Bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng

Mặc đồ thoáng, sáng màu, hạn chế ăn uống đồ lạnh, giữ vệ sinh sạch sẽ, cố gắng tránh ra ngoài trời khi nắng gắt... là những cách giúp bảo vệ cơ thể trong mùa nắng nóng.

Uống nhiều nước là biện pháp phòng tránh nóng đơn giản và hiệu quả nhất.

Uống nhiều nước là biện pháp phòng tránh nóng đơn giản và hiệu quả nhất.

NDĐT - Mặc đồ thoáng, sáng màu, hạn chế ăn uống đồ lạnh, giữ vệ sinh sạch sẽ, cố gắng tránh ra ngoài trời khi nắng gắt... là những cách giúp bảo vệ cơ thể trong mùa nắng nóng.

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt liên tục, có những ngày nhiệt độ cao nhất lên đến hơn 40 độ C, đã gây ra không ít những vấn đề về sức khỏe và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Vậy làm thế nào để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt hiện nay. Dưới đây là một vài chia sẻ giúp bảo vệ cơ thể trong mùa nắng nóng.

Hạn chế ra ngoài vào lúc nắng cao điểm

Người lao động không nên làm việc quá lâu ngoài trời nắng.

Những ngày qua thời gian nắng nóng trong ngày thường từ 10-18 giờ, cao điểm nhất vào khoảng từ 12-16 giờ.

Để phòng ngừa, người dân nên hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này. Nếu lao động ngoài trời nắng cần phải đội nón hoặc mũ rộng vành. Không để da, nhất là đầu, mặt, cổ gáy trực diện tiếp xúc lâu với ánh nắng. Tránh làm việc quá lâu ngoài trời nắng, nếu phải thường xuyên làm việc ngoài nắng thì cứ sau một khoảng thời gian lại vào chỗ râm mát nghỉ giải lao.

Nên đeo khẩu trang và che chắn bằng quần áo (như váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay, tất chân...) có độ dày thích hợp khi ra đường. Đặc biệt, hãy chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi để có thể bảo đảm vừa bảo vệ được da từ tia cực tím, vừa không ngăn cản việc hấp thụ vitamin D từ trong ánh mặt trời.

Uống nhiều nước

Nước dừa có nhiều thành phần khoáng chất tự nhiên giúp giải nhiệt, giảm háo nước

Nhiệt độ quá nóng gây cho cơ thể con người nhiều khó chịu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe hoặc thậm chí tử vong. Đó là do nắng nóng làm cơ thể dễ mất nước, gây ra tăng khát, suy nhược, chóng mặt, đánh trống ngực và ngất xỉu. Kiệt sức do nhiệt xảy ra khi cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều mà không kịp bồi phụ nước.

Do vậy, chúng ta nên uống nhiều nước và đúng cách để bù lại lượng nước đã mất qua bài tiết. Cách tốt nhất là uống nước hoa quả hoặc các đồ uống dùng cho tập luyện thể thao. Không uống các viên thuốc muối trừ khi có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu đang thực hiện các bài tập nặng trong điều kiện nóng bức, bạn cần uống 0,4 đến 0,9 lít mỗi giờ. Nên tránh uống đồ uống quá lạnh vì chúng có thể gây ra chứng co rút ruột. Không uống rượu, bia vì nó sẽ làm mất nước nhiều hơn.

Ngoài ra, nên thường xuyên ăn, uống những thực phẩm như: nước dừa (có nhiều thành phần khoáng chất tự nhiên giúp giải nhiệt, giảm háo nước); mướp đắng (có tính mát, giải nhiệt, giảm mụn nhọt); nước chanh (giàu vitamin C giúp tăng đề kháng, giải nhiệt); dưa hấu (nhiều nước và vi chất dinh dưỡng); bí ngô (có nhiều beta caroten – thành phần giúp hạ nhiệt, chống say nắng, bảo vệ da và thần kinh); đậu xanh (giải nhiệt, giải độc cho cơ thể)…

Giữ vệ sinh sạch sẽ

Một số bệnh truyền nhiễm mùa hè gây ra bởi các loại côn trùng và vi khuẩn. Ngăn ngừa sự phát triển của chúng được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng bệnh. Thường xuyên phun thuốc chống muỗi, làm sạch môi trường trong nhà với chất khử trùng để ngăn chặn sự phát triển của các loại côn trùng và vi khuẩn gây hại, đặc biệt là ruồi và gián.

Bên cạnh đó, mùa hè thường ra mồ hôi nhiều ở các vùng cổ, mặt, lưng, bẹn…, nếu không chú ý vệ sinh, các chất này không thoát hết sẽ ứ đọng trong ống bài tiết của da, làm bít lỗ chân lông và kết hợp với vi khuẩn gây viêm da và nấm da.

Chăm sóc đường hô hấp

Bật quạt lớn, để điều hòa nhiệt độ thấp sẽ làm khô vùng mũi họng và khô các dịch nhầy bảo vệ cơ thể, khiến cho vi khuẩn dễ xâm nhập và gây bệnh. Vì vậy, tốt nhất nên để trong phòng điều hòa hoặc phòng có bật quạt lớn chậu nước giúp giữ ẩm cho phòng. Ngoài ra, buổi tối trước khi đi ngủ, chúng ta có thể dùng thuốc muối sinh lý natri clorid 0,9% nhỏ mũi để giữ ẩm cho mũi họng.

Tránh thay đổi môi trường nhiệt độ quá đột ngột

Các bác sĩ khuyến cáo, những ngày nắng nóng, từ trong phòng điều hòa ra (hoặc ngược lại từ ngoài nóng bước vào phòng điều hòa) cần phải có một thời gian "quá độ", không nên vội bước từ nhà ra ngoài đường luôn.

Bởi khi đó, cơ thể không kịp thích nghi với sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, nhiều người không kịp cần bằng cơ thể, dẫn đến các hiện tượng chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu, say nắng...

HÀ THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33056002-bao-ve-suc-khoe-khi-thoi-tiet-nang-nong.html