Bắt đầu giám sát việc bổ nhiệm cán bộ trên toàn quốc

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/2010 vừa bắt đầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát.

Xem xét, đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan, đúng quy định của pháp luật là yêu cầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ với đoàn giám sát.

Theo đó, nghị quyết thành lập đoàn giám sát, kế hoạch, đề cương giám sát đã được gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội để tham gia cùng đoàn giám sát thực hiện giám sát tại địa phương.

Mục đích của hoạt động kéo dài gần trọn năm này là nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương về các nội dung được giám sát.

Đồng thời, đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiến nghị các biện pháp cần thiết để tổ chức thực hiện có hiệu quả các công việc nói trên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, có phẩm chất đạo đức chính trị tốt, có năng lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh xem xét báo cáo chung của Chính phủ và một số cơ quan Trung ương khác cũng như của UBND các tỉnh, thành phố, đoàn giám sát sẽ tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức đối với một số bộ, ngành, địa phương.

Các bộ thuộc đối tượng giám sát gồm: Nội vụ; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính.

Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Gia Lai, Bình Phước, Tp.HCM, Cần Thơ, An Giang là danh sách các địa phương đoàn giám sát sẽ làm việc trực tiếp.

Ngoài ra, đoàn giám sát cũng sẽ tiến hành khảo sát tại một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ và các địa phương nói trên; tổ chức các cuộc hội nghị, tọa đàm liên quan đến tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức…

Xem xét, đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan, đúng quy định của pháp luật là yêu cầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ với đoàn giám sát.

Báo cáo kết quả giám sát sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2013, sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Trong những kỳ họp Quốc hội gần đây, việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ đã từng rất nóng không chỉ ở các phiên chất vấn. Kế hoạch giám sát nội dung nói trên cũng bao gồm cả việc tiếp nhận thông tin, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20130224121939145p0c9920/bat-dau-giam-sat-viec-bo-nhiem-can-bo-tren-toan-quoc.htm