Bảo tồn 'lộc biển'

Từ lâu, khai thác sá sùng đã trở thành nghề truyền thống của ngư dân ở 2 xã đảo Minh Châu, Quan Lạn (huyện Vân Đồn).

Khai thác sá sùng trên bãi Sơn Hào, đảo Quan Lạn, Vân Đồn.

Nghề này còn được ví như chiếc “cần câu cơm” giúp nhiều hộ dân nơi đây ăn nên, làm ra. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nhiều người dân ở đây không khỏi lo lắng trước tình trạng khai thác bằng phương pháp không phù hợp khiến sá sùng trên đảo ngày càng khan hiếm. Đã đến lúc cần có giải pháp thích hợp cho bài toán phát triển và bảo tồn đặc sản sá sùng Vân Đồn nói chung và 2 xã đảo Minh Châu, Quan Lạn nói riêng.

Nỗi lo hết “lộc biển”

Sau gần 1 tiếng đồng hồ rẽ sóng trên biển, chiếc tàu cao tốc xuất phát từ cảng Cái Rồng đã đưa chúng tôi đến với xã đảo Quan Lạn vào ngày giữa tháng 11. Đây là một trong 2 đảo của huyện Vân Đồn (cùng với đảo Minh Châu) được mệnh danh là “vương quốc” của loài sá sùng. Ra đến đảo, chúng tôi được nghe khá nhiều những câu chuyện xoay quanh về chủ đề săn sá sùng một thời đã cứu đói dân làng, giờ lại giúp nhiều hộ trên đảo phất lên làm giàu.

Gắn bó gần 50 năm với nghề đào sá sùng trên đảo, mặc dù đã gác mai nghỉ đào sá sùng từ lâu nhưng bà Phạm Thị Uyên (80 tuổi) ở thôn Thái Hòa là người hiểu rõ hơn ai hết về sự phát triển của nghề đào sá sùng trên xã đảo Quan Lạn. Theo bà Uyên kể lại thì lúc đó, ngư dân trên đảo chủ yếu sống bằng 2 nghề chính: Đàn ông đi biển, cánh chị em phụ nữ ở nhà thì đi đào sá sùng thuê. Hằng ngày, gia đình bà và nhiều hộ dân khác thường đi đào sá sùng về đổi lấy gạo ăn qua bữa. Ngày đó, sá sùng trên đảo nhiều vô kể nhưng nó không được giá như bây giờ. Tuy nhiên, chính sá sùng đã giúp làng Vân chúng tôi thoát khỏi vài trận đói. Đó là những trận bão to, biển động, tàu bè không ra khơi được, lương thực, thực phẩm đều khan hiếm..., chính sá sùng đã giúp ngư dân trên đảo vượt qua sóng to, gió lớn như vậy. “Mặc dù lớp trẻ trên đảo tiếp tục nối nghề truyền thống, thế nhưng lo lắng nhất hiện nay là tình trạng sá sùng ngày càng cạn kiệt đi nhiều so với trước đây. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến kế sinh nhai của rất nhiều hộ dân trên đảo Quan Lạn và cả đảo Minh Châu nữa” - bà Uyên ngồi nhìn cô con dâu phơi sá sùng nói.

Sá sùng tươi được thu mua tại bãi với giá trung bình gần 300.000 đồng/kg.

Gác lại câu chuyện của bà Uyên, chúng tôi tiếp tục ra bãi Sơn Hào (xã Quan Lạn) để tận mắt chứng kiến nghề đào sá sùng nơi đây. Theo kinh nghiệm những người đi đào sá sùng lâu năm, mùa săn sá sùng chủ yếu vào thời điểm từ tháng 4 đến hết tháng 9 (âm lịch) hằng năm, còn lại những tháng khác sá sùng có nhưng ít hơn. Tùy theo con nước, trung bình mỗi tháng chỉ đào được 12-15 buổi. Bà Bùi Thị Sợi (xã Minh Châu) thâm niên gần 30 năm theo nghề, chia sẻ: Hôm nay tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều người đã tập trung ra bãi đào sá sùng. Trước đây, chúng tôi săn sá sùng được nhiều lắm, nhưng giờ những người theo nghề đào sá sùng cảm thấy lo lắng vì lượng sá sùng trên đảo ngày càng khan hiếm hơn. Cứ tình trạng này, không biết “lộc biển” đã ban tặng cho ngư dân trên đảo sẽ còn kéo dài được bao lâu?

Bài toán bảo tồn

Theo khảo sát của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 4.300ha bãi triều có sá sùng, trong đó huyện Vân Đồn khoảng 3.000ha (chủ yếu tập trung ở xã Minh Châu, Quan Lạn). Sá sùng Vân Đồn được đánh giá là có chất lượng vào loại tốt nhất Việt Nam và có giá trị rất cao. Việc khai thác sá sùng tại Minh Châu, Quan Lạn đã tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động ngư dân 2 xã đảo. Khoảng từ những năm 2010 trở lại đây, thương hiệu sá sùng Vân Đồn ngày càng được nhiều thị trường biết đến khi “cơn sốt” giá bán sá sùng thường giao động từ 3-4 triệu đồng/kg khô. Đặc biệt, cuối năm 2015, huyện Vân Đồn đã hoàn thành dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm sá sùng, đây là tiền đề để địa phương nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trước sự lên ngôi nhanh chóng của thương hiệu sá sùng Vân Đồn, bài toán về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi sá sùng hiện nay ở Vân Đồn nói chung, 2 xã đảo Minh Châu, Quan Lạn nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Tình trạng khai thác sá sùng tràn lan, bừa bãi, xuất hiện hình thức khai thác mang tính chất hủy diệt là nguyên nhân khiến nguồn lợi sá sùng ở đây giảm đi đáng kể.

Thực tế, theo phản ánh của người dân địa phương, từ đầu năm 2016 đến nay, tại xã Quan Lạn xuất hiện phương pháp khai thác sá sùng mới bằng hình thức soi mồi. Đây là hình thức khai thác thủ công bằng sức người nhưng cách thức khai thác tạo thành rãnh liên tục, trải dài, sâu, đang làm biến đổi cảnh quan bãi triều. Nguy hiểm hơn khi nước triều xuống, một số đối tượng đào sâu soi bắt sá sùng kích thước lớn tác động kéo theo là các ổ trứng sá sùng được nằm sâu dưới bề mặt bãi triều bị lộ thiên, khi gặp thủy triều lên trứng sá sùng bị phát tán ra môi trường nước trở thành mồi thức ăn cho các loài thủy sản khác. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng tự tái tạo và phát triển của nguồn lợi sá sùng. Qua điều tra và thống kê của UBND xã Quan Lạn cho thấy, trên địa bàn xã có hơn 50 đối tượng chuyên đi soi mồi. Mặc dù những đối tượng này đã được chính quyền xã vận động ký cam kết, nhưng do biện pháp chế tài xử lý bị hạn chế nên họ thường xuyên tái phạm. Đây là nguyên nhân khiến sá sùng trên đảo Quan Lạn thời gian gần đây bị cạn kiệt đi.

Sá sùng được ngư dân phơi khô, bán với giá từ 3-4 triệu đồng/kg.

Chị Phạm Thị Lan (xã Quan Lạn), thường xuyên đi đào sá sùng về bán cho biết: Giá bán sá sùng cao hơn hẳn so với trước đây nhưng lượng khai thác ngày càng kém đi. So với 5 năm trước, chúng tôi đào 10 lỗ mồi bắt được 6-7 con, còn bây giờ may ra chỉ bắt được 3-4 con. Cứ đà này chỉ vài năm nữa sá sùng trên đảo sẽ bị cạn kiệt mất. Đã đến lúc phải có những giải pháp đồng bộ để hồi sinh lại sá sùng trên đảo Minh Châu và Quan Lạn.

Thực tế, công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi sá sùng trên địa bàn tỉnh nói chung, 2 xã đảo Minh Châu, Quan Lạn nói riêng hiện gặp nhiều khó khăn do các bãi triều trải dài, lực lượng tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản mỏng, không thường xuyên túc trực trên biển và các bãi triều 24/24h. Mặt khác vì lợi nhuận kinh tế cao, một số đối tượng vẫn lén lút dùng các biện pháp khai thác kiểu tận diệt khiến nguồn lợi sá sùng ngày một suy giảm. Năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND ngày 22-10-2014 quy định quản lý nhà nước về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định nội dung phân cấp quản lý vùng biển ven bờ cho các địa phương. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung, trong đó có sá sùng nói riêng tại xã Minh Châu và Quan Lạn chưa được tổ chức thường xuyên. Trong năm 2016, trước hiện trạng khai thác sá sùng bằng phương pháp mới tại xã Quan Lạn, Sở NN&PTNT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3818/2016/QĐ-UBND ngày 11-11-2016 về việc quy định danh mục các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm và thời gian cấm khai thác sá sùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Quy định của UBND tỉnh tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong công tác quản lý nguồn lợi sá sùng, đặc biệt quy định cấm khai thác sá sùng từ ngày 1-6 đến 30-7 hằng năm để bảo vệ trứng, sá sùng non và những cá thể đang mang trứng trong thời kỳ sá sùng sinh sản cao điểm, góp phần duy trì, bảo vệ nguồn lợi sá sùng.

Bà Đặng Thị Việt Hương, Trưởng Phòng Quản lý nguồn lợi và Môi trường thủy sản (Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT), cho biết: Để chấm dứt tình trạng khai thác tận diệt và bảo tồn đặc sản sá sùng Vân Đồn một cách hiệu quả, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ cấp tỉnh đến các xã. Trước mắt, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân không khai thác sá sùng bằng các phương pháp cấm theo quy định của UBND tỉnh, chỉ khai thác sá sùng theo cách truyền thống bền vững. Đồng thời cần sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương và các ban, ngành có liên quan; lựa chọn một số diện tích bãi triều có phân bố sá sùng ở Minh Châu, Quan Lạn... để phối hợp với Sở NN&PTNT thí điểm thực hiện mô hình quản lý cộng đồng trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi sá sùng.

Theo Baoquangninh.com.vn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bao-ton-loc-bien.aspx