Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

Qua kiểm tra hằng năm việc thi hành Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn ở các doanh nghiệp cho thấy, người sử dụng lao động ký với người lao động chủ yếu là loại hợp đồng xác định thời hạn từ một đến ba năm (chiếm tỷ lệ hơn 80%). Nhiều nơi, người sử dụng lao động kéo dài thời gian thử việc và chỉ ký hợp đồng lao động loại dưới ba tháng, để không phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thỏa ước lao động tập thể là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng, khuyến khích, phát huy dân chủ trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, đề cập quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, kết quả ký kết Thỏa ước lao động tập thể hiện nay còn đạt thấp, tỷ lệ bình quân chung đạt hơn 65%. Nguyên nhân của việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp đạt tỷ lệ thấp là do một số nơi vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở chưa đủ mạnh để đề xuất, thương lượng, ký kết. Bên cạnh đó, một bộ phận người sử dụng lao động cố tình lảng tránh hoặc chưa tạo điều kiện để tập thể người lao động thương lượng, ký kết thỏa ước ở tại doanh nghiệp. Ký Thỏa ước lao động tập thể cấp tổng công ty đạt tỷ lệ thấp, cấp ngành chưa thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là do còn thiếu sự hướng dẫn cụ thể của pháp luật về ký Thỏa ước lao động tập thể ở các cấp này.

Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đang từng bước được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Lao động và có sự cải thiện ở một số khu vực. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan tổ chức đã có những giải pháp tích cực để bảo đảm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về thời giờ làm việc, buộc người lao động phải làm từ 10 đến 12 giờ/ngày, thậm chí không trả lương làm thêm giờ, không giải quyết chế độ nghỉ bù. Trong nhiều trường hợp người lao động làm việc quá sức, đã bị ngất tại nơi làm việc hoặc phải đi cấp cứu tại các trung tâm y tế. Tình trạng làm thêm giờ liên tục, số giờ làm thêm quá 200 giờ/năm phổ biến ở các doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ, lao động với hợp đồng ngắn hạn và ở các doanh nghiệp làm hàng gia công dệt may, giày da, chế biến thủy sản. Hiện tình trạng nợ đọng, không đóng, hoặc trốn bảo hiểm xã hội đang diễn ra khá phổ biến. Tính đến tháng 6-2009, số tiền các doanh nghiệp nợ BHXH lên tới 2.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Qua số liệu phân tích từng năm cho thấy, tình hình đình công đã xảy ra trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, số vụ đình công trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết các cuộc đình công đều xảy ra có mục đích kinh tế và thuộc phạm vi quan hệ lao động, không do công đoàn cơ sở lãnh đạo và chưa bảo đảm đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi có đình công xảy ra, tổ chức công đoàn luôn luôn có mặt sớm nhất để tham gia giải quyết. Nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công đều do người sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật lao động và các cam kết, thỏa thuận với người lao động: chậm trả lương, phạt lương, trốn đóng BHXH, không bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh lao động, sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động... Một số cuộc đình công còn có nguyên nhân do người lao động bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do một bộ phận người lao động trình độ chuyên môn tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhận thức pháp luật còn hạn chế, chưa hình thành tác phong công nghiệp trong lao động sản xuất. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật lao động chưa thường xuyên, chế tài và biện pháp xử lý vi phạm pháp luật lao động chưa nghiêm minh. Quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ và chưa đồng bộ. Trong nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại và phát triển, đồng thời với quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, quan hệ lao động đã có những diễn biến mới phức tạp, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 6 của Đảng và thực hiện tốt ba chức năng của tổ chức công đoàn, trong đó chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động có vị trí trung tâm, quan trọng. Để làm tốt chức năng này, trong thời gian tới các cấp công đoàn cần làm tốt các nhiệm vụ sau đây: Đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động: Chủ động tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, lao động. Trước mắt là chính sách về nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và công nhân, viên chức, lao động có thu nhập thấp; chính sách bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động. Nghiên cứu, kiến nghị và tham gia sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội; quy định pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chính sách, pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; chính sách đối với lao động nữ; chính sách đào tạo, đào tạo lại nghề cho công nhân; chính sách khuyến khích công nhân tự học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ; chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với công nhân có sáng kiến, có tay nghề cao. Phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở: Tổ chức Đại hội công nhân, viên chức, Hội nghị cán bộ, công chức, Hội nghị người lao động bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Hướng dẫn, giúp đỡ công nhân, lao động giao kết Hợp đồng lao động. Đại diện tập thể người lao động đối thoại, thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện Thỏa ước lao động tập thể với nội dung quy định có lợi hơn cho người lao động; đẩy mạnh việc ký Thỏa ước lao động tập thể cấp tổng công ty, tiến tới thực hiện ký Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành nghề toàn quốc. Chủ động tham gia sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm việc làm cho người lao động và thực hiện đầy đủ chính sách đối với lao động dôi dư theo quy định của Nhà nước: Hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động xây dựng thang bảng lương, định mức lao động; vận động công nhân mua và giữ cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần hóa... Phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tổ chức thực hiện các biện pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công tự phát tại doanh nghiệp: Hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động thực hiện quyền tổ chức, lãnh đạo đình công theo thủ tục, trình tự pháp luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tham gia tố tụng các vụ án lao động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, lao động. Tích cực tham gia thực hiện Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về bảo hộ lao động: Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hộ lao động của công đoàn các cấp. Đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng của Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động. Tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác bảo hộ lao động ở những ngành nghề, địa phương trọng điểm, doanh nghiệp có đông công nhân, lao động thường xuyên phải làm việc ở nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. NGUYỄN HÒA BÌNH Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=152905&sub=130&top=37