Bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo

ND - Thực hiện Nghị Quyết T.Ư 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" Vùng C Hải quân cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò của biển, đảo.

Vùng C Hải quân phụ trách vùng biển, đảo bảy tỉnh ven biển Trung Bộ, từ Đèo Ngang (Quảng Bình) đến Quy Nhơn (Bình Định). Thực hiện Nghị Quyết T.Ư 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" Vùng C Hải quân nỗ lực triển khai công tác tuyên truyền bằng 10 chương trình phối hợp hoạt động giữa vùng với bảy tỉnh, thành phố khu vực ở miền trung. Trong đó tập trung tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam; Luật Biển năm 1982; những chính sách pháp luật liên quan tới biển, đảo... Đại tá Đặng Minh Thắng, Lữ trưởng 161, Vùng C Hải quân cho biết: Ba năm qua, Vùng C và các địa phương mà đơn vị đóng chân trên địa bàn đã đề cao trách nhiệm, tích cực chủ động triển khai toàn diện có hiệu quả các nội dung đã ký, làm chuyển biến trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân ở ven biển đối với chủ quyền biển, đảo. Xây dựng được hệ thống triển khai từ vùng tới các đơn vị, các tỉnh, thành phố, các địa phương. Sự phối hợp giữa vùng với các địa phương nhịp nhàng tạo phong trào hành động cụ thể hướng về biển, đảo sâu rộng, hiệu quả, tích cực hơn trong các tầng lớp nhân dân. Ba năm qua, các cấp lãnh đạo Vùng C Hải quân đã phối hợp các địa phương ven biển như Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định... tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho các cấp lãnh đạo địa phương cùng hàng nghìn lượt ngư dân về vị trí, tầm quan trọng biển, đảo của nước ta, cũng như hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Điều ước Quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết cho các lực lượng hoạt động trên biển. Không những trên đất liền, ngay cả trên biển, công tác tuyên truyền thường xuyên được chú trọng. Đại úy Lê Văn Hưng, Thuyền trưởng tàu HQ 629, Lữ đoàn 161, Vùng C Hải quân cho biết: "Khi hoạt động trên biển, ngoài nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước cũng như Quân chủng giao, thì nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân hoạt động trên biển cũng là nhiệm vụ thường xuyên". Các anh là người trực tiếp tuyên truyền hướng dẫn ngư dân khi hoạt động trên biển về các thủ tục khi hoạt động trên biển, địa điểm đánh bắt, thông tin về thời tiết... Khi có sự cố trên biển đối với tàu cá Việt Nam, các anh là người đầu tiên hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Sự có mặt của Hải quân Nhân dân Việt Nam trên biển là chỗ dựa cho ngư dân khi hoạt động trên biển. Điều này được chứng minh trong nhiều năm qua khi có gió bão trên biển. Khu vực miền trung, thành phố Đà Nẵng là địa phương có nhiều tàu thuyền công suất lớn đánh bắt dài ngày. Chính vì vậy, đơn vị thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân về phạm vi chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia. Ông Đào Ngọc Minh Tâm, chủ tàu đánh bắt xa bờ quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng nói: Bây giờ ra biển, ngư dân đã yên tâm làm ăn, mình có trục trặc hay sự cố gì thì liên hệ với các đồng chí Vùng C Hải quân để cùng hỗ trợ lẫn nhau. Hai bên có thông tin, có tần số liên lạc, kết hợp với nhau, có sự cố là giúp đỡ cho nhau. Có chính sách này, tôi rất cảm ơn các đồng chí vùng C và chính quyền địa phương. Sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ Vùng C Hải quân trên đất liền cũng như trên biển là chỗ dựa vững chắc đối với ngư dân các tỉnh ven biển miền trung. Ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo Việt Nam, các anh còn góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Bài và ảnh: Long Thành, Hương Trà

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=182373&sub=130&top=37