Bất an trong bệnh viện

Vụ việc người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ (BS) tại Bệnh viện (BV) Thạch Thất chưa kịp lắng xuống thì liên tiếp tại BV Đại học Y Hà Nội, BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), côn đồ mang mã tấu, súng vào đâm chém bệnh nhân, tấn công nhân viên y tế, nhân viên bảo vệ, 'đại náo' BV. Có thể nói, chưa bao giờ cả bệnh nhân và BS đều cảm thấy bất an như hiện nay.

Liên tiếp bị tấn công

Cách đây vài ngày, một nhóm côn đồ mang theo súng tự chế đã bất ngờ tấn công nhân viên BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ). Trước đó, kíp trực của BV Đại học Y Hà Nội đang cấp cứu cho một bệnh nhân thì bị nhóm gần 20 thanh niên dùng hung khí khống chế nhóm bảo vệ của BV, chém người bệnh đứt khí quản.
Cuối tháng 4, sinh viên Y khoa năm 3 Phạm Lê Tùng của trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên đang thực tập tại Khoa Cấp cứu, BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên cũng bị người nhà bệnh nhân hành hung chỉ vì không bế bệnh nhân đi chụp chiếu theo yêu cầu của gia đình. Trước đó, vào giữa tháng 4, một BS Khoa Nhi – BV Đa khoa Thạch Thất đã bị người nhà bệnh nhân dùng cốc đánh vào đầu bất tỉnh, phải khâu 7 mũi.

 Côn đồ hành hung tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (ảnh cắt từ clip).

Côn đồ hành hung tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (ảnh cắt từ clip).

Không chỉ truy sát người bệnh, hành hung y, BS, mà trong các BV còn thường xuyên xảy ra nạn trộm cắp, móc túi, lừa đảo, phá hoại, bắt cóc trẻ sơ sinh làm cho cả người dân, bệnh nhân và ngành y tế luôn cảm thấy bất an.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ năm 2010 đến nay, ghi nhận có ít nhất 20 vụ điển hình về mất an ninh, trật tự trong BV. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở BV tuyến tỉnh (chiếm 60%), BV tuyến T.Ư (20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là BS (70%), điều dưỡng (15%), trong đó có nhiều vụ xảy ra khi BS đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh.
Môi trường nguy hiểm
Tại hội nghị tăng cường an ninh, trật tự BV do Bộ Y tế tổ chức mới đây, nhiều người đã bày tỏ nỗi lo khi môi trường BV ngày càng trở nên nguy hiểm. Ông Nguyễn Đức Tâm - Trưởng phòng Hành chính quản trị, BV Việt Đức cho biết, công tác bảo đảm an ninh BV gặp không ít khó khăn. “Nhiều khi bệnh nhân là giang hồ vừa vào viện thì hàng trăm đối tượng khác đã xuất hiện kèm vũ khí “nóng” để thanh trừng lẫn nhau. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng BV chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cấp cứu, phẫu thuật, nhiều người bệnh còn phải chờ đợi, xếp lịch, dẫn đến những bức xúc ảnh hưởng đến an ninh trật tự”. Còn ông Nguyễn Tiến Sơn - Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cũng bày tỏ lo ngại thực trạng bất ổn về an ninh trật tự từng diễn ra tại nhiều cơ sở y tế, ảnh hưởng đến tinh thần của y, BS.
Nhiều ý kiến cho rằng, bất an ở BV xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như quá tải, thiếu trang thiết bị, người dân không tôn trọng pháp luật, đặc biệt là lực lượng bảo vệ BV không được huấn luyện đầy đủ, thái độ phục vụ của BS và nhân viên y tế có lúc chưa đúng mức. Nhưng theo ý kiến của Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, quan trọng nhất là rất ít lãnh đạo BV quan tâm đến công tác an ninh trật tự.
Đại tá Phạm Văn Tám - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cũng cho rằng, hiện nay, chỉ các BV lớn mới có sự phối hợp với công an địa phương. Đa số các BV còn lại chủ yếu thuê lực lượng bảo vệ của các công ty tư nhân. Tại một số BV, nhất là BV cấp cơ sở, trang thiết bị về an ninh bảo vệ rất hạn chế, thiếu thốn. Hầu hết nhân viên bảo vệ tại các BV đã ít lại thiếu tính chuyên nghiệp, đặc biệt là trong phản ứng với các tình huống nguy hiểm.
Thay đổi từ hai phía
Thường sau mỗi vụ việc xảy ra, các BV đều họp “rút kinh nghiệm” và tăng cường công tác an ninh. Bộ Y tế cũng liên tiếp có các công văn yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng công an, lựa chọn công ty bảo vệ có uy tín để đảm bảo an ninh, trật tự BV. Nhưng, các vụ tấn công BV, đâm chém bệnh nhân, hành hung BS vẫn không có dấu hiệu giảm dần mà liên tiếp xảy ra.
Để giữ gìn tốt công tác an ninh, ông Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai cho rằng, việc trang bị cho đội ngũ bảo vệ ở "điểm nóng" (khu khám bệnh, cấp cứu) công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, đạn hơi cay là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, các BV nên lựa chọn nhân viên bảo vệ của các công ty có chuyên môn cao, được phép trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ thích hợp.
Nhìn nhận từ hai phía, nhiều người cho rằng, các BV, đặc biệt là các BV công cần phải “nhìn lại mình” để thay đổi cách ứng xử, chăm sóc người bệnh tốt hơn. Bởi thực tế, đa số các vụ người nhà bệnh nhân tấn công BS đều do bức xúc trước tình trạng người bệnh không được quan tâm, cấp cứu kịp thời, BS chưa giải thích tận tình, chu đáo. Về vấn đề này, ông Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, các BV một mặt phải thay đổi phong cách ứng xử, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, mặt khác nâng cao chất lượng điều trị. Nhưng thực tế, hiện nay, nhiều đơn vị rất chăm chú vào phát triển chuyên môn, nâng cao tay nghề BS mà lơ là công tác giữ gìn an ninh trật tự. Đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng phải cư xử đúng mực, có văn hóa và hợp tác với BS để họ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình là cứu người.
Có ý kiến còn cho rằng, Bộ Y tế nên đưa nội dung về an ninh là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng BV. Khi mỗi vụ việc xảy ra, cần nghiêm túc nhìn lại để “soi mình” và rút kinh nghiệm, tránh tái diễn tình trạng mất an ninh, trật tự trong BV.

"Các cơ sở y tế cần phải cảnh giác, tăng cường việc bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là những nơi có đông người bệnh như Khoa khám bệnh, Khoa cấp cứu. Đồng thời phải lắp đặt hệ thống camera giám sát ở những nơi trọng yếu, vừa là để phát hiện nhanh sự việc, vừa để ghi lại bằng chứng khi xảy ra sự việc. Đối với những đối tượng hành hung nhân viên y tế, cần xử lý nghiêm khắc, thậm chí truy cứu hình sự để làm gương cho những kẻ khác và để đội ngũ y, bác sĩ yên tâm phục vụ Nhân dân." - Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

"Lực lượng bảo vệ hiện nay tại các BV chưa thực sự chuyên nghiệp. Họ chuyên về bảo vệ chứ chưa chuyên về nghiệp vụ an ninh cũng như khả năng võ thuật, trang bị vũ khí thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, các BV có thể trang bị, kết nối đường dây nóng với các cơ quan công an địa phương để khi có vụ việc bất ổn có thể bấm chuông, gọi điện để có sự hỗ trợ kịp thời." - Ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Tim Hà Nội

"Những vụ việc bạo hành thầy thuốc liên tiếp xảy ra thời gian gần đây làm cho lớp trẻ muốn thi vào ngành y cũng nơm nớp nỗi lo. BS đã đối mặt với đủ áp lực, quá tải bệnh nhân, nguy cơ nhiễm bệnh từ BV, bệnh nhân mắng chửi, nay lại thêm nỗi lo bị người nhà bệnh nhân lao vào đánh vỡ đầu. Thế ai còn dám làm BS, ai sẽ cứu người? Tuy nhiên, mọi vấn đề đều phải nhìn nhận từ hai phía, muốn an ninh BV được an toàn, thì ngay các cơ sở y tế cũng như nhân viên y tế cần phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi phong cách phục vụ. Có như vậy, người bệnh mới hài lòng, bớt bức xúc." - Bác Lê Quang Liêm (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội)

Nhật Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bat-an-trong-benh-vien-287797.html