Bảo vệ nhà báo: Thiếu một chế tài thật sự nghiêm khắc?

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra vụ việc phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp. Những người làm báo lo lắng những vụ việc này không được xử lý nghiêm dễ tạo tiền lệ xấu, khiến phóng viên vì sự an nguy của bản thân mà mất đi nhiệt huyết với nghề.

Hành hung nhà báo: Tại sao vẫn gia tăng?

Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây có khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, có khoảng 4 vụ hành hung, đe dọa, lăng mạ phóng viên được các cơ quan báo chí đưa tin. Đáng ngại hơn, các vụ cản trở, hành hung vẫn xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp.

Vụ việc mới đây nhất xảy ra ngày 6/11, phóng viên Nguyễn Tùng (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) và đồng nghiệp là Phạm Hiển (phóng viên báo Pháp luật Việt Nam) bị một nhóm đối tượng hành hung khi đang tác nghiệp tại khu giết mổ động vật tập trung ở huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Cũng trong ngày 6/11, tại khu vực giáp ranh giữa xóm 8B thị trấn Quân Chu và xóm Cây Hồng, xã Quân Chu (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), nhà báo Đặng Văn Nghịnh và Nguyễn Anh Tuấn, phòng Thời sự, Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên bị hành hung khi đang thực hiện phóng sự điều tra về tình trạng khai thác cát sỏi trên địa bàn xã Quân Chu.

PV tác nghiệp

Trước vụ việc xảy ra, lãnh đạo Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã có báo cáo cơ quan chủ quản và đang phối hợp với chính quyền địa phương làm rõ sự việc, bảo vệ lợi ích chính đáng của phóng viên. Được sự đồng ý của lãnh đạo Đài TNVN, Liên chi hội Hội Nhà báo Đài TNVN cũng đã có công văn gửi Hội Nhà báo Việt Nam về vụ việc liên quan đến hội viên của Liên chi.

Ngay trong ngày 6/11, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản số 6385/UBND-TKBT giao Giám đốc Công an Hà Nội khẩn trương chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Oai. Ông Bùi Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, theo sự chỉ đạo của Chủ tịch thành phố và Giám đốc Công an thành phố, quan điểm của huyện là sẽ xử lý đối tượng theo đúng quy định của pháp luật. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã phối hợp với công an xã Bích Hòa triệu tập đối tượng để lấy lời khai.

Còn về phía Đài PT-TH Thái Nguyên, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Đài cho biết, lãnh đạo đài đã kiến nghị lên tỉnh để có hình thức xử lý đối tượng và Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu điều tra và xử lý nghiêm đối tượng. Ngày 7/11, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã ra Công văn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm đối tượng hành hung nhà báo, nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên Hội Nhà báo tỉnh. Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan có trách nhiệm tại các địa phương xảy ra vụ việc để xem xét, làm rõ đúng sai.

Nỗ lực bảo vệ nhà báo an toàn tác nghiệp

Để bảo vệ quyền tác nghiệp của các nhà báo, đồng thời cảnh báo, răn đe các đối tượng cản trở hoặc có ý đồ cản trở tác nghiệp báo chí, hệ thống chế tài được Nhà nước xây dựng khá hoàn chỉnh với nhiều biện pháp hình sự, dân sự, hành chính.

Đặc biệt, hệ thống chế tài hành chính chuyên ngành ngày càng hoàn thiện qua các lần xây dựng nghị định, từ Nghị định số 31/2001/NĐ-CP, Nghị định số 56/2016/NĐ-CP, Nghị định số 02/2011/NĐ-CP đến Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

Để hỗ trợ các nhà báo, năm 2016 Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức dự án “Nâng cao năng lực bảo vệ nhà báo và chấm dứt miễn trừ trách nhiệm đối với hành vi cản trở tác nghiệp báo chí”.

Trong tháng 8/2016 sẽ có 2 khóa tập huấn chủ đề “Bảo vệ an toàn nhà báo” diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức cho phóng viên, nhà báo về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ nhà báo; nâng cao năng lực tác nghiệp báo chí an toàn; nâng cao năng lực truyền thông về các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ an toàn cho nhà báo, góp phần cùng các đơn vị chức năng xử lý thích đáng những đối tượng vi phạm pháp luật.

Trước tình trạng đe dọa, tấn công nhà báo có xu hướng gia tăng, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông và phát triển (RED) đã triển khai Chương trình bảo vệ tác nghiệp báo chí giai đoạn 2010-2018.

Đặc biệt, từ chương trình, Mạng lưới Tư vấn và bảo vệ tác nghiệp ra đời năm 2014 với sự hỗ trợ của UNESCO và Cơ quan Phát triển Canada, thực hiện nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ các bên liên quan thực thi các quy định pháp luật hiện hành bảo vệ tác nghiệp báo chí, thúc đẩy thực thi triệt để Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Để bảo vệ nhà báo an toàn khi tác nghiệp cần có một chế tài thật sự nghiêm khắc.

Vẫn còn những hạn chế

Các vụ việc trên cho thấy, tình trạng cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên tác nghiệp hiện nay diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt tình trạng này thường xuất hiện khi nhà báo tác nghiệp chống tiêu cực. Những kẻ liên quan sẵn sàng bất chấp kể cả tính mạng của nhà báo cho tới pháp luật để thực hiện bằng được hành vi che đậy, bưng bít các hoạt động tiêu cực của mình. Điều đáng nói, các vụ tấn công vẫn không ngừng gia tăng ngay cả khi Luật Báo chí 2016 và Luật Tiếp cận thông tin (2016) đã được Quốc hội thông qua.

Hơn nữa, dù có nhiều cơ chế xử lý hành vi cản trở tác nghiệp báo chí song hiệu quả xử lý thấp. Cơ chế xử lý hành chính ít được sử dụng, trong nhiều năm lực lượng thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông chỉ xử lý một vài vụ việc liên quan, trong khi các vụ vi phạm không phải là ít, vẫn còn nhiều vụ việc không được phát hiện, xử lý. Điều đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước với hoạt động báo chí, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, nhiệt huyết của phóng viên, nhà báo khi tham gia hoạt động báo chí.

Nhiều nhà báo, nhà quản lý lĩnh vực báo chí cho rằng để việc tác nghiệp được an toàn, hiệu quả, trước hết các nhà báo phải biết tự bảo vệ mình. Các nhà báo nên ghi âm, chụp ảnh, quay phim các hành vi vi phạm làm bằng chứng gửi đến các cơ quan chức năng như thanh tra thông tin và truyền thông các cấp, Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Công an, Ủy ban Nhân dân các cấp và đề nghị xử lý theo Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

Với những vụ việc có tính chất nguy hiểm, khi tác nghiệp nên đi từ 2 người trở lên, trước đó cần có kế hoạch, phương án tác nghiệp cụ thể; dự báo các tình huống có thể xảy ra; nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía. Bên cạnh việc nâng cao hiểu biết pháp luật, trau dồi kinh nghiệm khi tác nghiệp, phóng viên, nhà báo cần khách quan, thận trọng, giữ vững đạo đức người làm báo…

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về vấn đề nóng thời gian gần đây là hàng loạt vụ cán bộ, công chức, viên chức đánh người, hành hung nhà báo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định: Những trường hợp ĐB Cương nêu, nếu xét thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ công chức thì nên loại ra khỏi công chức. Họ không xứng đáng là “công bộc” của công dân nếu vi phạm pháp luật…Tôi nghĩ chúng ta cần có thái độ dứt khoát. Đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm do năng lực kém mà chúng ta còn đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước, còn công chức mà vi phạm pháp luật, có những hành động như vậy thì cần xem xét và xử lý nghiêm túc, không để tình trạng này xảy ra để ảnh hưởng chung tới lực lượng công chức của chúng ta”.

Khánh An

Diễn đàn

Đừng để trong tay nhà báo chỉ có cây bút, cuốn sổ!

Trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ việc hành hung, đe dọa, cản trở nhà báo trong quá trình tác nghiệp, dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận. Đáng nói, số vụ việc các nhà báo bị hành hung ngày càng gia tăng, trong khi tỷ lệ vụ việc được xử lý đến nơi đến chốn lại rất khiêm tốn. Phải chăng chưa đủ chế tài, hay cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm?

Thế giới xếp nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Ở nước ta, Luật Báo chí quy định “không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Luật là vậy nhưng sao các nhà báo vẫn bị hành hung, thậm chí không ít người trong số họ còn gặp nạn ngay trước mặt lực lượng chức năng nhưng không được bảo vệ kịp thời? Câu trả lời là phải chăng kỷ cương phép nước bị buông lỏng hay các cơ quan hữu trách chưa làm hết trách nhiệm đối với những vụ việc nhà báo bị hành hung, bị ngăn cản tác nghiệp?

Các nhà báo từng gặp nạn nói rằng khi bị hành hung thì đau đớn về thể xác đối với họ chỉ một phần, nỗi đau lớn hơn là không được bảo vệ theo đúng nghĩa “thượng tôn pháp luật”.

Luật Báo chí của Việt Nam khẳng định quyền của nhà báo là được thông tin trung thực về tình hình đất nước, thế giới phù hợp với lợi ích đất nước, nhân dân. Nhà báo cũng như mọi công dân có quyền đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Như vậy, nhìn từ góc độ pháp lý, các quy định về bảo vệ nhà báo hành nghề hợp pháp được ban hành khá đầy đủ. Điều quan trọng là những quy định này được thực thi thế nào, nghiêm minh ra sao? Nói thì dễ nhưng làm chưa chắc dễ!

Việc các nhà báo, phóng viên liên tiếp bị hành hung dường như đang ngày càng trở thành một vấn nạn của xã hội. Không chỉ riêng những nhà báo nổi tiếng, mà hàng vạn nhà báo, phóng viên khác ở Việt Nam vẫn đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt trước nguy hiểm. Thế nhưng, họ cũng chỉ là những người bình thường, chỉ có cây bút mà không hề được trang bị bất cứ một quyền lực nào có thể tự bảo vệ mình trước cái xấu. Thậm chí, họ cũng đang ngày đêm chiến đấu trên những mặt trận chống tội phạm, nhưng họ chưa được coi là những người đang thi hành công vụ.

Sau sự việc bị hành hung, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi cần được bảo vệ với tư cách là những người lương thiện”.

Việc các nhà báo, phóng viên liên tiếp bị hành hung dường như đang ngày càng trở thành một vấn nạn của xã hội. Không chỉ riêng những nhà báo nổi tiếng, mà hàng vạn nhà báo, phóng viên khác ở Việt Nam vẫn đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt trước nguy hiểm. Thế nhưng, họ cũng chỉ là những người bình thường, chỉ có cây bút mà không hề được trang bị bất cứ một quyền lực nào có thể tự bảo vệ mình trước cái xấu. Thậm chí, họ cũng đang ngày đêm chiến đấu trên những mặt trận chống tội phạm, nhưng họ chưa được coi là những người đang thi hành công vụ. Hơn khi nào hết, những phóng viên, nhà báo lúc này đang cần có một hậu phương thật vững chắc, một niềm tin để những người cầm bút yên tâm và tiếp tục cống hiến.

Còn nhớ, khi xảy ra vụ việc nhà báo Nguyễn Ngọc Quang, Đài PT-TH Thái Nguyên bị hành hung, với sự vào cuộc quyết liệt từ phía Hội Nhà báo, quyết tâm của Công an tỉnh Thái Nguyên, ngày 30/6/2016, TAND TP. Thái Nguyên tuyên phạt ba bị cáo tổng cộng 30 tháng tù giam. Đây được xem là động thái tích cực để bảo vệ nhà báo của các ngành chức năng, được dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, một điều quan trọng đối với những người làm báo để có thể tự bảo vệ mình, đó là bản thân các nhà báo phải có đạo đức nghề nghiệp, cái tâm trong sáng, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp giỏi, am hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật, hành nghề đúng luật; có kiến thức văn hóa và lối ứng xử văn hóa.

Hơn khi nào hết, mỗi phóng viên, nhà báo luôn cần một điểm tựa niềm tin để yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến. Đừng để trong tay nhà báo chỉ có cây bút, cuốn sổ, máy ảnh và bầu nhiệt huyết!

Bình luận

Cản trở tác nghiệp báo chí – Cần xử lý nghiêm khắc

Đối với những trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, các cơ quan quản lý cần có tiếng nói để yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc sớm nhất, tìm nguyên nhân, bảo vệ hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) trả lời báo chí bên hành lang Hội nghị phổ biến triển khai Luật Báo chí 2016 vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tôi thấy sự tham gia đông đảo của các cơ quan báo chí khi nghe phổ biến triển khai Luật lần này, cho thấy các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên rất quan tâm đến hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí. Thời gian tới, khi Luật chính thức đi vào cuộc sống, với những quy định cụ thể, tôi tin rằng hoạt động tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên sẽ khởi sắc hơn, cơ quan báo chí sẽ phát triển hơn, đồng thời bảo đảm hành lang pháp lý hoàn chỉnh, hạn chế thông tin không khách quan, sai sự thật, ảnh hưởng tới tổ chức, cá nhân cũng như xã hội.

Những việc làm cản trở nhà báo trong quá trình tác nghiệp không phải bây giờ mới diễn ra mà đã xảy ra nhiều vụ việc trước đó, thậm chí có vụ việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kỷ cương của pháp luật nói chung, cũng như hạn chế quyền tác nghiệp của phóng viên. Theo tôi, trong những trường hợp như thế này, các cơ quan quản lý cần có tiếng nói để yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc sớm nhất, tìm rõ nguyên nhân, nhằm bảo vệ hoạt động tác nghiệp của phóng viên, không để xảy ra tình trạng tương tự, đồng thời cần có những xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật, nhằm mang tính răn đe, tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Đối với bản thân các phóng viên, nhà báo cần phải tự trang bị kiến thức về Luật Báo chí (Điều 25 trong Luật Báo chí 2016) và có những hành xử để tránh những rủi ro trong quá trình tác nghiệp mà lại hoàn thành được nhiệm vụ tòa soạn giao.

Nhà báo Thanh Hằng, Báo Công an nhân dân:

Để hạn chế đến mức thấp nhất việc bị hành hung khi tác nghiệp, phóng viên cần có cách làm việc chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn cho bản thân. Còn với những vụ việc đã xảy ra, để bảo vệ quyền lợi cho phóng viên, Hội Nhà báo Việt Nam cần đề nghị và đồng hành cùng cơ quan chức năng để tìm hiểu, làm rõ vụ việc. Hơn nữa, chế tài xử lý kẻ hành hung nhà báo đã có nhưng việc thực thi chưa nghiêm.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đóc kênh VOV Giao thông, Đài TNVN:

Cần làm rõ tác nghiệp của nhà báo được bảo vệ ở mức độ như thế nào, khi đã rõ sẽ có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm đối tượng hành hung nhà báo. Bên cạnh đó cũng cần truyền thông về chế tài xử lý những kẻ hành hung nhà báo để mọi người biết nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào. Nhà báo khi tham gia tác nghiệp cần trước tiên đảm bảo an toàn cho bản thân. Điều khiến chúng ta tự tin và có thể “cứng rắn” ở hiện trường là chúng ta tuân thủ pháp luật, khi đó khả năng bị xâm phạm sẽ giảm đi nhiều. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cần chú trọng hơn trong việc đào tạo kỹ năng tác nghiệp an toàn cho nhà báo.

Luật sư Trương Anh Tú:

Các cơ chế thực thi cũng như các quy định cụ thể để trực tiếp bảo vệ sức khỏe tính mạng, tài sản và hoạt động của các nhà báo còn hạn chế, dẫn đến việc nhà báo không được bảo vệ đầy đủ theo tinh thần của Luật Báo chí: “Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.” (điểm đ khoản 1 Điều 15 Luật Báo chí sửa đổi năm 1999). Việc bảo hộ hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo nhìn chung mới ở mức hình thức mà chưa có những cơ chế hữu hiệu để bảo vệ tác nghiệp của nhà báo. Luật Báo chí quy định quyền của các nhà báo được cung cấp thông tin, nhưng thực tế trong hoạt động báo chí “quyền này” không phải bao giờ cũng đi liền với nghĩa vụ của những đối tượng khác – các hành vi cản trở tác nghiệp diễn ra rất phổ biến, mà chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng Thư ký Tòa soạn báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh:

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tác nghiệp, các nhà báo nên chú ý không tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất, không thúc đẩy sự việc diễn ra hay khiến sự việc diễn ra không bình thường; không thực hiện hành vi có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự và tình trạng pháp lý của bản thân hay tờ báo… Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp tốt giữa tòa soạn nơi nhà báo công tác với cơ quan chức năng để có phương án can thiệp kịp thời, hiệu quả khi nhà báo gặp nguy hiểm./.

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thieu-mot-che-tai-that-su-nghiem-khac/