Bảo vệ môi trường hồ ở Hà Nội: Nhận thức và hành động chưa song hành

Hà Nội đã và đang thực hiện khá hiệu quả xử lý ô nhiễm nước hồ cải thiện khí hậu và cân bằng thiên nhiên. Song, do ý thức bảo vệ, giữ gìn của một bộ phận người dân sống xung quanh hồ chưa cao, nên vẫn xảy ra hiện tượng xả rác thải gây tái ô nhiễm. Để bảo vệ “lá phổi xanh” của thành phố, cần sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng.

Nỗ lực của cơ quan chức năng

Đầu năm 2010, thành phố đã phát động cuộc vận động xã hội hóa việc bảo vệ, kè và cải tạo hồ trong nội thành và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Thực hiện chủ trương, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP đã phối hợp Tổ công tác liên ngành và các nhà khoa học lựa chọn các công nghệ phù hợp thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước tại một số hồ có mức độ ô nhiễm cao. Trong hai năm (2009-2010) đã triển khai xử lý tại bảy hồ (Hồ Quỳnh, Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Ngọc Hà, Kim Liên và hồ Dài) bằng công nghệ vi sinh kết hợp với trồng cây thủy sinh tạo cảnh quan trên mặt hồ. Quá trình làm sạch các hồ đã có kết quả khả quan, chất lượng nước hồ sau xử lý trong hơn và giảm mùi hôi rõ rệt, thủy sinh vật phát triển tốt, cảnh quan đẹp hơn so với trước khi xử lý và được cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh các hồ đồng tình ủng hộ.

Tiếp nối thành công, được phép của thành phố, 5 hồ (Thanh Nhàn, Thanh Nhàn 2B, Văn Quán, hồ Võ và Đền Lừ) được triển khai xử lý. Đến năm 2015, có 12 hồ được làm sạch và bàn giao cho các đơn vị tiếp nhận quản lý, duy trì chất lượng nước. Năm 2016, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã triển khai thực hiện dự án “Thử nghiệm xử lý nước một số hồ trên địa bàn thành phố bằng chế phẩm Redoxy-3C” có nguồn gốc từ Công ty Watch Water của Đức tại 3 hồ (Hố Mẻ, Giáp Bát và Ba Mẫu). Từ đó, làm cơ sở ứng dụng chế phẩm này vào công tác xử lý và duy trì chất lượng nước hồ sau xử lý trên địa bàn thành phố.

Cùng với xử lý ô nhiễm nước hồ, công tác kè hồ và nạo vét, cải tạo cảnh quan xung quanh hồ được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện. Thông qua kêu gọi doanh nghiệp tài trợ kinh phí tham gia công tác cải tạo các hồ trên địa bàn thành phố theo đề án “Cải tạo môi trường các hồ nội thành Hà Nội”. Việc cải tạo hồ đem lại cảnh quan đẹp, cải thiện vệ sinh môi trường, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Dân vẫn coi hồ là nơi vứt rác

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay chính là nhận thức và hành động ứng xử với hồ chưa song hành. Tại một số hồ sau xử lý vẫn xảy ra hiện tượng người dân thiếu ý thức xả rác thải, nước thải xuống hồ gây tái ô nhiễm. Vấn đề đặt ra, ngoài các biện pháp cải tạo hồ, xử lý các cơ sở vi phạm, xả nước thải, rác thải xuống hồ gây ô nhiễm, cần sự chung tay của cộng đồng bảo vệ môi trường hồ. Muốn vậy, các địa phương có hồ phải tăng cường tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức, đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc giám sát bảo vệ môi trường. Công việc này phải được thực hiện thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, bên cạnh đó có cơ chế rõ ràng trong bảo vệ môi trường hồ.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường hồ vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, còn là quyền lợi của người dân. Nếu được phép tham gia nhiệm vụ này, nên để Hội Cựu chiến binh các địa phương làm nòng cốt trong giám sát. Thực tiễn cho thấy, sự tham gia của cộng đồng khá hiệu quả và thiết thực, phát huy được tính chủ động của mỗi thành viên và tạo nên sự thay đổi lớn trong ứng xử với môi trường. Nhận thức sâu sắc về vai trò của các đoàn thể, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp tích cực giới thiệu chương trình xử lý hồ nhằm thành lập đội ngũ tuyên truyền viên tại địa phương để giám sát, góp phần bảo vệ môi trường hồ Hà Nội.

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác bảo vệ môi trường hồ của Hà Nội, ông Kai Hideo, Giám đốc bộ phận chính sách môi trường Sở Môi trường Fukuoka (Nhật Bản) chia sẻ kinh nghiệm, là thành phố công nghiệp, chính quyền thành phố Fukuoka đã đề nghị người dân tham gia và chủ động giải quyết các vấn đề bắt đầu với những điều cơ bản như cam kết không xử nước thải, chất thải chưa qua xử lý xuống ao, hồ. Việc kiểm soát chất thải của các nhà máy, xí nghiệp cũng được giám sát chặt chẽ. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền và có các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm, Sở Môi trường Fukuoka thường xuyên tổ chức hoạt động tập thể dục ngoài trời kết hợp với xử lý nước hồ thông qua hình thức đạp xe dưới nước tập thể. Khi đạp xe, nước dưới hồ được bơm lên vào thẳng bể lọc, nước sạch sẽ quay trở lại hồ, chất thải được phân loại đem đi xử lý. Hoặc mô hình “Thế giới cà phê” xử lý môi trường cũng khá hiệu quả. Thông các cuộc đàm đạo bàn tròn vừa thưởng thức cà phê, ăn bánh, kẹo, mọi người sẽ chia sẻ ý tưởng và thảo luận các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ môi trường... Đây là mô hình hay, qua tập huấn, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội đánh giá cao và tiến tới triển khai trong các hội viên.

Trường Lưu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/bao-ve-moi-truong-ho-o-ha-noi-nhan-thuc-va-hanh-dong-chua-song-hanh-316564.html