Bắt hòn đá hơn 20 tấn: Sẽ xử lý đúng quy trình

Nếu hòn đá nằm trong danh mục khoáng sản cấm khai thác, vận chuyển thì sẽ bị tịch thu. Nếu không phải đá quý thì người dân được quyền sử dụng.

Đó là khẳng định của ông Trịnh Văn Thảo - Chánh văn phòng UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) xung quanh chuyện địa phương tạm giữ tảng đá 20 tấn của ông Phạm Văn Chính (trú tại xã Lộc Tân).

Nghi ngờ đá quý

Theo ông Thảo, nguyên nhân giữ tảng đá là do cơ quan chức năng nghi ngờ đây là loại đá quý thuộc quyền sở hữu Nhà nước và việc lập biên bản hoàn toàn đúng pháp luật.

Ông Thảo cho biết thêm, hiện tảng đá được bảo vệ trong khuôn viên UBND xã Lộc Tân nên rất an toàn, không sợ mất cắp hay hư hỏng. UBND huyện Bảo Lâm đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm định nguồn gốc, chất lượng và giá trị của tảng đá.

“Khi có kết quả kiểm định từ các cơ quan chuyên môn, chúng tôi sẽ xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật”, ông Thảo nhấn mạnh.

Tảng đá lạ 20 tấn bị tạm giữ tại UBND xã Lộc Tân. Ảnh: VNE

Ngoài ra ông Thảo cũng khẳng định, nếu đá nằm trong danh mục khoáng sản cấm khai thác, vận chuyển thì sẽ bị tịch thu. Khi đá quý được bán đấu giá hoặc trưng bày công cộng, phục vụ nghiên cứu,... người phát hiện sẽ được thưởng tiền theo quy định. Ngược lại, nếu không phải đá quý thì người dân được quyền sử dụng nó.

Trước đó trả lời báo chí, ông Bùi Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tân, cho rằng đá quý là tài nguyên quốc gia, nhưng ông Chính khai thác mà không báo cáo cho xã biết.

“Khi phát hiện ông Chính thuê xe chở đá chúng tôi phối hợp với Phòng TN-MT huyện lập biên bản tạm giữ. Nghe đâu có một người ở TP Bảo Lộc sẵn sàng mua tảng đá này giá 1,6 tỉ đồng”, ông Bình nói.

Còn ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, xác nhận chính quyền địa phương chỉ tạm giữ tảng đá chứ chưa xử lý gì.

“Theo công an huyện báo cáo thì đây là tảng đá quý. Nhưng do địa phương không có đủ thiết bị và trình độ để thẩm định tảng đá thuộc loại nào, nên giao Phòng TN-MT làm báo cáo gửi Sở TN-MT tỉnh hỗ trợ.

Tảng đá có nhiều màu vân sặc sỡ. Ảnh: VNE

Sau khi xác định loại đá gì, giá trị bao nhiêu thì mới có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Kiên nói.

Trong khi đó, ông Chính, chủ sở hữu của hòn đá khẳng định, đã bỏ 100 triệu đồng mua tảng đá dài 4 m, rộng 2 m và dày khoảng 1 m, có nhiều vân sặc sỡ về dựng cho hợp phong thủy. Tính cả tiền thuê người đào, ỗ trợ hoa màu để di chuyển ra đường lớn và trông coi gần 1 tháng tổng cộng hết 350 triệu đồng.

"Ban đầu tôi dự định mua đá về dựng cho hợp phong thủy trong nhà chứ không biết phải báo với chính quyền. Sau khi cơ quan chức năng lập biên bản tạm giữ, tôi đã làm đơn đề nghị được đóng thuế để đưa đá về", ông Chính chia sẻ.

Nhiều ồn ào “bắt giam” hòn đá

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng người dân bị cơ quan chức năng “bắt giam” hòn đá.

Tương tư như tại Lâm Đồng, một trường hợp ở Đắk Mil (Đắk Nông) cũng bị đề xuất phạt 1,1 tỷ do khai thác, cất giữ một hòn đá nặng gần 30 tấn.

Cụ thể, ngày 10/2/2015 ông Nguyễn Chí Thanh (trú xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) trong quá trình đào hồ tưới nước tại rẫy thì phát hiện hòn đá bán quý nặng gần 30 tấn. Chính quyền xã Đắk Gằn đã cử lực lượng xuống lập biên bản, canh giữ hòn đá.

Kết quả điều tra, hòn đá được xác định khai thác tại rẫy nhà ông Nguyễn Chí Thanh, là chủng loại đá bán quý canxedon, bị nghiêm cấm khai thác, mua bán dưới mọi hình thức.

Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã thống nhất phương án tịch thu viên đá để đưa vào trưng bày tại bảo tàng tỉnh. Ngoài ra, công an tỉnh này cũng đề xuất xử phạt hành chính người vận chuyển, khai thác đá hơn 1 tỷ đồng.

Vụ việc ồn ào nhất phải kể đến là hòn đá ở huyện Chư Sê bắt đầu tư năm 2013.

Theo đó, vào tháng 3/2012 bà Trần Thị Sắc, nông dân trồng hồ tiêu tại Chư Sê (Gia Lai) thuê máy đào về vườn hồ tiêu của gia đình để đào ao lấy nước tưới. Trong quá trình đào đã phát hiện một khối đá có kích thước khoảng 3m3, màu sắc và hình dạng đẹp nên đã đưa về nhà trưng bày.

Cuối tháng 3/2012, sau khi phát hiện sự việc đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Chư Sê đã đến gia đình bà Sắc “kiểm tra hòn đá” và lập biên bản đối với bà Sắc về hành vi “vận chuyển khoáng sản trái phép”.

Bất bình trước quyết định xử phạt, bà Sắc đã làm đơn khởi kiện chủ tịch UBND huyện Chư Sê ra tòa.

Kết quả, sau 3 lần hầu tòa, một lần thương lượng, cuối cùng bà Nguyễn Thị Sắc đã đồng ý nhận mức bồi thường 50 triệu đồng để bù cho quyết định xử phạt không đúng của UBND huyện.

Hà Nam (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bat-hon-da-hon-20-tan-se-xu-ly-dung-quy-trinh-3318688/