Bấp bênh với 'vàng đen'

Được mệnh danh là 'vàng đen' - cây hồ tiêu trở thành loại cây mà nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng hướng đến, bởi nó đã đưa nhiều nông dân trở thành tỷ phú.

Được mệnh danh là "vàng đen" - cây hồ tiêu trở thành loại cây mà nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng hướng đến, bởi nó đã đưa nhiều nông dân trở thành tỷ phú. Thế nhưng, sự phát triển ồ ạt, không kiểm soát đã dẫn đến nhiều hệ lụy: từ suy thoái cây giống đến bệnh tật phức tạp trên cây hồ tiêu. Khi giá hồ tiêu đang trượt dốc không phanh thì hiện có hơn 11.000 hộ gia đình, cá nhân của tỉnh Gia Lai đang vướng vào khoản vay ngân hàng nghìn tỷ đồng để trồng, chăm sóc và kinh doanh loại cây "vàng đen" này.

Nhiều nông dâng điêu đứng khi giá hồ tiêu xuống thấp và đối mặt với các loại bệnh tàn phá trên cây hồ tiêu.

Nhiều nông dâng điêu đứng khi giá hồ tiêu xuống thấp và đối mặt với các loại bệnh tàn phá trên cây hồ tiêu.

Vỡ quy hoạch

Trong vòng vài tháng trở lại đây, giá hồ tiêu từ mức cao ngất ngưởng, lúc đỉnh điểm lên đến 220.000 đồng/kg rồi rớt dần xuống và nay chỉ dao động trong khoảng 78-80.000 đồng/kg. Hàng nghìn hộ dân trồng tiêu của Gia Lai cũng như khu vực Tây Nguyên như ngồi trên lửa khi giá hồ tiêu tụt dốc chưa có điểm dừng. Với mức giá hiện tại, người dân vẫn chỉ đủ huề vốn sau khi trừ chi phí, nhưng nếu tính cả công thuê chăm sóc, thu hái thì vẫn lỗ. Nhiều người đành ngậm ngùi tích trữ hồ tiêu lại nhưng không ai dám chắc giá hồ tiêu lên cao trở lại trong thời gian tới. Còn những người trồng mới thì thắc thỏm bởi hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng đầu tư vào vườn tiêu đến bao giờ mới có thể thu hồi vốn, chưa kể đủ loại bệnh đe dọa đến vườn tiêu bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Như Phương, một hộ trồng tiêu ở xã Ia Blang, H. Chư Sê cho biết: "Khi giá hồ tiêu đang lên cao, tôi đầu tư 3ha, nay mới thu bói được một năm, được 4 tấn. Nhưng giờ giá xuống quá thấp trong khi tiền đầu tư đã gần 2 tỷ đồng, trong đó phần nhiều là tiền vay mượn. Trong khi đó, năm rồi vườn tiêu chết mất 200 trụ nữa. Chỉ trông chờ giá tiêu lên cao như cũ mới thu được vốn chứ vườn tiêu mà đổ bệnh thì chỉ có nước trắng tay. Trồng tiêu giờ đây chẳng khác gì đánh bạc!".

Dù theo quy hoạch cây trồng của tỉnh Gia Lai thì diện tích hồ tiêu đến năm 2015 là 6.000ha và tầm nhìn đến năm 2020 vẫn ở con số này nhưng đến giờ này đã vỡ quy hoạch. Tính đến thời điểm này diện tích hồ tiêu của Gia Lai đã lên đến con số 16.000 ha nhưng có lẽ con số thực tế còn cao hơn số liệu thống kê. Bởi cơn sốt hồ tiêu trong những năm trở lại đây khiến "người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu" dù kiến thức trồng, chăm sóc hồ tiêu còn hạn chế. Chưa kể tình trạng nhiều người dân chặt bỏ các loại cây trồng công nghiệp khác để chạy theo cây hồ tiêu bất chấp thổ nhưỡng, khí hậu có phù hợp hay không. Nhiều hộ dân đã vay tiền của ngân hàng để mua đất, đầu tư vào cây tiêu bởi lợi nhuận khủng từ loại cây này mang lại. Và cứ thế, hàng nghìn héc-ta hồ tiêu mọc lên ở các huyện của tỉnh Gia Lai như: Chư Sê, Chư Pưh, Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Prông...

Việc phát triển ồ ạt cây hồ tiêu khiến vỡ quy hoạch là điều mà các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đau đầu trong những năm qua. Bởi mọi việc chỉ dừng lại ở khuyến cáo chứ không thể ngăn cấm được người dân bởi đất đai, nguồn vốn đầu tư đều của người dân. Thế nên, người nông dân cứ chạy theo lợi nhuận, theo phong trào để phát triển loại cây cho giá trị cao. Cái điệp khúc "trồng, chặt" đó, cứ bám riết theo người nông dân. Nhiều người dân chưa kịp mừng khi vườn hồ tiêu đang lên xanh tốt gần cho thu hoạch bỗng chỉ sau vài tháng trở bệnh không có thuốc gì cứu chữa và trở nên trắng tay cùng với khoản vay nợ ngân hàng chưa biết khi nào trả được. Ngay cả vựa tiêu Chư Sê, Chư Pưh - nơi tạo nên thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê cũng rơi vào tình trạng này.

Dù thiếu kỹ thuật, thiếu vốn nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô vay ngân hàng "đánh bạc" với cây hồ tiêu.

Hàng nghìn tỷ đồng cho vay

Có một thực tế thấy rõ, hồ tiêu là một loại cây khá đỏng đảnh và rất kén trong việc chăm sóc. Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, cây hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao. Thời gian qua đã có nhiều hộ nông dân của tỉnh vươn lên làm giàu từ sản xuất cây hồ tiêu. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng dễ bị bệnh và đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, chọn đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, sơ chế. Thế nhưng, với người nông dân thì các quy trình, khâu sản xuất, chế biến trên vẫn còn đang... bỏ ngỏ và chưa có loại thuốc đặc hiệu nào với bệnh chết nhanh, chết chậm trên loại cây trồng này. Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nhiều lần khuyến cáo: "Trồng tiêu ồ ạt như thế này không được đâu. Trồng được tiêu là phải nhà "giàu", giàu ở đây là ngoài vốn thì người trồng còn phải giàu về kiến thức, kỹ năng chăm sóc cây hồ tiêu".

Đã có hàng ngàn héc-ta hồ tiêu bị bệnh, bị chết nhưng nông dân bất chấp tất cả. Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN&PTNT H.Chư Pưh cho biết: "Giai đoạn từ năm 2010 - 2015, năng suất hồ tiêu trung bình của huyện đạt 48-51 tạ/ha, sản lượng trung bình đạt từ 8.000 - 10.500 tấn/năm. Từ năm 2016, năng suất hồ tiêu giảm dần, có hơn 2.000ha/gần 2.900 ha bị nhiễm bệnh từ nhẹ đến nặng với các loại bệnh như vàng lá thối rễ tơ, chết nhanh, tuyến trùng rễ, rệp sáp... Từ năm 2013 đến nay có hơn 312 ha hồ tiêu của 623 hộ dân bị chết. Thiệt hại nhiều tỷ đồng". Có một thực tế đáng lo ngại ngay tại các vùng canh tác hồ tiêu là việc hàng chục nghìn hộ dân, DN vay vốn ngân hàng để đổ xô vào trồng hồ tiêu bất chấp các khuyến cáo. Khi giá tiêu lên đến chóng mặt, các hộ dân đã cầm cố tài sản vay ngân hàng để "đánh bạc" với cây tiêu. Từ nông dân cho đến cán bộ nhà nước lao vào trồng hồ tiêu những mong thu lợi tiền tỷ. Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Gia Lai cho biết: "Tính đến cuối năm 2016, dư nợ đối với các khoản vay để trồng, chăm sóc và kinh doanh hồ tiêu là hơn 3.900 tỷ đồng, đến tháng 3-2017 là 3.657 tỷ đồng. Trong đó, có 36 doanh nghiệp vay hơn 300 tỷ đồng tính, còn lại là của người dân vay. Tính đến cuối tháng 3-2017, có khoảng 11.200 hộ gia đình, cá nhân vay với mục đích trên. Chúng tôi cũng chưa có con số cuối cùng về các khoản nợ xấu nhưng thực tế là các khoản vay liên quan đến hồ tiêu khá lớn".

Trong khi đó, theo tính toán thì đầu tư 1ha hồ tiêu, nếu người dân có đất thì cũng phải tốn bình quân từ 500 - 600 triệu đồng trong vòng 3 năm đầu. Phải đến năm thứ 5 tiêu mới cho năng suất tốt với điều kiện vườn tiêu đạt. Song với giá cả như những năm trước, dao động trong khoảng 180 - 200 ngàn đồng/kg, nhiều hộ trồng tiêu đã thu được vốn đầu tư và có lãi. Nhưng với giá tiêu hiện tại, người trồng tiêu chưa biết xoay xở như thế nào, chưa kể là vườn tiêu chết thì việc "trắng tay" không thể tránh khỏi.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_167386_ba-p-benh-vo-i-va-ng-den-.aspx