Bảo vệ quyền lợi người lao động đến cùng

Mặc dù các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp quyết liệt, song bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc thực hiện pháp luật về BHXH trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nổi cộm nhất, là tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến đời sống CNVCLĐ.

Vi phạm vẫn nhiều

Để nắm bắt tình hình thực hiện pháp luật về BHXH tại các DN trên địa bàn Hà Nội, trong hai ngày từ 4-5/10/2016, Đoàn giám sát liên ngành giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Thanh tra Chính phủ và BHXH Việt Nam do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với 3 doanh nghiệp đại diện cho 3 khu vực kinh tế: khu vực FDI, nhà nước, tư nhân tại Hà Nội.

Cty CP Thế giới số Trần Anh là một trong những DN thực hiện khá tốt Luật BHXH.

Cty CP Thế giới số Trần Anh là một trong những DN thực hiện khá tốt Luật BHXH.

Đó là, Công ty TNHH Elentec Việt Nam (Lô 44F, 44J KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội), Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), Công ty CP Thế giới số Trần Anh (số 1174 đường Láng, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Đây là 3 doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, tổng số trên 6.000 lao động.

Theo ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), kết quả giám sát cho thấy, các doanh nghiệp này thực hiện khá tốt pháp luật về BHXH, thể hiện ở việc đóng BHXH, BHYT, BHTN tương đối đầy đủ cho người lao động; thực hiện việc lập, lưu giữ hồ sơ để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động theo quy định; chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký, khai báo tình hình sử dụng lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương; việc chi trả các chế độ chính sách cho người lao động được đảm bảo, một số chế độ mới của Luật BHXH cũng được thực hiện kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện pháp luật về BHXH của các doanh nghiệp này vẫn còn những tồn tại. Chẳng hạn, mức đóng BHXH của người lao động, nhất là CNLĐ trực tiếp là thấp; thời gian chi trả chế độ BHXH cho người lao động còn kéo dài, chưa kịp thời; chưa triển khai thông báo định kỳ thông tin đóng BHXH; chưa bàn giao sổ BHXH cho NLĐ quản lý; thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN của tháng trước vào ngày 25 của tháng sau...

Ngoài 3 doanh nghiệp cụ thể trên, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, việc thực hiện pháp luật về BHXH trên địa bàn Thành phố cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nổi cộm nhất là tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH còn ở mức cao.

Tính đến hết tháng 6/2016, Hà Nội có khoảng 195.000 DN, trong đó có 52.661 đơn vị, DN trên địa bàn đã tham gia BHXH bắt buộc và BHTN. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay có tới 31.428 DN chậm đóng BHXH với số tiền hơn 2.000 tỉ đồng.

Kiên quyết khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND và LĐLĐ Thành phố, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính đề nghị các bên phối hợp thực hiện tốt Khoản 7 Điều 10 Luật BHXH về việc “Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của NLĐ”.

Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cũng yêu cầu LĐLĐ thành phố Hà Nội xúc tiến khẩn trương việc khởi kiện một số DN vi phạm pháp luật BHXH.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng chậm đóng, trốn đóng và nợ đọng BHXH, là từ năm 2010 đến nay, số lao động trên địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm do các đơn vị thu hẹp sản xuất; nhiều doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất sang địa bàn các tỉnh lân cận (chủ yếu trong lĩnh vực may, giày da, vật liệu xây dựng...).

Nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động gây ảnh hưởng đến công tác thu BHXH. Cơ quan BHXH còn gặp khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra (như xác định địa chỉ đơn vị, xác định số lao động...).

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ SDLĐ chưa tốt; còn tình trạng cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH, nợ tiền lương của người lao động. Thậm chí, một bộ phận người lao động do nhận thức hạn chế, nên bị chủ SDLĐ lôi kéo để đồng tình trong việc trốn đóng BHXH.

Mặc khác, Luật BHXH và các quy định pháp luật có liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể việc giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ khi người SDLĐ còn nợ BHXH, gây khó khăn và bức xúc cho NLĐ. Mặc dù đã có quy định đối với những đơn vị nợ BHXH được tách đóng số tiền nợ của các lao động đã nghỉ việc; tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn không thực hiện tách đóng để xác nhận quá trình đóng BHXH cho NLĐ.

Phát biểu ý kiến về tình trạng nợ đọng BHXH trên địa bàn Hà Nội, ông Mai Đức Thắng- Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam), Phó Trưởng đoàn giám sát cho rằng, đây sẽ là khó khăn lớn của Thành phố, ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng mà Thủ tướng giao.

Ông Vũ Hồng Khánh- Phó Vụ trưởng Vụ III (Thanh tra Chính phủ) cũng tỏ ra băn khoăn trước tình trạng đại đa số các đơn vị, doanh nghiệp thường chi trả chế độ cho NLĐ chậm từ 1- 3 tháng.

Để đảm bảo quyền lợi về chế độ chính sách BHXH cho người lao động, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, LĐLĐ Thành phố đã và sẽ thực hiện những biện pháp quyết liệt xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH.

Cụ thể, LĐLĐ Thành phố đã phối hợp với Tòa án Nhân dân Thành phố ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn (2016 -2020), trong đó có nội dung Tòa án Nhân dân Thành phố và Tòa các quận, huyện, thị xã hỗ trợ tổ chức CĐ trong việc chuẩn bị nguồn lực để thực hiện các hoạt động pháp lý có liên quan đến chính sách BHXH đối với người lao động.

Tới đây, LĐLĐ Thành phố phối hợp với BHXH Thành phố sẽ đề nghị khởi kiện ra tòa 7 đơn vị có từ 16 - 24 tháng nợ BHXH với tổng số nợ xấp xỉ 15 tỉ đồng.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-lao-dong-den-cung-43355.html