Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cộng đồng

Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nôitrong tình hình mới - Tầm nhìn 2025” do CATP Hà Nội nêu sáng kiến và phối hợp cùng với các ban ngành, tổ chức tôn giáo đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp mang tính đột phá.

Nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã được cụ thể hóa bằng hành động tới mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô như thấy rõ trách nhiệm của chính mình trong việc gìn giữ môi trường sống. Ngành Văn hóa - Du lịch cũng tham gia đóng góp Hội thảo bằng những báo cáo, tham luận thiết thực để cùng với cộng đồng chung tay giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tạo nên diện mạo đẹp cho Thủ đô Hà Nội.

Phong trào Tổng vệ sinh vào mỗi buổi cuối tuần được duy trì nhiều năm nay

Phong trào phổ biến trong cộng đồng

Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, nhằm xây dựng không gian môi trường văn hóa, văn minh lành mạnh trên địa bàn thành phố, một trong những hoạt động đã được duy trì ổn định từ nhiều năm nay, đó là phát động phong trào tổng vệ sinh vào chiều thứ sáu trong các cơ quan, đơn vị và sáng thứ bảy hàng tuần trên địa bàn các khu dân cư. Phong trào này được khởi xướng theo Chỉ thị số 04 của UBND TP Hà Nội nhằm phục vụ công tác tổ chức Sea Games 22 (năm 2003), tuy nhiên, đến nay phong trào đã thu hút khá đông đảo cán bộ, nhân dân Thủ đô tự giác tham gia tổng vệ sinh, làm sạch, đẹp khuôn viên công sở, đơn vị và khu vực công cộng của các khu dân cư.

Cùng với phong trào này, cũng từ năm 2003, Sở Văn hóa - Thông tin (trước đây) cũng tham mưu cho UBND TP ban hành các quy định xử lý các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị tại các quận, huyện, cùng với 4 tổ kiểm tra liên ngành của thành phố do ngành văn hóa, thông tin chủ trì đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tạo sự chuyển biến tích cực.

Xác định việc cải thiện, nâng cao ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường không thể chỉ tuyên truyền theo lối mòn, Sở Văn hóa - Thể thao cũng nhanh chóng đưa ra những giải pháp mang tính linh hoạt, chẳng hạn như tuyên truyền bằng màn hình LED, băng rôn, kết hợp với phát động các phong trào thi đua, hội thi “Gia đình văn minh hạnh phúc” hay “Trưởng thôn thân thiện”…, đồng thời phối hợp với nhiều đơn vị tuyên truyền trên các hệ thống thông tin đại chúng bằng các chuyên mục, phóng sự truyền hình, video với hình ảnh sống động, chất lượng cao.

Trao nhãn “Bông sen xanh”

Ngành Du lịch Hà Nội cũng là một trong những ngành tác động và chịu ảnh hưởng trực tiếp khi môi trường biến đổi. Cơ sở vật chất, môi trường sạch đẹp, trong lành là chìa khóa thu hút khách du lịch đến với thành phố và ngược lại, cách ứng xử của du khách cũng tác động đến hệ thống cảnh quan, môi trường của Thủ đô. Xác định được điều này, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đã phối hợp với CATP Hà Nội và các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên xây dựng hoặc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường du lịch trong quá trình tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng như lồng ghép trong các hoạt động của ngành.

Cụ thể, nhiều khách sạn 3 sao trở lên đã thông báo với khách lưu trú chú ý sử dụng tiết kiệm điện, nước, có ý thức hạn chế việc thay mới các đồ khăn, chăn, ga gối để tránh giặt và sử dụng chất tẩy rửa quá nhiều không thật cần thiết, hoặc quan tâm lắp đặt và sử dụng các thiết bị và dụng cụ tiết kiệm điện năng, sử dụng nguồn năng lượng sạch. Một điểm đáng chú ý là cùng với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch cũng tiến hành tuyên truyền và thẩm định cấp giấy chứng nhận du lịch bền vững “Bông sen xanh” cho các cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây sẽ là một chứng chỉ nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc phát triển du lịch bền vững, giúp cho du khách có thêm những lựa chọn “xanh” khi nghỉ chân tại Thủ đô Hà Nội.

Ngoài nỗ lực của ngành Văn hóa - Du lịch, ông Nguyễn Khắc Lợi khẳng định, mỗi người dân càng ngày càng phải có nhận thức đúng đắn, nâng cao ý thức, trách nhiệm và xác định đúng vai trò của mình trong cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ cảnh quan, môi trường sống. Đồng thời, cùng với các chính sách được ban hành, công tác thanh tra, kiểm tra được thực thi, các hình thức tuyên truyền được phổ biến thì những khiếm khuyết trong quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng thành phố, những di hại về môi trường trong các làng nghề truyền thống cần phải được khắc phục triệt để. Có như vậy mới đảm bảo cho việc thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường đạt hiệu quả tối ưu.

Nhà nhiếp ảnh Lê Bích: Mong các giải pháp sớm đưa vào hiện thực

Là nhà nhiếp ảnh theo đuổi đề tài làng nghề của Hà Nội trong nhiều năm, tôi thấy buồn trước nạn ô nhiễm môi trường hiện nay. Các dòng sông quê đang bị bức tử bởi chất thải công nghiệp, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sinh thái tự nhiên ở các làng quê đang bị phá hủy. Do vậy, tôi rất quan tâm tới hội thảo “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới - Tầm nhìn 2025” vừa được tổ chức. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, cùng nhiều giải pháp hữu hiệu sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Điều đó làm tôi an tâm, bởi vấn đề bảo vệ môi trường cho Hà Nội đã nhận được nhiều đồng thuận và chung sức của nhiều đơn vị, cơ quan cùng tham gia. Tôi mong, các giải pháp sẽ sớm được đưa vào thực tế, góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường trong sạch của Thủ đô.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Ý định ra đời tác phẩm xẩm về môi trường

Rõ ràng cùng với sự đi lên của kinh tế và đời sống vật chất, chúng ta lại càng phải đối diện với nguy cơ cấp thiết về sự đi xuống của môi trường. Đây là vấn đề chung của toàn nhân loại và ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi chúng ta. Cá nhân tôi và cả nhóm Xẩm Hà Thành luôn đau đáu suy nghĩ làm thế nào để có thể góp tiếng nói bảo vệ môi trường sống thông qua lăng kính nghệ thuật để kêu gọi mọi người nâng cao ý thức về vấn đề này. Đó là lý do mà nhóm đang nung nấu cho ra đời một tác phẩm xẩm nói về vấn đề môi trường. Tôi hy vọng trong thời gian tới, mỗi cá nhân sẽ ý thức được sự nguy hại của ô nhiễm môi trường đến sự sống còn của chúng ta và có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ môi trường.

Họa sỹ Lưu Tuyền: Cần nhân rộng những phong trào thiết thực

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Hà Nội vào thời điểm này, tôi nghĩ chúng ta cần tháo gỡ các nút thắt từ giao thông và xây dựng. Đây là nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Cùng với đó, Hà Nội cần có một hệ thống cấp thoát và xử lý nước đạt chuẩn. Xử phạt nghiêm minh đối với các đối tượng có các hành vi xâm hại tới môi trường, giữ gìn cây xanh, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, phân loại rác thải. Trong những năm qua, thành phố cũng phát động nhiều phong trào bảo vệ môi trường, chẳng hạn như tổng vệ sinh vào sáng thứ bảy hàng tuần. Những phong trào như vậy theo tôi cần được nhân rộng. Tuy nhiên, chúng ta cần giải quyết các vấn đề thuộc “phần ngọn”. Nếu chúng ta chăm chỉ dọn dẹp trong khi đại đa số người dân vẫn xả rác bừa bãi, cây xanh vẫn bị chặt trộm, các công trình giao thông chậm tiến độ, xây dựng không che chắn kỹ lưỡng, khí thải xả ra từ các phương tiện giao thông, từ các khu công nghiệp, hệ thống cấp thoát nước vẫn hoạt động kém… thì những việc làm của chúng ta sẽ “như muối bỏ bể”.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/bao-ve-moi-truong-la-trach-nhiem-cua-cong-dong/710123.antd