Bảo vệ môi trường: Cần những giải pháp kịp thời, hiệu quả

Do chạy theo lợi ích kinh tế, hiện nhiều địa phương trong cả nước còn xem nhẹ việc bảo vệ môi trường, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp về vấn đề này còn hạn chế. Nhằm quán triệt trong toàn Ngành xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1012/QĐ-BXD về Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.

Cần nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, tích cực tuyên truyền sâu rộng đến cả tầng lớp học sinh, sinh viên. (Ảnh: Internet)

Công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, trở thành một trong ba trụ cột phát triển bền vững tạo được sự chuyển biến với nhiều kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương mải chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, mà chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường; chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Câu chuyện về Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường là bài học đắt giá cho cả Chính phủ và chính quyền địa phương trong suốt thời gian qua. Sau khi sự việc được làm rõ trắng đen, dù phía Formosa có đền bù, có gửi lời xin lỗi đến người dân miền Trung, nhưng cái giá và sự mất mát đối với biển và người dân ven biển thì không gì có thể bù đắp được...

Không chỉ dừng lại ở vấn đề nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, chính quyền địa phương, hiện hệ thống pháp luật, các quy chuẩn về môi trường vẫn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi; nhiều quy định, tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp còn thiếu và chưa đảm bảo tính thống nhất.

Thực tế này cũng cho thấy, nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là hết sức nặng nề, bởi nhiều vấn đề môi trường tích tụ chưa được giải quyết đã và đang tạo áp lực lớn đối với môi trường chung. Cùng với đó là biến đổi khí hậu với diễn biến nhanh, phức tạp, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.

Cần chung tay hành động

Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, Chính phủ yêu cầu việc bảo vệ môi trường phải xuyên suốt trong quá trình phát triển và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân.

Trước nhiệm vụ đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động với nhiều nội dung: Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Tập trung vào các khâu như lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện các quy hoạch xây dựng; lập, thẩm định dự án đầu tư, thẩm định, đánh giá công nghệ sản xuất; thẩm tra thiết kế, cấp phép xây dựng; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kiểm tra, thanh tra các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, các dự án thuộc ngành Xây dựng bảo đảm và hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hoàn thành việc rà soát các quy hoạch, các dự án đầu tư lớn; rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản về lĩnh vực môi trường có liên quan thuộc chức năng quản lý của ngành Xây dựng.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý môi trường; rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

Cùng với đó là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải của các cơ sở sản xuất trực thuộc Bộ Xây dựng. Ngoài ra, các cơ quan đơn vị vần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong Kế hoạch hành động.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng căn cứ Kế hoạch hành động, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm thực hiện kịp thời và hiệu quả. Trong đó, phân công rõ nhiệm vụ cho lãnh đạo và chuyên viên chịu trách nhiệm thực hiện đối với từng nhiệm vụ cụ thể của đơn vị. Tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện kế hoạch và Báo cáo định kỳ sáu tháng (trước ngày 25 tháng 6 và 25 tháng 12) tình hình thực hiện Kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, gửi Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường để tổng hợp.

Hồng Quang

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/bao-ve-moi-truong-can-nhung-giai-phap-kip-thoi-hieu-qua.html