Bất cập giấy phép con khiến ngành chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc nước ngoài

"Nước ta là nước nông nghiệp sao chúng ta lại phải nhập nhiều thế? Nhiều kỹ thuật tưởng đơn giản nhưng nghiên cứu trong nước vẫn chưa đáp ứng được". Đó chính là trăn trở của chuyên gia nông nghiệp cao cấp Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, tại hội thảo “Hành động để người dân được sử dụng nông sản thực phẩm an toàn” diễn ra ngày 26.7 tại Hà Nội.

Nhập khẩu từ hạt ngô

Theo chuyên gia Lê Bá Lịch, những tồn tại của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là xuất phát từ hệ thống tổ chức, chỉ đạo ngành chưa chặt chẽ từ trên xuống cơ sở. Nhiều tiến bộ kỹ thuật tưởng đơn giản nhưng nghiên cứu trong nước chưa đáp ứng, vẫn phải nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông nghiệp như: nhập khô dầu đậu tương 5 triệu tấn, ngô là 6-7 triệu tấn, các phụ gia nhập 100%, kháng sinh và vitamin cũng nhập 100%. Thức ăn chăn nuôi nhập ngoại 60 – 65%.

“Nước ta là nước nông nghiệp sao chúng ta lại phải nhập nhiều thế? Minh chứng cho điều này là năng suất ngô của chúng ta chỉ có 4,5 tấn. Nhiều người lợi dụng mình là cổ đông của công ty giống cây trồng nên cho rằng không nên sử dụng ngô biến đổi gen. Nhưng tôi cho rằng chúng ta nên dùng bởi các nước như Mỹ, Argentina đã dùng sản phẩm này từ cách đây rất lâu và thậm chí xuất khẩu lại sang Việt Nam”, ông Lịch bức xúc nói.

Theo ông Lịch, nếu không kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, doanh nghiệp trong nước sẽ thua ngay trên sân nhà vì hiện nay, doanh nghiệp, trang trại vẫn “tự bơi” trong môi trường cạnh tranh.

"Trong giai đoạn 2015 – 2016, tôi kiến nghị với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và Bộ Công an có thể phối hợp để kiểm soát những chất cấm vượt ngưỡng. Nếu không quản lý tốt chẳng khác nào người dân chúng ta đang tự sát vì hàng ngày phải sử dụng những sản phẩm không an toàn. Trong tương lai, dù có yêu Việt Nam đến mấy người ta vẫn đi mua sản phẩm của nước ngoài tuy đắt nhưng an toàn", ông Lịch bày tỏ.

Bất cập giấy phép con!

Chỉ ra nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn lệ thuộc khá nhiều vào nước ngoài, ông Lịch cho rằng do cơ sở vật chất quản lý nông nghiệp lỏng lẻo; việc xã hội hóa phòng thí nghiệm yếu, phòng thí nghiệm tư nhân hiện nay không đầy đủ.

"Tôi đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT nên trình bày để Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ đầu tư các phòng phân tích đầy đủ thiết bị và con người được đào tạo", ông Lịch nói.

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do thủ tục quản lý, cấp phép nhập khẩu nguyên liệu thay đổi chóng mặt, giấy phép con phức tạp.

"Chúng ta vừa không tập trung kiểm soát chất lượng, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, nước uống… (những sản phẩm đầu ra), chúng ta cũng không tập trung kiểm soát chất lượng nguyên liệu nhập khẩu đầu vào nên dẫn đến việc có quá nhiều giấy phép con. Mặt khác, chúng ta cũng chưa phát huy tối đa lợi thế sinh thái của từng vùng phù hợp phát triển từng loại gia súc, gia cầm. Thú y còn tồn tại nhiều bệnh dịch nguy hiểm: lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm, dịch tả… Ý thức chấp hành luật, pháp lệnh thú y của người dân chưa tốt, chưa quản lý được giết mổ gia súc, gia cầm. Việc quản lý chất lượng thuốc thú y, vắc xin vô cùng yếu kém", ông Lịch chia sẻ.

Một vấn đề nổi cộm khác trong ngành chăn nuôi nước ta hiện nay, theo ông Lịch là thiếu nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi trầm trọng. Thực tế, nguyên liệu nhập khẩu hiện vẫn chiếm 60 - 65% thức ăn thành phẩm. Doanh nghiệp FDI chiếm 60 - 65% thị phần trong khi doanh nghiệp nội địa chỉ 35 - 40% thị phần. Nhiều doanh nghiệp "tự bơi" khi phải tự bỏ tiền ra nhập từ con giống. Ngoài ra, việc quản trị doanh nghiệp yếu, công nghệ thấp kém khó tiếp cận nguồn vốn, thị trường, thông tin mù mờ, sức cạnh tranh thấp...

Cần đổi mới hoặc bỏ hẳn giấy phép con

Theo chuyên gia Lê Bá Lịch, muốn phát triển ngành chăn nuôi bền vững thì phải đổi mới nhận thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ, chuyển nhận thức thành hành động. Cần chủ động khống chế các dịch bệnh nguy hiểm, tiêu diệt một số bệnh thông thường.

Đối với thức ăn chăn nuôi, cần đổi mới hoặc bỏ hẳn giấy phép con nhập khẩu nguyên liệu. Các giám đốc doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm chất lượng nguyên liệu đầu vào, còn Nhà nước kiểm soát đầu ra. Ngoài ra, cần thay đổi phương pháp nghiên cứu, cụ thể: đề tài nghiên cứu phải gắn với sản xuất, phải có tính hiệu quả kinh tế.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/bat-cap-giay-phep-con-khien-nganh-chan-nuoi-viet-nam-phu-thuoc-nuoc-ngoai-38881.html