Bất cập lớn: Việt Nam đang sử dụng tới 90% phân bón vô cơ

“Trong 11 triệu tấn phân đó thì phân hữu cơ ta chỉ sử dụng có 1 triệu tấn, còn lại 90%, cỡ khoảng 10 triệu tấn là phân hóa học. Chính điều này khiến nông sản không sạch, chất lượng không cao, ô nhiễm môi trường, giảm độ phì của đất”

Trợ giúp cho Bộ trưởng Bộ Công Thương trong phần trả lời về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phân bón sáng nay trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã dành hơn 10 phút để lý giải khá chi tiết và sâu sắc về những bất cập trong lĩnh vực phân bón.

Có tiềm năng lớn về phân hữu cơ

“Về phân bón có hai bất cập rất lớn: Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, ưu tiên hàng đầu đúng ra phải là phân bón. Nhưng đến giờ vẫn có hai vấn đề lớn chưa thể giải quyết, trong đó đáng kể nhất là bất cấp về định hướng sử dụng phân bón”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhận định.

Theo Bộ trưởng Cường, hàng năm chúng ta sử dụng từ 10 – 11 triệu tấn phân bón. Khả năng trong nước sản xuất 8 – 9 triệu tấn mỗi năm, còn lại là nhập khẩu trong đó nhập khẩu 960.000 tấn phân kali. Ngoài ra là phân DAP và SA là dạng phân hỗn hợp công nghệ cao cho một số đối tượng cây trồng.

Cái tồn tại lớn nhất trong định hướng sử dụng phân bón là trong 11 triệu tấn phân đó thì phân hữu cơ ta chỉ sử dụng có 1 triệu tấn, còn lại 90%, cỡ khoảng 10 triệu tấn là phân hóa học. “Chính điều này khiến nông sản không sạch, chất lượng không cao, ô nhiễm môi trường, giảm độ phì của đất. Nếu cứ để tình trạng này lâu dài chắc chắn giá trị nông nghiệp không thể cao. Vì thế phải định hướng lại việc sử dụng phân bón theo hướng hữu cơ”, ông Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Cường chia sẻ, về phân bón hữu cơ hiện chúng ta rất có tiềm năng. Hàng năm ta có tới 50 triệu tấn phế phụ phẩm như rơm, thân ngô. Có 100 triệu tấn phế thải động vật, có phân ùn, phân chấp đủ điều kiện cho một nền công nghiệp phân hữu cơ phát triển và chuyển dần sang nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp hữu cơ.

Bất cập thứ hai là trong công tác quản lý phân bón. Trước năm 2014 quản lý phân bón theo danh mục. Mỗi một loại phân bón trước khi được đưa vào danh mục để lưu hành trong sản xuất và buôn bán thì phải qua công tác kiểm nghiệm, khảo nghiệm, sau đó có Hội đồng kết luận mới đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì ta phải chuyển cơ chế quản lý từ danh mục sang tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia để đảm bảo tạo điều kiện cho doanh nghiệp và minh bạch theo đúng quy định của hai luật trên.

Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 202 để tập trung chuyển trạng thái quản lý. Tuy nhiên, giai đoạn quá độ sẽ đẻ ra một số vấn đề bất cập. Thứ nhất là đòi hỏi Nhà nước phải có một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm cơ sở khẳng định các đơn vị, tổ chức kinh doanh đăng ký theo đó. Bộ quy chuẩn tiêu chuẩn này muốn ban hành thì phải có thời gian.

Bịt kẽ hở từ quản lý song trùng

Cũng theo Nghị định 202, hai bộ trực tiếp quản lý phân bón là Bộ NNPTNT (phân hữu cơ, vi sinh) và Bộ Công Thương quản lý phân vô cơ từ khâu cấp phép, thanh tra, kiểm tra, dẫn tới sự song trùng và tạo ra kẽ hở: Hầu hết các cơ sở kinh doanh sản xuất phân bón ở Việt Nam đều có cả vô cơ và hữu cơ. Mà theo luật, nếu như vậy thì Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì và phối hợp, trong quá trình xem xét cấp phép và thanh kiểm tra sau này.

Đây chính là kẽ hở, nếu 2 bộ phối hợp không tốt sẽ tạo khoảng trống để các tổ chức, doanh nghiệp lách qua, có những hoạt động gian dối trong thương mại.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Cường cho biết môt số giải pháp trong thời gian tới. Về quản lý, Thủ tướng đã cho chỉnh sửa Nghị định 202, nếu sau này giao cho Bộ Công thương thì Bộ NNPTNT xin chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, con người, điều kiện để tập trung một mối quản lý và ngược lại nếu Chính phủ giao cho Bộ NNPTNT thì Bộ sẽ tổ chức lại chỗ này để quản lý đảm bảo thống nhất.

Thứ hai là tập trung các văn bản pháp luật. Bộ NNPTNT có ban hành Thông tư 41, Bộ Công Thương có ban hành Thông tư 29 để tập trung quản lý phân bón. Tuy nhiên, đến nay Bộ NNPTNT cũng đã phải sửa lại thông tư này cho phù hợp hơn và kiến nghị Bộ Công Thương cũng rà soát để chỉnh sửa Thông tư 29.

Giải pháp thứ ba là ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn: Đến lúc này, Bộ NNPTNT để tạo điều kiện quản lý chặt chẽ hơn đã chuyển sang Bộ Khoa học – Công nghệ 100 quy chuẩn và tiêu chuẩn và tân Bộ trưởng Bộ KHCN cũng rất quyết tâm, đến giờ phút này đã thẩm định gần xong. Thời gian tới Bộ sẽ ban hành Bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để phục vụ cho công tác quản lý.

Một giải pháp nữa là chấn chỉnh cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý phân bón.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chốt lại phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: “Đề nghị qua buổi chất vấn hôm nay, hai Bộ trưởng sẽ phối hợp lại với nhau, tham mưu cho Chính phủ giải quyết ngay những bất cập, sơ hở, chồng chéo, khoảng trống trong quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phân bón, làm sao cho trong các lần họp tới, ĐBQH không phải chất vấn về vấn đề này nữa”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bat-cap-lon-viet-nam-dang-su-dung-toi-90-phan-bon-vo-co-723196.html