Bảo vệ nước mắm truyền thống, gắn với khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm

Sáng 2-11, tại huyện đảo Phú Quốc, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang, tổ chức Hội nghị bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống, gắn với bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn thông tin nhanh về nghề đánh bắt và chế biến thủy sản của tỉnh Kiên Giang. Tính đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 10.444 tàu cá với tổng công suất 2.235.346 mã lực.

Trong đó, 10.146 tàu khai thác; 280 tàu dịch vụ hậu cần. Các tàu khai thác hoạt động trên 20 loại nghề, thuộc 4 họ chính: Lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và các loại nghề khác. Trong đó, nghề lưới vây cá cơm tập trung chủ yếu ở huyện Phú Quốc và sản phẩm của nghề này chính là thương hiệu nước mắm Phú Quốc nổi tiếng trong và ngoài nước.

Cũng tại hội nghị, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, hiệp hội nước mắm đã thảo luận, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, nhằm bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm; bảo vệ nguồn lợi, sản lượng khai thác cá cơm vùng biển Tây Nam Bộ; thực trạng chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu nước mắm cá cơm ở vùng biển Tây Nam Bộ;

Đề xuất các giải pháp phát triển thương hiệu nước mắm cá cơm bền vững. Đồng thời phân tích chuỗi giá trị cá cơm khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi, hiện trạng khai thác và quản lý nghề khai thác cá cơm ở Kiên Giang.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, khảo sát một số hãng sản xuất nước mắm truyền thống tại huyện đảo Phú Quốc

Đại diện cho trên 80 doanh nghiệp sản xuất nước mắm trên địa bàn Phú Quốc, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp Hội nước mắm Phú Quốc, khẳng định: “Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đạt chỉ dẫn địa lý được Liên minh châu Âu (EU) công nhận từ tháng 12-2012. Là nét văn hóa đặc trưng của đảo ngọc Phú Quốc.

Hàng năm, Phú Quốc cung cấp ra thị trường trên 20 triệu lít nước mắm, mang lại doanh thu hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Không chỉ vậy, nước mắm Phú Quốc trở thành niềm tự hào của người Việt trên toàn thế giới”.

Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc cho biết thêm, nước mắm Phú Quốc được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Sản phẩm được quản lý chặt theo chuỗi, từ khâu đánh bắt cá, muối cá ngay trên tàu và được vận chuyển về nhà thùng để thực hiện ủ chượp. Thời gian ủ chượp từ 12 -15 tháng trong điều kiện lên men tự nhiên, nên quá trình phân giải cá được triệt để hơn, chất lượng, dinh dưỡng được đảm bảo. Từ đó cho ra sản phẩm là nước mắm rất tốt cho sức khỏe.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề và thương hiệu nước mắm, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào. Vì nước mắm làm từ cá biển thiên nhiên, nhưng hiện nay ngư trường đánh bắt cá cạn kiệt, nguồn nguyên liệu giảm dần theo năm tháng do khai thác không được bảo vệ và hành lang pháp lý bảo vệ thương hiệu nước mắm truyền thống nói chung. Từ đó, nhiều thông tin sai lệch về nước mắm truyền thống bị nhiễm asen (trong đó có nước mắm Phú Quốc), gây bức xúc, hoang mang cho người sản xuất nước mắm truyền thống.

Để nước mắm Phú Quốc được phát triển bền vững, đúng nghĩa là sản phẩm du lịch, bà Hồ Kim Liên kiến nghị đến Chính phủ các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có chính sách bảo tồn cá cơm, khoanh vùng đánh bắt cá cơm để nước mắm Phú Quốc phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc phát triển làng nghề truyền thống cần phải được Nhà nước quan tâm trong việc phát triển thương hiệu, có hành lang pháp lý cho doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống và ban hành Quy chuẩn kỹ thật quốc gia (QCVN) riêng cho từng sản phẩm nước mắm và nước chấm.

Đặc biệt, nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN cho nước mắm truyền thống nói chung và nước mắm Phú Quốc nói riêng. Các cấp lãnh đạo cần quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, phát triển thương hiệu, quy hoạch làng nghề nước mắm truyền thống tập trung, trong đó có bảo tàng nước mắm Phú Quốc.

Khách du lịch nếm thử nước mắm trước khi mua tại một hãng nước mắm truyền thống ở Phú Quốc

Theo Thứ trưởngBộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Bộ Y tế đã lấy mẫu nước mắm truyền thống nói riêng, nước mắm nói chung để kiểm tra. Qua kiểm tra các mẫu nước mắm không bị nhiễm asen vô cơ mà chỉ có asen hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Thông qua hội nghị này, Bộ NN&PTNT sẽ thành lập các đoàn công tác gồm các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý các hiệp hội nhằm rà soát lại các quy định quản lý nhà nước về quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn. Làm rõ những khái niệm thế nào là mắm, thế nào là nước chấm.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ thành lập Liên hiệp các Hiệp hội nước mắm truyền thống toàn quốc trên cơ sở tự nguyện và xây dựng những quy định để bảo vệ nước mắm truyền thống. Tạo điều kiện cùng với các địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá nước mắm và xúc tiến thương mại. Riêng với nước mắm truyền thống, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các địa phương có cơ chế, chính sách phù hợp để vừa bảo tồn vừa phát triển trong thời gian tới…

Hoàng Dung

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/bao-ve-nguon-loi-ca-com-phat-trien-thuong-hieu-nuoc-mam-truyen-thong-415214/