Bảo vệ môi trường gắn với sản xuất điện

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) nằm trong Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là dự án cấp bách cấp điện cho miền Nam từ năm 2015 trở đi. Nhà máy đi vào vận hành đã góp phần quan trọng đảm bảo cấp điện cho miền Nam trong mùa khô năm 2015-2016, với sản lượng tính đến 7-10-2016 là 11,564 tỷ kWh.

Hình ảnh và các thông số quan trắc từ khu vực bãi thải được truyền về trung tâm điều khiển nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Đặc biệt, trong đợt ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn đã cung sản xuất trên 27,4 triệu kWh, góp phần đảm bảo cung ứng đủ điện cho hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, đã tạo nên một vùng kinh tế hết sức năng động cho huyện Tuy Phong.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sử dụng lò hơi công nghệ đốt than phun (PC) là công nghệ hiện đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, nhiên liệu chính sử dụng là than cám 6a.1 (Hòn Gai-Cẩm Phả) theo tiêu chuẩn TCVN 8910:2015 và dùng dầu HFO làm nhiên liệu dùng để khởi động và đốt bổ sung khi tổ máy vận hành ở tải thấp. Với trang bị các hệ thống thiết bị xử lý môi trường công nghệ tiên tiến trên thế giới như hệ thống khử NOx (SCR), hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống khử SOx (FGD) và hệ thống sử lý nước thải sẽ đảm bảo khí thải và nước thải của Nhà máy sau khi được xử lý sẽ đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

Lắp đặt hệ thống phun nước chống bụi tại khu vực chứa xỉ thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Các hệ thống thiết bị xử lý môi trường đã được đơn vị tư vấn chuyên ngành thẩm tra, phê duyệt nghiệm thu trước khi lắp đặt; đồng thời, được nghiệm thu đáp ứng yêu cầu trước khi bàn giao cho Chủ đầu tư để đưa vào vận hành. Trong giai đoạn vận hành, định kỳ hàng tháng, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thuê đơn vị chuyên ngành độc lập và có tư cách pháp nhân tổ chức thực hiện quan trắc chất lượng khí thải, nước thải và kết quả phân tích các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định của Nhà nước trước khi thải ra môi trường.

Theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 22-7-2009 và theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 22:2009/BTNMT), Nhà máy đã được lắp đặt hệ thống xử lý bụi, SOx, NOx và nồng độ các thông số phát thải về khí thải được xác định qua hệ thống xử lý trên đều đạt so với QCVN. Thiết bị quan trắc tự động liên tục đo các thông số khí thải trước khi ra khỏi ống khói đều đạt yêu cầu của ĐTM, các thống số về nồng độ bụi, NOx, SOx, CO, CO2, O2, lưu lượng, nhiệt độ…được truyền về phòng kiểm soát trung tâm và giảm sát trực tiếp. Các thiết bị này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các hệ thống bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân thuê đơn vị chuyên ngành tiến hành quan trắc khí thải nhà máy định kỳ 3 tháng/lần, quan trắc không khí xung quanh nhà máy định kỳ 6 tháng/lần và báo cáo đến cơ quan chức năng theo quy định. Kết quả quan trắc cho thấy nồng độ các thông số phát thải đều nằm trong giới hạn cho phép.

Lắp đặt hệ thống phun nước chống bụi tại khu vực chứa xỉ thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Ngay sau khi nhận bàn giao nhà máy, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đã tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm thành công và đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) vào vận hành sớm ở mức tải 50% công suất của tổ máy. Để khắc phục triệt để phát thải khói đen trong quá trình khởi động tổ máy, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đã ký hợp đồng với nhà thầu để cải tiến đưa hệ thống ESP vào vận hành ngay từ khi bắt đầu khởi động lò hơi. Việc lắp đặt sẽ được thực hiện trong tháng 11 và 12 tới, kết hợp dừng trung tu tổ máy S1 và S2.

Nước của các nguồn thải nhiễm than, nhiễm dầu và nước thải sinh hoạt được đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung, với lưu lượng nước thải sinh hoạt trung bình 127m3/ngày và nước thải sản xuất khoảng 1.413m3/ngày. Nước sau xử lý đạt yêu cầu đã được tái sử dụng tối đa để phục vụ cho nhu cầu dập bụi tại kho than, vệ sinh băng tải than và tưới giữ ẩm bãi xỉ.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sử dụng nước biển để làm mát bình ngưng và để sản xuất nước ngọt với tổng lưu lượng vào khoảng 207.800m3/giờ. Nước biển sau khi làm mát bình ngưng được thải ra biển với nhiệt độ tại đầu ra bình ngưng dao động từ 32 độ C-35 độ C. Nước được chuyển đến hệ thống kênh hở bằng đường ống ngầm với chiều dài 1.300m và xả ra kênh thải hở dài 800m. Tại kênh thải hở nước sẽ được trao đổi nhiệt tự nhiên để giảm nhiệt độ ngang bằng với nhiệt độ nước biển (khoảng 28 độ C – 30 độ C), đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trước khi chảy ra biển. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã trang bị hệ thống giám sát nhiệt độ đầu vào và đầu ra bình ngưng của nước biển.

Với hệ thống quan trắc tự động, các thông số nước thải làm mát trước khi xả ra biển được đo liên tục và các thông số này được truyền về phòng kiểm soát trung tâm, giám sát trực tiếp. Ngoài ra, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân thực hiện quan trắc nước làm mát, nước thải từ hệ thống lọc nước biển, nước thải từ hệ thống khử lưu huỳnh định kỳ 1 tháng/lần; quan trắc nước thải xả đáy lò hơi định kỳ 2 tháng/lần; quan trắc nước thải công nghiệp và nước thải làm mát định kỳ 3 tháng/lần; quan trắc nước biển định kỳ 6 tháng/lần. Kết quả cho thấy, nồng độ phát thải đều nằm trong giới hạn cho phép. Tất cả các kết quả về quan trắc đều được báo cáo đến cơ quan trắc năng theo đúng quy định.

Tro xỉ thải ra trong qua trình vận hành nhà máy nhiệt điện đốt than là chất thải thông thường không thuộc danh mục chất thải nguy hại. Theo báo cáo ĐTM của Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thì Nhà máy áp dụng công nghệ thải xỉ khô và tro xỉ thải ra được chôn lấp tại bãi xỉ Hố Dừa có diện tích khoảng 38,37ha, khối lượng chứa khoảng 9,3 triệu m3, đảm bảo không thấm nước bên trong bãi xỉ ra bên ngoài do nền bãi xỉ được thiết kế gồm 3 lớp: lớp đất bảo vệ, màng chống thấm và lới đất đệm. Xung quanh bãi xỉ lắp đặt hệ thống phun nước mạch vòng để kiểm soát bụi trong điều kiện thời tiết bất lợi. Bãi xỉ chứa được trong 7,2 năm với lượng tro xỉ thải ra khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Theo kết quả phân tích ngày 7-6-2016 của Trung tâm Công nghệ Môi trường tại TPHCM cho thấy hàm lượng các kim loại nặng và các chất vô cơ đều nằm trong giới hạn cho phép và tro xỉ tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không phải là chất độc hại.

Bãi thải xỉ của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản số 1767/UBND-KTN ngày 26-5-2016 thông qua “Quy trình thực hiện và giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2”. Ngày 26-9-2016, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh về việc tiêu thụ toàn bộ tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để sản xuất vật liệu xây dựng với thời gian thực hiện là 28 năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong Nguyễn Trung Trực cho biết, sau sự cố môi trường xảy ra hồi tháng 4-2015, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã khắc phục rất tốt. Địa phương cũng tham gia giám sát các hoạt động môi trường của Nhà máy trên 3 kênh, theo đó, kênh 1 là Tỉnh-Huyện-Xã giám sát; kênh 2 là nhân dân giám sát và kênh 3 là giám sát qua hệ thống quan trắc (kênh này có thể giám sát được từ điện thoại). Hiện nay, tình trạng ô nhiễm do bụi không còn, nhân dân khu vực xung quanh nhà máy đã ổn định cuộc sống và đồng thuận với các giải pháp giám sát môi trường của Chính quyền.

Từ khi đưa vào hoạt động, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không những góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, mà còn góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp vào thu ngân sách cho tỉnh Bình Thuận, thông qua các khoản thu về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Song song đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Giờ đây, Tuy Phong đã trở thành “cửa ngõ” giao lưu kinh tế và đã hình thành vùng công nghiệp tiềm năng, rõ nhất là nhiệt điện, phong điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng… Đặc biệt là Cảng biển tổng hợp Vĩnh Tân, cùng với nhiệt điện Vĩnh Tân tạo nên một vùng kinh tế hết sức năng động.

Bà Lê Thị Thưởng và gia đình di cư tự do đến sinh sống ở Vĩnh Tân- Vĩnh Phúc- Tuy Phong từ năm 1981. Bà nói, khi đó, Vĩnh Tân chỉ toàn là rừng rậm, đất không sản xuất được vì thiếu nước, khí hậu khắc nghiệt chỉ có nắng và gió. Gia đình bà cắm một miếng đất gần biển để sống bằng nghề đi biển, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Từ khi có Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, đời sống gia đình bà cũng như nhiều gia đình khác ở Vĩnh Tân ổn định hơn. Các gia đình không còn sống bằng nghề đi biển nữa mà chuyển sang làm dịch vụ./

Các yêu cầu về môi trường đối với các NMNĐ:

Đối với các NMNĐ, các yêu cầu về môi trường chủ yếu bao gồm khí thải (nồng độ bụi, lưu huỳnh SOx, nitơ NOx), nước thải, chất thải rắn.
1) Đối với khí thải: Thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện - QCVN 22:2009/BTNMT, trong đó quy định nồng độ tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải công nghiệp nhiệt điện khi phát thải vào môi trường không khí, cụ thể:

- Ngưỡng phát thải áp dụng cho NMNĐ có công suất >1.200MW tại vùng nông thôn: Kp=0,7 Kv=1,2; Bụi <180 (mg/nm3);="" so2=""><420 (mg/nm3);="" nox=""><840>
- Ngưỡng phát thải áp dụng cho NMNĐ có công suất >1.200MW khu vực đô thị: Kp= 0,7, Kv =1,0; Bụi <140 (mg/nm3);="" so2=""><350 (mg/nm3);="" nox=""><700>

2) Đối với nước thải: Thực hiện theo QCVN 40: 2011/BTNMT, Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Giấy phép xả thải vào nguồn nước.

Đối với chất thải rắn thông thường, việc quản lý được thực hiện theo nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu; riêng tro, xỉ thực hiện theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Đối với chất thải nguy hại, việc quản lý thực hiện theo thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30-6-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thanh Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/852609/bao-ve-moi-truong-gan-voi-san-xuat-dien