Bão và ATNĐ vẫn còn có khả năng xuất hiện và hoạt động trên khu vực Biển Đông

QĐND Online – “Từ nay đến hết năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vẫn còn có khả năng xuất hiện và hoạt động trên khu vực Biển Đông; có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam khoảng từ 1 - 2 cơn, ảnh hưởng chủ yếu tới khu vực Trung Bộ và Nam Bộ”. Đây là ý kiến đánh giá của ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn khi trao đổi với chúng tôi về xu thế thời tiết, thủy văn mùa Đông Xuân năm 2012 – 2013.

QĐND Online – “Từ nay đến hết năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vẫn còn có khả năng xuất hiện và hoạt động trên khu vực Biển Đông; có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam khoảng từ 1 - 2 cơn, ảnh hưởng chủ yếu tới khu vực Trung Bộ và Nam Bộ”. Đây là ý kiến đánh giá của ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn khi trao đổi với chúng tôi về xu thế thời tiết, thủy văn mùa Đông Xuân năm 2012 – 2013.

Mùa bão năm 2012 xuất hiện trên Biển Đông sớm hơn

Theo ông Hải, mùa bão năm 2012 xuất hiện trên Biển Đông sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), giữa tháng 2 đã xuất hiện ATNĐ đầu tiên; cuối tháng 3 đầu tháng 4-2012 đã xuất hiện Bão số 1 trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Tính đến cuối tháng 9-2012, trên khu vực khu vực Biển Đông đã xuất hiện 6 cơn bão và 1 ATNĐ. Bão số 1 (PAKHAR) ngày 1-4-2012 đổ bộ vào Bình Thuận – Bà Rịa- Vũng Tàu gây ra một đợt mưa vừa, mưa to ở các tỉnh Bình Định đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ (đây là cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta sớm kể từ tháng 3-1982). Bão số 3 (DOKSURI) cuối tháng 6-2012 và cơn bão số 4 (VICENTE) cuối tháng 7-2012 sau khi đi vào khu vực phía nam Trung Quốc suy yếu thành vùng áp thấp đã gây ra các đợt mưa vừa, mưa to ở Bắc Bộ. Đến giữa tháng 8-2012 cơn bão số 5 (KAI-TAK) đã đi vào khu vực Quảng Ninh và đã gây có gió giật mạnh cấp 6, cấp 7 kèm theo mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to ở Bắc Bộ.

Ông Hải cũng cho biết, nền nhiệt độ và lượng mưa mùa Đông Xuân 2012-2013 ở Bắc Bộ dự kiến sẽ cao hơn TBNN một ít. Cụ thể, các tháng đầu vụ (tháng 11 và 12-2012) và 2 tháng cuối vụ (tháng 3 và 4-2013) phổ biến ở mức cao hơn một ít so với TBNN, các tháng giữa vụ (tháng 1 và 2-2013) ở mức xấp xỉ TBNN. Các khu vực khác nền nhiệt độ toàn mùa ở mức cao hơn một ít so với TBNN.

Cần cảnh giác thời tiết bất thường mùa mưa bão 2012. Ảnh minh họa/internet.

Đợt rét đậm đầu tiên của vụ Đông Xuân 2012-2013 có khả năng xuất hiện muộn hơn so với mức TBNN (khoảng cuối tháng 12) với nhiệt độ trung bình ngày ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ xuống dưới 15 0 C và có thể kéo dài từ 3 ngày trở lên.

Trong khi đó, lượng mưa các tháng trong vụ Đông Xuân 2012-2013 tại Bắc Bộ phổ biến ở mức cao hơn một ít so với TBNN (trong thời gian nửa cuối vụ tháng 1, 2 và 3-2013 có khả năng xảy ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn). Tuy nhiên, tại khu vực Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên đầu mùa phổ biến ở mức thấp hơn một ít so với TBNN. Tại Trung Bộ, trong các tháng 10, 11 và 12-2012 vẫn có khả năng xảy ra các đợt mưa vừa, mưa lớn diện rộng và có thể gây ra lũ lụt trên các sông suối. Còn tại Nam Bộ và Tây Nguyên, lượng mưa giữa và cuối mùa có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN; mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kết thúc sớm hơn so với bình thường, (khoảng nửa cuối tháng 10-2012). Trong thời gian mùa khô, các đợt mưa trái mùa xảy ra ít hơn so với mùa khô năm 2011-2012.

Bắc Bộ sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu nước trong mùa cạn

Khi được hỏi về dự báo tình hình thủy văn khu vực Bắc Bộ, ông Hải cho biết, dòng chảy toàn mùa Đông Xuân năm 2012-2013 ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức TBNN khoảng 10-30%. Ở thượng lưu nhỏ hơn mức TBNN khoảng 10-20%, trong đó các các tháng cuối mùa cạn (tháng 3, tháng 4-2013) thiếu hụt khoảng 10-15%. Cụ thể, trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng trung bình mùa cạn (từ tháng 11-2012 đến tháng 4-2013) ở mức 750-1.200m 3 /s (TBNN là 1.180m 3 /s). Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức từ 0,3 – 0,5m và xuất hiện vào tháng 2, tháng 3 năm 2012. “Mùa cạn năm 2012-2013 Bắc Bộ sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu nước, đặc biệt ở vùng Đông Bắc, vùng núi phía Bắc và vùng trung du Bắc Bộ sẽ nghiêm trọng hơn so với các vùng khác”, ông Hải nói.

Còn tại Trung Bộ và Tây Nguyên, trong 3 tháng (tháng 10, 11 và 12-2012), trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và lớn. Trong khi đó tại Nam Bộ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên dần và đạt mức cao nhất năm vào khoảng giữa tháng 10.

Ông Hải cũng khuyến cáo: Trong các tháng chính của vụ Đông Xuân 2012-2013 là mùa khô ở các tỉnh Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, do vậy cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ tại một số nơi, đặc biệt các khu vực ở vùng núi. Các tỉnh ven biển Trung Bộ đề phòng mưa trong thời đoạn ngắn, gây lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất từ tháng 10 đến tháng nửa đầu tháng 12-2012.

Hoàng Lan

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/24/24/208766/Default.aspx