Bảo tồn nhà cổ: Đến lúc phải làm chứ không chỉ nói

Sự dùng dằng giữa bảo tồn và xây mới vẫn chưa có hồi kết, nhiều nhà cổ trăm năm tuổi đã thành nhà hoang giữa lòng thành phố.

Câu chuyện Bảo tồn và phát huy giá trị những ngôi nhà cổ không phải là mới, thế nhưng giữa nói và làm đang còn khoảng cách khá xa. Nhiều ngôi nhà cổ xuống cấp mất an toàn, thậm chí là đổ sụp nhưng vẫn không có ai ngó ngàng đến dù rằng ở nơi đâu chúng ta cũng bắt gặp sự kêu gọi bảo tồn nhà cổ. Nghịch lý này không ở đâu xa mà ngay chính ở thủ đô Hà Nội, nơi đang có hàng trăm ngôi nhà cổ - những chứng nhân làm nên một Thăng Long hào hoa.

Ngôi nhà cổ ở số 107, phố Trần Hưng Đạo, sau hơn một năm bị đổ sụp một phần tầng 2 làm 2 người chết và 6 người bị thương, hàng chục hộ dân sống xung quanh biệt thự đã được di dời tạm cư để đảm bảo an toàn. Đến nay, mọi thứ vẫn nguyên vẹn.

Nhà số 107 Trần Hưng Đạo bị sập ngày 22/9/205 làm 2 người chết và nhiều người bị thương.

Nhà số 107 Trần Hưng Đạo bị sập ngày 22/9/205 làm 2 người chết và nhiều người bị thương.

Giữa một bên là nét kiến trúc Pháp cổ kính thách thức với thời gian và một bên là đống đổ nát, rợn người, không ai quan tâm dọn dẹp hay là tu bổ lại. Việc chậm trễ giải quyết hậu quả đã và đang đẩy hàng trăm con người lâm vào hoàn cảnh sống “không an cư”.

Nhìn khung cảnh căn nhà trong sự sự bất lực và bất an, ông Nguyễn Đình Hải, Tổ trưởng dân phố khu nhà 107 Trần Hưng Đạo, người đã có hơn 30 năm sinh sống, gắn bó với ngôi nhà cổ này cho biết. Những người dân như ông sống trong khu nhà này đều biết sự xuống cấp của ngôi nhà, kiến nghị sửa chữa nhưng không được. Vì người ta nói rằng ngôi nhà cổ 110 tuổi này có giá trị văn hóa, di sản nên làm gì cũng phải được sự cho phép của cơ quan quản lý.

“Vì không có bất cứ việc bảo tồn, trùng tu nào mà chỉ có con người xâm hại cho đến lúc nó đổ sụp hơn năm nay và đến nay vẫn thế…”.

“Tôi về đây từ năm 1981, ở dãy nhà khung ray, sau đó chuyển về sau hội trường, người ta phân cho tôi cái nhà 17 m2, vợ chồng con cái ở đây. Khi chúng tôi về đây thì nhà cổ vẫn tốt, sau đó quá trình không duy tu, không sửa chữa kịp thời nên nó đổ phần gian giữa hội trường này…”, ông Nguyễn Đình Hải cho biết.

Ngôi nhà cổ số 107 Trần Hưng Đạo sau hơn 1 năm đổ sập đến nay đống đổ nát vẫn còn nguyên vẹn

Từ khi ngôi nhà này đổ sụp, 66 hộ dân sống phía sau và xung quanh bắt buộc phải di dời sang nơi ở mới. Còn ngôi nhà cổ thì vẫn giữ nguyên hiện trạng: Không phá bỏ; không xây mới; không sửa chữa và không dọn dẹp…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phía Tổng Công ty đường sắt Việt Nam – chủ sở hữu ngôi nhà này thì muốn phá bỏ để xây trụ sở mới. Trong khi đó, phía thành phố Hà Nội lại muốn trùng tu, bảo tồn…

Sự dùng dằng giữa bảo tồn và xây mới vẫn chưa có hồi kết và nhà cổ trăm năm đã thành nhà hoang giữa lòng thành phố.

Không riêng gì ngôi nhà số 107, Hà Nội hiện có hàng trăm ngôi biệt thự cổ, nhà cổ đang có nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có lời giải cho những ngôi nhà này.

Hà Nội hiện có hơn 1.000 ngôi nhà cổ có kiến trúc của Pháp, trong đó nhiều ngôi nhà, biệt thự trong diện xuống cấp cần được tu bổ

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Hội viên Hội kiến trúc sư Việt Nam thì kiến trúc Pháp ở Việt Nam góp phần làm thay đổi không chỉ diện mạo mà còn thay đổi tư duy của nguời Việt. Nhưng hiện nay cả ngàn biệt thự có giá trị lại đang bị sao nhãng, không duy tu bảo dưỡng kịp thời, thậm chí còn bị cải tạo thô bạo làm biến dạng để phục vụ mục đích nhất thời của người sử dụng, những người vốn không phải người làm ra nó.

Ông Trần Huy Ánh dùng đi dùng lại từ “day dứt” để nói về hiện trạng quy hoạch và bảo tồn nhà cổ ở Hà Nội hiện nay.

“Rất là day dứt, rất là lo lắng nhưng mà mình không biết làm cách nào ngoài việc gióng lên những tiếng chuông gây sự chú ý xã hội, nhưng mà rất tiếc sau sự chú ý xã hội thì lại chìm vào quên lãng…Mà rất hay, người Hà Nội dạo này rất hay quên, nói xong quên luôn.”.

“Nhà đổ như thế, chống đỡ như vậy, và mỗi lần tai nạn như thế vào cuộc rất nhanh, rất chủ động, rất tích cực…sau đấy không hề có một biện pháp gì cụ thể, không hề có hoạt động gì thiết thực để mà thực thi việc bào tồn như vậy…”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích và đặt câu hỏi.

Ngôi nhà cổ ở số 70 Nguyễn Du mới được trùng tu, sửa chữa lại

Còn theo bà Lê Quỳnh Chi – Phó Chủ nhiệm bộ mô Quy hoạch vùng và đô thị - Đại học Xây dựng Hà Nội thì: Để đập 1 công trình đi và xây 1 cao ốc cái đấy là bài toán dễ, thế như khi đập đi rồi thì không bao giờ lấy lại được và những cái đấy mình sẽ mất đi mãi mãi.

“Mình mong muốn giữ lại tất cả những công trình có giá trị để lại vì nó là bài học, là ký ức, là văn hóa của 1 đô thị, chứ còn nếu đập đi thì chúng ta sẽ mất đi mãi mãi. Hiện nay xu hướng trên thế giới là người ta giữ lại công trình có giá trị, giữ lại bản sắc đô thị, giữa lại cái văn hóa riêng đó…”, bà Lê Quỳnh Chi nói.

Tuy nhiên, theo bà Chi, việc giữ lại những công trình cổ có ý nghĩa cũng đồng nghĩa với việc phải có phương án bảo tồn, tôn tạo để những ngôi nhà vẫn đảm bảo sinh hoạt chứ không thể chỉ bảo tồn theo kiểu “phế tích” thì rất xót xa.

Việc tu bổ, sửa chữa những ngôi nhà cổ ở Hà Nội hiện nay còn khá nan giải

Có thể mai này, bóng dáng căn biệt thự cổ số 107 Trần Hưng Đạo này và một số biệt thực cổ khác sẽ chỉ còn trong phim ảnh, trong ký ức của nhiều người Hà Nội và khu đất vàng sẽ mọc lên một cao ốc hiện đại như mong muốn của chủ sỡ hữu bây giờ.

Các phương án tuy còn nằm trên giấy nhưng giới nghiên cứu và các nhà văn hóa đều muốn giữ lại căn biệt thự cổ giá trị này để cho mai sau. Nhưng ai cũng lo rằng giữa nói và làm về bảo tồn còn xa quá. Bởi 1 năm đã qua đi nhưng cũng chẳng có bất cứ một ai đả động đến đống đổ nát này và nó vẫn trầm mặc dầm mưa, dãi nắng, đợi chờ…

Việc cần hiện nay làm chứ không phải nói. Là cần có cái nhìn đúng đắn hơn đối với di sản kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc Pháp ở Việt Nam./.

Hà Nội có gần 1.600 biệt thự, dinh thự và hàng chục công sở, nhà ga, bệnh viện, trường học, bảo tàng có giá trị khi Chính phủ tiếp quản Thủ đô năm 1954.

Năm 2011, Sở Quy hoạch và kiến trúc đã phối hợp với Viện Quy hoạch kiến trúc (Đại học Xây dựng) thực hiện việc rà soát, chấm điểm, xếp loại danh mục 1.540 căn biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu trên địa bàn thành phố.

Từ kết quả chấm điểm, Hà Nội đưa 1.253 căn vào danh mục thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 và được phân thành 3 nhóm.

Nhóm một gồm 225 căn (được đánh giá từ 70 đến 100 điểm) là những biệt thự gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, các sự kiện chính trị được được xếp hạng theo quy định của pháp luật, các biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc; Nhóm 2 có 382 căn (50-69 điểm) là những biệt thự có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm một; chiếm số lượng lớn nhất là nhóm 3 với 646 biệt thự (dưới 50 điểm) không thuộc nhóm 1 và nhóm 2.

Các loại nhà, biệt thự trong nhóm 1, 2 thuộc diện bảo tồn, mọi hoạt động sửa chữa phải xin phép Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/bao-ton-nha-co-den-luc-phai-lam-chu-khong-chi-noi-570269.vov