Bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch (Kỳ 1)

Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 08-NQ/TW (ngày 16-1-2017) của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì việc xây dựng lực lượng lao động có chất lượng được coi là giải pháp mang tính chiến lược. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá khách quan những bất cập trong công tác đào tạo hiện nay, chúng ta cần có lộ trình cụ thể để từng bước tháo gỡ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Bài 1: Ngành du lịch “khát” nhân lực chất lượng cao

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có tính xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. Đây là lĩnh vực có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực trạng đào tạo nhân lực du lịch nước ta vẫn còn nhiều bất cập.

Nguồn nhân lực thiếu và yếu

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định: Đến năm 2020, ngành du lịch sẽ đóng góp hơn 10% GDP, tạo ra bốn triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Nhưng theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, tính đến hết năm 2015, ngành du lịch mới có khoảng hơn 2,2 triệu lao động với hơn 600.000 lao động trực tiếp. Điều này một mặt khẳng định còn khá nhiều tiềm năng để phát triển ngành này, nhưng mặt khác cũng bộc lộ lỗ hổng lớn về nhân lực của ngành.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động; nhưng chỉ có khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, trong số đó chỉ có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng. Các con số này cho thấy, nguồn nhân lực không những thiếu về số lượng mà còn thiếu trầm trọng đội ngũ được đào tạo bài bản.

Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực quản lý. Ngay cả khi tuyển đúng người học ngành du lịch, các doanh nghiệp vẫn mất thời gian, công sức đào tạo lại. Trong quá trình này, doanh nghiệp cũng vướng phải không ít khó khăn, khi mà người quản lý kiêm vai trò đào tạo giỏi không nhiều, thường hướng dẫn theo kinh nghiệm là chủ yếu, thiếu kỹ năng, kiến thức cụ thể. Ngoại ngữ, tin học được coi là chìa khóa để hội nhập, song đây lại là điểm yếu lớn của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.

GS, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho biết: Hiện có khoảng 60% lực lượng lao động của ngành biết ngoại ngữ nhưng chủ yếu là tiếng Anh (42%), tỷ lệ biết tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Pháp 4%... Trong đó, số lao động có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chỉ 15%, và cũng chỉ tập trung chủ yếu ở bộ phận làm hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn. Về trình độ công nghệ thông tin, có khoảng hơn 60% lao động biết sử dụng máy tính, nhưng phần lớn chỉ đáp ứng những công việc đơn giản. Cùng với những yếu kém trên thì thực tế cho thấy, kỹ năng mềm, khả năng ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng lao động du lịch cũng chưa được trang bị đầy đủ. Thực trạng này cho thấy số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện tại chưa thể đáp ứng được những yêu cầu phát triển của du lịch trong giai đoạn mới.

Bất cập trong đào tạo

Theo thống kê của Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến năm 2016, cả nước có 156 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có: 48 trường đại học; 43 trường cao đẳng và cao đẳng nghề. Tuy nhiên, chương trình đào tạo du lịch đến nay vẫn chưa được thống nhất. TS Mai Hà Phương, Trưởng Khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh chỉ ra tình trạng kết cấu khung chương trình đào tạo giữa các cơ sở rất khác nhau về tỷ lệ giữa khối kiến thức đại cương và chuyên ngành. Có cơ sở quá thiên về trang bị kỹ năng mà không quan tâm đến trau dồi kiến thức nền, do đó chỉ tạo đội ngũ “thợ” chứ không thể tạo ra những người quản lý giỏi. Ngược lại, có cơ sở tỷ lệ dạy thực hành rất thấp, dẫn đến kỹ năng nghề của sinh viên yếu kém.

Thêm nữa, còn thiếu hệ thống giáo trình cốt lõi; tài liệu tham khảo khá phong phú nhưng chất lượng hạn chế. Trong khi đó, không thể sử dụng giáo trình nước ngoài để giảng dạy chính thức vì nội dung, tên môn học, hệ số tín chỉ… có sự khác biệt lớn, nhiều lĩnh vực lại chưa phù hợp điều kiện phát triển và đặc điểm của nước ta. Thời gian qua, các trường đào tạo nhân lực du lịch cũng gặp nhiều khó khăn khi có tới ba bộ tiêu chuẩn nghề du lịch cùng tồn tại. Đó là bộ tiêu chuẩn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành với tám nghề; bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) do Dự án EU hỗ trợ thực hiện với mười nghề; và bộ tiêu chuẩn nghề tham khảo của ASEAN với sáu nghề. Sự không nhất quán trong chương trình, nội dung đào tạo khiến chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở các cơ sở đào tạo rất khác nhau. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp lúng túng khi căn cứ vào bằng cấp để tuyển nhân sự.

Bên cạnh đó, trình độ sư phạm, chuyên môn của đội ngũ giảng viên cũng là điều đáng bàn. Hiện cả nước có khoảng 5.000 người tham gia đào tạo về du lịch, trong đó có 2.000 giảng viên, giáo viên, 2.580 đào tạo viên và 540 cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp. Tuy nhiên, theo nhận định của GS, TS Nguyễn Văn Đính thì về số lượng, đội ngũ nêu trên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đội ngũ này cũng chưa có trình độ chuyên sâu về du lịch. Nhiều giảng viên chuyển từ ngành khác sang giảng dạy cho nên thiếu sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về lý luận cũng như kinh nghiệm thực tế. Trong 2.000 giảng viên và giáo viên như đã thống kê, chỉ có 259 người có trình độ thạc sĩ trở lên (chiếm 13%). So với những ngành đào tạo khác, đây là tỷ lệ rất thấp. Đồng thời, lực lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ sở phần lớn còn yếu về năng lực chuyên môn, phương pháp quản lý.

Ngoài ra, vấn đề “đầu ra” với các sinh viên, học sinh khi theo học tại các cơ sở đào tạo du lịch cũng chưa được bảo đảm, dẫn tới sức hút đối với người có năng lực tốt theo học chưa nhiều. Ngay từ khâu tuyển sinh, sinh viên đã thiếu sự tư vấn về nghề, dẫn đến thiếu định hướng, lựa chọn công việc không phù hợp năng lực bản thân. Theo Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long (Quảng Ninh) Trần Trung Vỹ, hầu hết các cơ sở đào tạo chưa có chiến lược liên kết với các doanh nghiệp du lịch, cho nên dẫn đến tình trạng trường đào tạo một đằng, doanh nghiệp sử dụng cần một nẻo. Doanh nghiệp là bộ phận bảo đảm đầu ra chủ yếu cho sinh viên nhưng mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch hiện nay vẫn chưa rõ ràng về lợi ích, dẫn đến việc phần lớn doanh nghiệp kết hợp với cơ sở đào tạo mang tính chất quan hệ cá nhân…

Với thực trạng công tác đào tạo nhân lực du lịch hiện nay, vẫn còn khoảng cách khá xa về chất lượng so với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đây sẽ là thách thức đối với lao động du lịch Việt Nam nếu không có trình độ, chất lượng tương đồng. Do đó, ít nhất là để không bị thua ngay trên sân nhà, ngành du lịch cần nhanh chóng có những giải pháp, chiến lược bài bản trong đào tạo nguồn nhân lực.

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/33553202-bat-cap-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-du-lich-ky-1.html