Bất động sản công nghiệp hưởng lợi nhờ giá nhân công Việt Nam bằng nửa Trung Quốc

Giá nhân công tăng nhanh trong những năm gần đây khiến Trung Quốc đang phải đối mặt với một làn sóng ra đi của các công ty nước ngoài. Với vị thế là một nền kinh tế 'láng giềng' có kết nối giao thông đường thủy và đường bộ thuận lợi sang Trung Quốc, Việt Nam là một điểm đến sáng giá cho làn sóng dịch chuyển này.

Ảnh minh họa.

Nhà đầu tư "bỏ chạy" khỏi Trung Quốc và cơ hội cho Việt Nam

Những năm gần đây Trung Quốc đang đối mặt với một làn sóng ra đi của các công ty nước ngoài để tìm kiếm các điều kiện sản xuất tốt hơn, nhất là về chi phí lao động do giá nhân công tăng nhanh, gây áp lực lên những ngành công nghiệp thâm dụng nhân công như da giày, dệt may, chế biến chế tạo.

Với vị thế là một nền kinh tế “láng giềng” có kết nối giao thông đường thủy và đường bộ thuận lợi sang Trung Quốc, cộng thêm lợi thế là thành viên của ASEAN, đã kí hiệp định thương mại tự do với nhiều thị trường xuất khẩu lớn cũng như giá nhân công chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc đang giúp Việt Nam trở thành một điểm đến sáng giá cho làn sóng dịch chuyển này, Savills Việt Nam nhận định.

Giá nhân công Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.

Giá nhân công Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.

Sau khi kết thúc đàm phán các hiệp định TPP và EVFTA cuối năm 2015 FDI vào Việt Nam, đã tăng đột biến. Chỉ trong nửa đầu 2016, Việt Nam đã tiếp nhận 1.145 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đạt 7,5 tỷ USD, tăng 95% theo năm. Trong đó, ngành chế biến chế tạo nhận được quan tâm lớn nhất với 71% số vốn FDI đăng ký.

Về mặt địa lý, Hải Phòng và Hà Nội có hoạt động tốt nhất với tổng vốn FDI đăng ký của 2 thành phố chiếm 30%, theo sau là Bình Dương với 9% và Đồng Nai với 8%.

Những khoản đầu tư nổi bật nhất đến từ các nhà sản xuất công nghệ cao của Hàn Quốc, như LG đầu tư 1,5 tỷ USD vào nhà máy màn hình OLED ở Hải Phòng. Hàn Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu về đầu tư FDI vào Việt Nam, chiếm 35% tổng vốn FDI đăng ký với 4 tỷ USD.

Theo sau là Nhật Bản (1,2 tỷ USD) và Singapore (1,1 tỷ USD) vốn FDI đăng ký, tương đương với 11% và 10% dòng vốn.

Công suất cho thuê bất động sản công nghiệp tăng 70% nhờ dòng vốn FDI

Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, trong nửa đầu 2016, trên cả nước có 6 khu công nghiệp (KCN) mới đi vào hoạt động cung cấp 700ha diện tích cho thuê, nâng tổng số KCN lên 218 với tổng diện tích 59.700ha và diện tích cho thuê xấp xỉ 41.000ha.

Tổng diện tích cho thuê của nửa đầu 2016 đạt 28.500ha, tăng 5% so với nửa cuối 2015. Mặc dù nguồn cung tăng, công suất cho thuê tăng đến 70% nhờ dòng vốn FDI, cao hơn 3 điểm phần trăm so với đầu năm.

Có 16 KCN khác đang trong giai đoạn lên kế hoạch, dự kiến cung cấp thêm 18.600ha diện tích cho thuê.

Với lợi thế cảng biển quốc tế, lại gần Trung Quốc, nên Hải Phòng đã vươn lên dẫn đầu về thu hút vốn FDI nửa đầu năm 2016 với 1,8 tỷ USD vốn đăng ký. Các khu công nghiệp Nomura và Nam Cầu Kiên tại tỉnh này đã gần như kín chỗ với công suất cho thuê đạt từ 90-100%.

Khu công nghiệp Tràng Duệ, hải Phòng cũng đang có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nhờ cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Trong nửa đầu 2016, khu công nghiệp này là điểm đến của những dự án đầu tư lớn như khoản đầu tư 1,5 tỷ USD của LG và dự án 425 triệu USD của SL Electronics.

Trong khi đó, Hà Nội và các tỉnh lân cận dù không nằm gần các cảng biển nhưng nhờ các chính sách ưu đãi hấp dẫn được áp dụng cho các ngành công nghiệp có sản phẩm giá trị cao, nên vẫn thu hút được các nhà đầu tư, đưa công suất cho thuê trung bình các khu công nghiệp trong vùng vượt 70%. Sức cạnh tranh của khu vực này đang được củng cố đáng kể thông qua hệ thống đường cao tốc kết nối đến Trung Quốc và các cảng biển của Hải Phòng.

Trong nửa đầu 2016, các tỉnh trong khu vực duy trì thu hút đầu tư ở mức cao, trong đó các Bắc Ninh thu hút được 563 triệu USD vốn FDI đăng ký mới và Vĩnh Phúc tiếp nhận 563 triệu USD. Trong khi các khu công nghiệp ở Hà Nội ít hấp dẫn hơn so với các khu vực lân cận do giá thuê cao và chi phí lao động đắt đỏ. Dự án lớn nhất mà Hà Nội thu hút được là trung tâm nghiên cứu và phát triểncủa Sam Sung với quy mô 300 triệu USD.

Còn tại khu vực phía Nam, dù các khu công nghiệp ở TP.HCM có vị trí đắc địa nhất nhưng do mặt bằng giá nhân công khá cao, giá thuê đắt nên các KCN mới phát triển lại gặp khó khăn trong việc tăng công suất cho thuê. Ngành chế biến chế tạo chỉ nhận được 66 triệu USD từ vốn FDI đăng ký trong nửa đầu 2016.

Trong khi đó, với vị trí gần với các cảng quốc tế của TP.HCM và quỹ đất lớn, Bình Dương và Đồng Nai giữ vị thế là trung tâm công nghiệp của miền Nam Việt Nam, trong đó mỗi tình thu hút được xấp xỉ 1 tỷ USD cho ngành chế biến chế tạo trong nửa đầu năm 2016.

Mặc dù đi sau trong việc phát triển các khu công nghiệp, Long An tăng tốc đáng kể trong thời gian gần đây với 16 khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, cung ứng khoảng 3.000ha diện tích cho thuê. Trong nửa đầu 2016, Long An tiếp nhận 350 triệu USD vốn FDI đăng ký, mức cao nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, với giá thuê tương đối cao, công suất cho thuê trung bình của Long An hiện vẫn ở mức khá thấp, dưới 60%.

KIỀU CHÂU

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/bat-dong-san-cong-nghiep-huong-loi-nho-gia-nhan-cong-viet-nam-bang-nua-trung-quoc-2044857.html