Bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm: Đừng nửa vời!

Tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Trong khi đó, lại có ý kiến ủng hộ quan điểm hợp pháp hóa gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm - vì cho rằng việc này vừa là giải pháp phát triển kinh tế, vừa có giá trị bảo tồn. Trước thực trạng này, trong 2 ngày 26 và 27.7.2016, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tổ chức tọa đàm và họp báo về những vấn đề nói trên.

Buổi tọa đàm ngày 26.7 có sự tham gia của các đại diện cơ quan thực thi pháp luật, các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và các chuyên gia bảo tồn trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, hiện ở Việt Nam, nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác như hổ, voi, cá sấu, tê tê và các loài linh trưởng quý hiếm đang bên bờ vực tuyệt chủng.

Năm 2010, cá thể tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã bị giết để lấy sừng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ĐVHD ở Việt Nam và Trung Quốc được xem là nguyên nhân chính thúc đẩy tình trạng này. Vì thế, đã nảy sinh việc cần hợp pháp hóa gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD để đáp ứng nhu cầu nói trên.

Bảng thông tin về động vật hoang dã tại Việt Nam.

Bảng thông tin về động vật hoang dã tại Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm, phía các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ thực thi pháp luật - những người đi đầu trong công tác đấu tranh chống tội phạm về ĐVHD - ủng hộ quan điểm của các nhà bảo tồn về sự cần thiết phải nghiêm cấm gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm.

Những ý kiến này cũng quan ngại sâu sắc về các lý do của những người ủng hộ gây nuôi thương mại các loài này - khi đưa lý do kinh tế lên trên tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trong tự nhiên. Những người phản đối cũng cho rằng, hợp pháp hóa hoạt động gây nuôi thương mại và buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng. “Việc đem tương lai của nhiều loài ĐVHD nguy cấp bậc nhất trên thế giới để đánh đổi lấy lợi nhuận của một nhóm người là vô cùng mạo hiểm” - bà Bùi Thị Hà (Phó Giám đốc ENV) chia sẻ.

Theo quan điểm của ENV, việc cần thiết nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức gây nuôi thương mại và buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam và thế giới (như Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) dựa trên một số luận điểm:

Hầu như không có giá trị bảo tồn. Công tác bảo tồn ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm không thể diễn ra song hành với hoạt động gây nuôi thương mại những loài này, bởi mục tiêu của bảo tồn là nhằm bảo vệ nền đa dạng sinh học, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, trong khi mối quan tâm hàng đầu của chủ các cơ sở gây nuôi là lợi nhuận, nên họ sẽ không đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sinh sản hay có kiến thức để đảm bảo tránh giao phối cận huyết, lai tạp nguồn gen, những điều kiện cơ bản để tái thả ĐVHD về tự nhiên (nếu có). Hơn nữa, hầu hết các cá thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được gây nuôi đã bị mất đi bản năng sinh tồn và kỹ năng cần thiết giúp chúng sống sót trong tự nhiên nếu được tái thả.

Ảnh hưởng tới các nỗ lực thực thi pháp luật. Sự song song tồn tại của cả sản phẩm ĐVHD hợp pháp và bất hợp pháp trên thị trường sẽ gây khó khăn lớn cho công tác thực thi pháp luật, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm lợi dụng để buôn bán, kinh doanh ĐVHD bất hợp pháp.

Kích thích nhu cầu tiêu thụ. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nhiều khả năng sẽ tăng lên đáng kể nếu các sản phẩm hiện bị cấm này được phép lưu hành trên thị trường. Khi sản phẩm từ ĐVHD sẵn có trên thị trường, nhiều người vốn chưa từng có nhu cầu sử dụng có thể sẽ “thử” sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD. Việc này sẽ “góp phần” gia tăng tình trạng săn bắn ĐVHD trái phép ngoài tự nhiên để đáp ứng nhu cầu đó.

Theo bà Jenny Daltry - chuyên gia cấp cao của Tổ chức Động, thực vật hoang dã quốc tế: “Việc gây nuôi thương mại đã khiến cho ngày càng nhiều ĐVHD bị săn bắt trong tự nhiên. Kể cả nếu những cơ sở này có thể gây nuôi và cho sinh sản được thì nhu cầu săn bắt ĐVHD từ tự nhiên vẫn rất lớn, vì chi phí sắn bắt ngoài tự nhiên rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư gây nuôi. Lại có trường hợp, nhiều người thích tiêu thụ ĐVHD có nguồn gốc từ tự nhiên hơn ĐVHD được sinh sản trong môi trường nuôi nhốt. Do vậy, nếu không có giám sát, quản lý chặt chẽ, các cơ sở này sẽ lách luật, thúc đẩy việc săn bắt ĐVHD từ tự nhiên…”.

PGS.TS Lê Xuân Cảnh - nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - nhận định: “Để gìn giữ đa dạng sinh học cho thế hệ tương lai, chúng ta cần phải nghiêm túc bảo vệ các loài ĐVHD, đặc biệt là những loài có nguy cơ bị mất đi vĩnh viễn. Việc gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm có thể mang lại lợi nhuận cho một số người, song nó lại đe dọa nghiêm trọng đa dạng sinh học đất nước”.

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Khổng Trung - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị - cho biết một số khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát: “Các cán bộ thực thi pháp luật không thể phân biệt được giữa sản phẩm ĐVHD được gây nuôi hợp pháp từ các trang trại và các sản phẩm bị săn bắt trái phép từ tự nhiên được đem đi tiêu thụ trên thị trường. Cách duy nhất để bảo vệ ĐVHD là nên nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán các loài này để các cán bộ thực thi pháp luật làm tốt phần việc của mình”.

Tại buổi họp báo, ENV đã công bố kết quả khảo sát hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD ở các trang trại Việt Nam được thực hiện năm 2014 - 2015. Kết quả khảo sát cho thấy tình trạng nhập lậu ĐVHD và lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để buôn bán trái phép ĐVHD rất phổ biến tại các cơ sở được cấp phép gây nuôi. ENV cũng đưa ra những ví dụ như vụ việc vợ một đối tượng ở Nghệ An có 2 tiền án vi phạm về buôn bán hổ đã được cấp phép nuôi hổ vì mục đích “giáo dục và bảo tồn” xảy ra gần đây. Còn cơ quan chức năng Tây Ninh và Quảng Bình đã cấp phép cho nhiều cơ sở “gây nuôi” tê tê, bất chấp thực tế tê tê là loài động vật vốn không dễ sinh sản và sinh trưởng trong môi trường nuôi nhốt. Tê tê cũng là loài nguy cấp, quý, hiếm, được bảo vệ ở mức độ cao nhất của pháp luật. Qua điều tra, chủ các cơ sở ở 2 địa phương này đã có hành vi nhập lậu các cá thể tê tê săn bắt trái phép ngoài tự nhiên.

Vậy, trong việc bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam, cần phải tiến hành bằng phương thức hữu hiệu nào? Theo bà Vũ Thị Quyên - Giám đốc ENV:“ Chúng ta phải xóa bỏ quan niệm có thể thu lợi nhuận từ các hoạt động buôn bán và tiêu thụ đa dạng sinh học đất nước, đồng thời phải kiên định với chính sách nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức gây nuôi thương mại và buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm mà chúng ta cần bảo vệ. Chúng ta chỉ có thể thành công trong việc bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu để bảo vệ các loài nguy cấp thế giới như hổ và tê giác, nếu chúng ta thực sự quyết tâm. Mọi biện pháp nửa vời sẽ là vô nghĩa…”.

Lê Quang Vinh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bao-ton-dong-vat-hoang-da-quy-hiem-dung-nua-voi-40502.html