Bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

Quy định rõ hơn việc bảo vệ người tố cáo, để khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp thứ ba, khóa XIV.

Cụ thể hóa các biện pháp bảo vệ

Những năm qua, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo (NTC). Tuy nhiên, các quy định này khó thực hiện, chưa tạo nên cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ NTC một cách hiệu quả và thực chất.

Dự thảo bổ sung, sửa đổi các quy định chung về bảo vệ NTC theo hướng, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và việc áp dụng các biện pháp bảo vệ. Đồng thời, quy định cụ thể như sau: Bảo vệ bí mật thông tin NTC trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo; trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin về NTC của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 44). Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của NTC và người thân thích của NTC (từ Điều 45 đến Điều 47). Bảo vệ vị trí công tác, việc làm của NTC, người thân thích của NTC trong trường hợp họ là cán bộ, công chức, viên chức và trong trường hợp họ là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức (Điều 48, Điều 49).

Như vậy, trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định về bảo vệ tố cáo của Nghị định số 76/2012/NĐ-CP, dự thảo luật dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ NTC. Trao đổi với các phóng viên bên lề kỳ họp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phân tích, đến nay pháp luật về tố cáo đã đề cập vấn đề bảo vệ NTC tương đối cởi mở. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta chưa làm được như quy định của luật. Luật cũng cần cân đối, quan tâm đến người bị tố cáo. Có thể xảy ra chuyện rất nhiều công nhân, người lao động, nhiều doanh nghiệp đang sinh sống, làm ăn một cách bình thường, nhưng do có sự cạnh tranh không lành mạnh, hoặc do phát sinh bất hòa mâu thuẫn, xung đột cá nhân, xảy ra đơn từ tố cáo sai, vu khống... “Họ sử dụng đơn từ tố cáo như một công cụ để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột, như thế là sai trái” - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cho rằng, với những vụ việc khi NTC bị phản ứng bằng những hành vi trái pháp luật, lúc đó cơ quan chính quyền phải làm gì để bảo vệ họ? Đây là điều cực kỳ quan trọng. Bên cạnh vấn đề cụ thể hóa hơn trách nhiệm của NTC, thì vấn đề trách nhiệm cơ quan, cá nhân có trách nhiệm xử lý thông tin, tài liệu tố cáo cũng được làm rõ. Đôi khi đơn tố cáo có nhiều yếu tố đáng phải được tiếp tục xem xét xử lý, nhưng lại bị lờ đi. Có những thông tin tố cáo quan trọng có thể chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự, thì chỉ được xử lý hành chính. Luật sửa đổi lần này phải quy định khi nhận được thông báo của NTC bị trù dập, đe dọa, hành hung, thì cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý, ngăn chặn. “Nếu cơ quan, cá nhân nào vô trách nhiệm, thậm chí thành kiến với những NTC làm cho họ bị thiệt hại, thì phải chịu trách nhiệm” - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.

Được tố cáo bằng fax, email?

Chung quanh nội dung hình thức tố cáo được nêu trong dự thảo luật, trong Tờ trình của Chính phủ đề cập hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của NTC, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.

Đối với tố cáo hành chính, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị tố cáo, nên dự thảo luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật Tố cáo năm 2011): tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Đối với tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo trong hoạt động tố tụng thì đã có quy định về các hình thức tố cáo khác được điều chỉnh ở các luật tố tụng.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, ngoài hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, dự thảo luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại… để tạo điều kiện cho NTC thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Các đại biểu: Phan Đình Trạc, Trần Văn Mão (Nghệ An) bày tỏ lo lắng, khi các quy định pháp lý cũng như thực tiễn giải quyết vấn đề tố cáo, nhiều nơi NTC lợi dụng hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, và cố ý tố cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín người bị tố cáo. Nếu chấp nhận hình thức fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử, thì việc tiếp nhận đơn tố cáo không thôi đã vô cùng phức tạp. Khả năng thực tiễn để thực hiện theo phương án này là không khả thi, với cơ quan tiếp nhận, thụ lý sẽ rất tốn kém công sức, thời gian, kinh phí, nhân lực...

Qua thảo luận tổ, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) và một số đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên phân biệt giữa tố cáo bằng văn bản, tố cáo trực tiếp với tố cáo bằng fax, qua email, điện thoại. Ban soạn thảo cần tiếp tục phân tích sâu và phân biệt rõ điều này. Bởi vì, xét về bản chất, thông tin tố cáo mới là quan trọng nhất. Văn bản ở đây không nên hiểu chỉ là văn bản gốc, mà cần phải thừa nhận cả những văn bản được truyền qua fax, email và điện thoại. Trong thời đại công nghệ số, thì không thể không thừa nhận các hình thức giao dịch điện tử. Vấn đề là, trách nhiệm, năng lực của cơ quan hữu quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, thụ lý và xử lý thông tin tố cáo như thế nào để đạt kết quả cao nhất. Từ đó có những biện pháp xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/33244502-bao-ve-nguoi-dau-tranh-chong-tham-nhung-tieu-cuc.html