Bảo vệ bệnh viện lừa đảo 'chạy' việc làm tứ tung

Chỉ làm bảo vệ tại bệnh viện huyện, song Trịnh vẫn “chém gió” là có thể xin được việc làm vào nhiều cơ quan khác nhau. Quá cả tin, gần chục người đã giao tiền cho kẻ bịp bợm.

Bị đưa ra tòa xét xử, Nguyễn Xuân Trịnh (SN 1975, trú ở thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) thừa nhận, vào thời điểm lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng chục bị hại, đối tượng chỉ làm bảo vệ tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn. Tuy nhiên để một số bị hại yên tâm, tin tưởng, Trịnh còn mạo nhận là nhân viên an ninh tại Sân bay Quốc tế Nội Bài.

Khai báo lại từng lần lừa đảo, Nguyễn Xuân Trịnh trình bày, đầu năm 2013, làm bảo vệ tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, đối tượng hay gặp ông Nguyễn Văn Vững (SN 1954, ở xã Tân Minh, Sóc Sơn) đưa con gái đến đây chữa bệnh. Từ những lần gặp gỡ ấy, Trịnh và ông Vững dần chuyện trò thân thiết hơn.

Bị cáo Nguyễn Xuân Trịnh tại phiên tòa

Sau đó, biết gia cảnh ông Vững khá khó khăn nên đối tượng nhanh chóng bịa ra chuyện có thể xin được bảo hiểm y tế (thuộc diện hộ nghèo) cho con gái ông Vững. Đổi lại, Trịnh yêu cầu người đàn ông này phải đưa cho đối tượng 15 triệu đồng “bôi trơn”.

Lừa đảo được số tiền ban đầu, Trịnh tiếp tục “chém gió” rằng có thể xin cho con dâu ông Vững vào làm y tá ngay tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn với chi phí 30 triệu đồng. Và rồi một lần nữa ông Vững lại đi vay mượn họ hàng, làng xóm để có đủ 30 triệu đồng đưa cho Trịnh.

Mặc cho ông Vững hy vọng và chờ đợi nhưng rồi sau rất nhiều lần kiếm lý do trì hoãn, Trịnh vẫn không thể xin được thẻ bảo hiểm y tế cũng như việc làm cho các con của người đàn ông nghèo khổ. Không đòi lại được tiền, ông Vững buộc phải tố cáo hành vi lừa đảo của Trịnh tới cơ quan công an.

Trường hợp cả tin không kém gì ông Vững là chị Nguyễn Thị Hường (SN 1979), trú ở xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn. Cụ thể, một ngày đầu năm 2015, chị Hường ra Sân bay Nội Bài đón người thân. Trong lúc chờ đợi, chị Hường tình cờ gặp Trịnh tại đây.

Trong câu chuyện tào lao ở nhà ga, Trịnh khoác lác với người phụ nữ này rằng đối tượng có thể xin được việc làm cho người khác vào Sân bay Nội Bài cũng như tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn với chi phí vừa phải. Tưởng gặp được “quý nhân”, chị Hường lập tức xin số điện và hẹn sẽ gặp lại Trịnh để trao đổi thêm.

Và rồi trong những lần gặp gỡ tiếp theo, Trịnh cho chị Hường biết xin vào làm phát thanh, soát vé tại Sân bay Nội Bài phải bỏ ra chi phí tương ứng là 160 triệu đồng và 20 triệu đồng. Còn vào làm y tá ở Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn cũng chỉ là 20 triệu đồng.

Mong muốn mấy đứa em vừa học xong được vào làm những công việc nêu trên, từ tháng 2 đến tháng 4-2015, chị Hường nhiều lần đưa cho Trịnh tiền với tổng số 190 triệu đồng. Vậy nhưng rút cuộc, cái mà chị Hường cùng người thân nhận lại chỉ là “tiền mất tật mang”.

Tại phiên tòa, các lời khai liên quan còn cho thấy, ngoài ông Vững, chị Hường, Trịnh còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 7 người bị hại khác. Mánh khóe của cựu nhân viên bảo vệ bệnh viện vẫn là nhận tiền và hứa hẹn “chạy” việc làm cho mọi người.

Thế nhưng lạ là ở chỗ mặc dù chỉ là nhân viên bảo vệ tại một bệnh viện tuyến huyện, song Trịnh vẫn cam kết sẽ “lo lót” được cho các bị hại vào làm việc ở rất nhiều cơ quan Nhà nước khác nhau, trong đó có cả đơn vị vũ trang và rất nhiều người đã tin tưởng, giao tiền cho kẻ bịp bợm.

Theo đó, tài liệu truy tố bị cáo xác định, từ năm 2013 đến tháng 4-2015, Trịnh đã chiếm đoạt được 865 triệu đồng của 9 người bị hại, chủ yếu ở địa bàn huyện Sóc Sơn. Về số tiền lừa đảo này, đối tượng trình bày đã ăn tiêu cá nhân hết nên không còn khả năng khắc phục hậu quả.

Mở tòa vào ngày 30-11, TAND TP Hà Nội khẳng định, mặc dù không có chức năng, khả năng, song bị cáo vẫn hứa hẹn và nhận tiền xin việc làm, rồi chiếm đoạt. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS. Trên cơ sở đó, Tòa án Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Xuân Trịnh 14 năm tù giam.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/bao-ve-benh-vien-lua-dao-chay-viec-lam-tu-tung/710590.antd