Bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân

Thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân, điều đó đã thành ý thức của mỗi người Việt Nam, xuất phát từ truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Nghĩa vụ cao quý này được khẳng định trong bản Hiến pháp của nước nhà.

Trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội công bố cũng nêu rõ tại Điều 48 (sửa đổi, bổ sung Điều 77): "Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định".

Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được hiểu là nhập ngũ vào quân đội, ngoài ra còn có việc thực hiện nghĩa vụ thay thế, song đều có mục tiêu chung là bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy có thể nên thống nhất chung là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và được khẳng định trong Hiến pháp, nêu rõ những nghĩa vụ công dân. Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được quy định tại các luật, pháp lệnh như: quân sự, an ninh, cảnh sát, cơ yếu... làm căn cứ pháp lý khẳng định ý thức nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, trong triển khai xây dựng cũng như thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân, yêu cầu công bằng là vấn đề phải được quan tâm thường xuyên, có những vấn đề cần phải trưng cầu dân ý hay đưa ra dự thảo để tranh thủ ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi quyết định.

Thời gian qua, trước tình hình quốc tế có những nguy cơ, phức tạp, mọi người dân đều nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Song không vì thế mà nhìn nhận vấn đề thuần túy xuôi chiều. Trước yêu cầu nâng cao chất lượng tuyển quân và hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng giấy tuyển sinh đại học, cao đẳng để tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, Nhà nước có điều chỉnh diện đối tượng công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đây là vấn đề có ý nghĩa tích cực, nhằm không ngừng bảo đảm sức mạnh bảo vệ Tổ quốc và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, qua thời gian, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự trong điều kiện đất nước hòa bình, ổn định, yêu cầu biên chế lực lượng vũ trang giảm và cuộc sống ngày một được nâng cao với những quyền lợi công dân được rộng mở cũng cần nhìn nhận lại việc thực hiện nghĩa vụ công dân, trong đó có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Thiết nghĩ, cần có quy định hướng dẫn bảo đảm công bằng, trong đó kể cả những người trong diện do điều kiện hoàn cảnh khác nhau không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự mà có điều kiện cuộc sống tốt phải đóng góp vật chất cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Việc tuyển quân đối với công dân đủ tiêu chuẩn tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể vận dụng rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ sát hợp với thời gian khóa học và bảo lưu nghĩa vụ còn lại nhằm tạo điều kiện cho công dân phấn đấu, không làm gián đoạn quá trình học tập của họ.

VĂN XUÂN (Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/bandoc/duong-day-nong/item/20074002-.html