Bắt giữ 2 kẻ chuyên trà trộn vào đám cưới, 'nhảy' hàng chục chiếc xe máy

Lợi dụng sơ hở, Cương và Thao chuyên trà trộn vào trong đám cưới, đám giỗ để trộm xe máy, bán lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Báo Dân trí dẫn nguồn tin từ Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) sáng ngày 13/7 cho biết, đơn vị vừa bắt giữ 2 đối tượng chuyên trà trộn trong đám cưới, đám giỗ để trộm xe máy.

2 đối tượng được xác định gòm: Nguyễn Văn Cương (SN 1991, trú tại xóm 8, Sơn Lĩnh, Hương Sơn) và Nguyễn Văn Thao (SN 1985, trú tại thôn 7, Sơn Hồng, Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Hai đối tượng chuyên trộm xe máy bị công an bắt giữ. Ảnh: báo Dân trí

Theo tin tức trên báo Hà Tĩnh, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Hương Sơn và vùng phụ cận liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp xe máy tại các đám cưới, đám giỗ khiến người dân hoang mang.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an huyện Hương Sơn đã tiến hành xác lập chuyên án, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng các mũi trinh sát để đấu tranh làm rõ.

Trong lúc đang tăng cường lực lượng điều tra, lần theo giấu vết của nhóm đối tượng, Ban Chuyên án nhận được tin báo của anh Ngô Quang Hào (SN 1973, huyện Hương Sơn) về việc gia đình anh vừa bị kẻ gian lấy trộm chiếc xe máy BKS 38H1 - 195.51 vào ngày 2/7/2017.

Từ thông tin trình báo của người bị hại kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, ngày 5/7/2017, Công an huyện Hương Sơn đã xác định được danh tính thủ phạm của vụ trộm cắp nói trên.

Báo Công an nhân dân cho biết thêm, tại cơ quan điều tra, bước đầu 2 đối tượng trên khai nhận kể từ đầu năm 2016 đến khi bị bắt, với thủ đoạn chở nhau trên một xe máy lượn lờ khắp ngõ ngách, trà trộn vào các gia đình đang tổ chức đám cưới, đám giỗ với khung cảnh đông người lộn xộn, 2 người đã thực hiện trót lọt 12 vụ trộm cắp tài sản tại địa bàn các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ... Số tài sản sau khi trộm được, Cương và Thao đem bán lấy tiền chia nhau tiêu xài cá nhân.

Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Sơn đã thu hồi 9 xe máy để trả lại cho các bị hại, hiện đang tiếp tục điều tra, mở rộng để xử lý các đối tượng liên quan.

Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Điều 250. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp ;

c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;

d) Thu lợi bất chính lớn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Thành Trung

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/bat-ten-trom-cat-mai-ton-du-day-nhu-dac-nhiem-vao-cua-hang-dien-thoai-a193298.html