 50.000 USD, trong khi đồng nghiệp kiếm 25.000 USD/năm.

B: Thu nhập hàng năm 100.000 USD, trong khi đồng nghiệp kiếm 200.000 USD.

Sử dụng mô hình kinh tế cổ điển, mọi người nên chọn thu nhập trên 100.000 USD hơn là 50.000 USD. Thay vào đó, phân nửa số người được hỏi cho biết đã chọn mức lương thấp hơn 50.000 USD/năm.

Kết luận: Nhiều người chọn thu nhập thấp hơn miễn sao lương gấp đôi thu nhập của đồng nghiệp”.

Ngoài khía cạnh bảo mật, hãy giữ bí mật về tiền lương nhân viên. Điều này là cần thiết để giữ được niềm hứng khởi của nhân viên nơi làm việc.

4. Bỏ qua suy nghĩ về tác động của bạn bè và gia đình nhân viên

Có thể bạn biết rằng, hạnh phúc của mỗi người người phụ thuộc vào niềm vui của những người xung quanh họ, có thể là gia đình hoặc bạn bè. Song bạn có thể không biết nhiều về điều này.

Theo một nghiên cứu do James H Flowler và Nicholas A Christakis, niềm vui của bạn sẽ tăng lên 15% nếu những mối quan hệ xã hội của bạn hạnh phúc.

Điều thú vị ở nghiên cứu này là bạn bè, người thân của nhân viên có thể ảnh hưởng thực sự đến cuộc sống của họ. Suy từ bản thân ra, nếu bạn bè thân thiết, các thành viên trong gia đình bạn đều ổn thỏa, hẳn là bạn sẽ yên tâm làm việc rồi. Vậy nên, hãy để tâm đến nhân viên, hỏi han về cuộc sống của họ, vì điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hứng khởi và năng suất làm việc của nhân viên đó.

Tân Hoa

Theo TTVN/Business Insider

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/20120508030948757ca57/bat-mach-tan-goc-tinh-trang-nhan-vien-gioi-nhay-viec.chn