Bão táp chính trường khi Tổng thống Pháp khẳng định ngôi vị đệ nhất phu nhân cho vợ

Giữa thời điểm tỷ lệ công chúng ủng hộ đương kim Tổng thống Pháp đang lao dốc mạnh, ông Emmanuel Macron lại tiếp tục bị dư luận nước này lên án gay gắt vì thông qua dự luật khẳng định ngôi vị “đệ nhất phu nhân” chính thức cho vợ ông, bà Brigitte Macron.

Tình yêu dẫn lối?

Ông Emmanuel Macron vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận khi muốn dành cho bà Brigitte Macron địa vị chính thức đệ nhất phu nhân. Hai tuần trước trên trang change.org ở Pháp xuất hiện một đơn kiến nghị phản đối việc bà Macron được phong chức vị Đệ nhất phu nhân.

Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp Emmanuel Macron.

“Brigitte Macron hiện tại đã có một đội ngũ gồm 2 hay 3 trợ lý, 2 thư ký, 2 nhân viên bảo vệ. Vậy là đủ rồi. Chính người dân Pháp chứ không phải ai khác mới có quyền chọn đại diện cho họ”, đơn kiến nghị có đoạn. Hiện đã có hàng trăm nghìn người ký đơn kiến nghị này.

Sở dĩ dư luận phản đối ý định này của ông Emmanuel Macron là bởi lẽ Hiến pháp Pháp không chấp nhận việc vợ Tổng thống có một địa vị chính thức, mà để họ tự tạo cho mình một vai trò phù hợp.

Các phu nhân Tổng thống được phép có văn phòng, nhân viên, lực lượng bảo vệ, những người phục vụ được trả lương từ ngân sách của điện Elysee ước tính khoảng 450.000 Euro (530.590 USD) mỗi năm. Tuy nhiên, nếu tạo ra một chức danh chính thức cho vợ Tổng thống có nghĩa sẽ phải có thêm một khoản ngân sách riêng dành cho họ.

Chẳng hạn, với bà Brigitte Macron, nếu được “chính danh”,  ngoài việc có văn phòng làm việc, nhân viên, phu nhân của ông Macron còn nhận được một khoản tiền phụ cấp từ ngân sách Chính phủ.

Nhà văn  Thierry Paul Valette, người khởi xướng lá đơn kiến nghị phản đối kế hoạch chính danh cho vợ của Tổng thống Pháp, cho rằng: “Không có lý do nào để ngân sách quốc gia phải chi trả cho vợ của một vị nguyên thủ. Hiện tại bà Brigitte Macron có 2 trợ lý cùng 2 thư ký và hai nhân viên an ninh, như vậy là đủ rồi”.

Ông Thierry Paul Valette cũng cho rằng mọi quyết định về vấn đề này phải thuộc về người dân Pháp, phải được đưa ra trưng cầu ý dân chứ không thể chỉ là sắc lệnh Tổng thống. Đồng thời ông lưu ý thêm “hơn 65% người dân phản đối việc có một chức danh chính thức cho bà Brigitte Macron”.

Chưa có tiền lệ trong lịch sử Pháp

Dẫu vậy, ông Macron có nhiều lý do để đưa ra quyết định chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Pháp. Theo vị Tổng thống trẻ tuổi này, cách hành xử hiện áp dụng với vợ Tổng thống là “một kiểu đạo đức giả kiểu Pháp”. Ông Macron nói: “Người sống cùng quý vị cần có một vị trí và phải được thừa nhận vị trí đó”.

Và đưa ra quyết định này, ông Macron đã chứng tỏ không thất hứa với lời cam kết từ thời đang tranh cử. Trong chiến dịch chạy đua vào ngôi vị Tổng thống, ông Macron đã cam kết sẽ “làm rõ” vị trí của phu nhân Tổng thống Pháp bằng cách sẽ dành cho họ một địa vị chính thức.

Quyết định của ông Macron được giới bình luận nhận định là sự thể hiện sâu sắc cho mối tình với người phụ nữ nhiều hơn tới 24 tuổi, nhưng đầy lãng mạn. Ông Macron gặp bà Brigitte Trogneux khi mới 15 tuổi. Lúc đó, bà Brigitte là một giáo viên đã kết hôn và có 3 con.

Cha mẹ của ông Macron ban đầu cố gắng tách rời hai người bằng cách gửi ông đến Paris để hoàn tất năm cuối cùng của bậc trung học. Tuy nhiên, cả hai vẫn duy trì quan hệ sau khi ông tốt nghiệp, bà Brigitte ly hôn và họ kết hôn vào năm 2007.

Trong suốt thời gian ông tranh cử, bà Brigitte gác sự nghiệp của bản thân sang một bên để giúp chồng theo đuổi giấc mơ Tổng thống Pháp.

Tổng thống Pháp muốn vợ mình có một danh xưng cụ thể.

Các cuộc thăm dò dư luận tháng qua cho thấy, uy tín của Tổng thống Pháp sụt giảm mạnh và chưa có dấu hiệu dừng. Tháng qua ông Macron đã mất 7% tỉ lệ ủng hộ, chỉ còn 36%.

Trong cuộc thăm dò mới nhất do hãng Elabe thực hiện, chỉ có 40% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng rằng ông Macron có thể dẫn dắt nước Pháp đối mặt với các khó khăn hiện tại, trong khi 55% tuyên bố không tin tưởng.

Sự sụt giảm này rất đáng báo động bởi nếu so với các đời Tổng thống Pháp trước đó trong nền Cộng hoà thứ Năm nước Pháp, ông Macron đang có chỉ số tín nhiệm trong những tháng đầu nhiệm kỳ thấp nhất.

Sau một thời gian đầu gây ấn tượng mạnh, ông Macron bắt đầu phải nhận sự phán xét khắt khe từ mọi tầng lớp cử tri trong xã hội Pháp.

Nhà nghiên cứu chính trị Jérôme Fourquet của viện Thăm dò ý kiến công luận Pháp – IFOP, nhận định, đà sụt giảm uy tín liên tiếp của ông Macron hiện nay, ngoài các nguyên nhân chính như chính sách thuế đối với công chức và người nghỉ hưu, hay mâu thuẫn với giới quân đội... còn xuất phát từ một thực tế là đang có độ vênh rất lớn giữa chiến lược truyền thông của ông Macron với các quyết sách của Chính phủ Pháp.

Thời điểm này được dự báo sẽ là khoảng thời gian sóng gió nhất kể từ khi ông Macron lên cầm quyền bởi các phe phái đối lập cũng như các tổ chức công đoàn vốn có quyền lực rất mạnh tại Pháp đang kêu gọi và chuẩn bị cho các cuộc phản kháng rất lớn cả trong Nghị viện lẫn trên các đường phố Pháp.

Ngay cả với việc ký thông qua dự luật khẳng định ngôi vị “đệ nhất phu nhân” chính thức cho vợ ông cũng được cho là mâu thuẫn với chính sách ông đề ra.

Ông Macron đang chuẩn bị siết việc thực thi luật “đạo đức”, nghiêm cấm các nghị sĩ không tuyển vợ con và các thành viên khác trong gia đình làm trợ lý cho họ, một thực tế đã gây rất nhiều bê bối trong chính trường Pháp những năm qua.

Rất nhiều chính trị gia Pháp đã vướng phải bê bối khi tuyển dụng người nhà. Cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon từng phải chính thức đưa ra lời xin lỗi về việc tuyển dụng vợ con giữa cáo buộc ông từng tuyển dụng khống vợ con và trả  lương rất cao.

Tuy nhiên, lời xin lỗi của ông Fillon không làm cho giới truyền thông và những người quan tâm đến sự việc thoả mãn vì vấn đề mọi người quan tâm không nằm ở việc tuyển dụng người nhà mà chính là nghi vấn thực tế vợ con ông  Francois Fillon không làm việc nhưng lại hưởng lương cao.

Việc tuyển dụng người nhà làm cộng sự không phải là chuyện hiếm ở Quốc hội Pháp và luật pháp cho phép điều này.

Theo quy định, mỗi nghị sĩ được cấp một khoản ngân sách để trả lương cho các cộng sự, có thể là thư ký hoặc tùy viên chính trị. Với khoản tiền cố định này, họ được tự do chọn số người tuyển dụng.

Tuy nhiên, Pháp quy định không được trả lương quá 4.780 Euro/tháng (chưa trừ thuế) ở Hạ viện và không quá 2.500 Euro/tháng ở Thượng viện.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bao-tap-chinh-truong-khi-tong-thong-phap-khang-dinh-ngoi-vi-de-nhat-phu-nhan-cho-vo-a335078.html