Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM - Thành quả 30 năm

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM ra đời từ Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã được 30 năm.

Là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh, hầu như không có hiện vật gốc, nhưng với việc sao chụp tài liệu, hình ảnh hiện vật gốc từ các bảo tàng khác, từ Cục Lưu trữ quốc gia, với việc sưu tầm, khảo sát hệ thống đền thờ, phủ thờ, với di ảnh của Bác được thờ ở tại các chùa, đình tại các tỉnh ở Nam bộ, với bộ sưu tập tranh chân dung Bác bằng nhiều chất liệu khác nhau... cũng đã tạo được sự hiểu biết về thân thế sự nghiệp hoạt động cách mạng và hoạt động văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiểu được sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trên chiếc tàu thủy của Pháp, hiểu được tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam, và lòng vô cùng kính yêu của bà con miền Nam đối với Bác Hồ. Bảo tàng có hiện vật quý là bàn thờ mà nhà sư Thích Pháp Lan đã làm lễ cầu siêu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong dịp Bác mất (9-1969) tại chùa Khánh Hưng (nay ở số 390/11 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3) ngay tại Sài Gòn, có cả ngàn người tham dự, bất chấp sự đe dọa đàn áp của cảnh sát ngụy quyền. Ở chùa lúc này lại có treo hai câu đối: Nam Bắc toàn dân quy thượng chính Á Âu thế giới kính tu mi Khách đến chùa rất thích thú với hai chữ cuối: Chính và Mi, nói ngược lại là Chí Minh. Bảo tàng còn có trưng bày một hiện vật được khách tham quan rất chú ý. Đó là một viên gạch sưởi, đúng như loại gạch sưởi mà Nguyễn Ái Quốc đã dùng để sưởi ấm trong những ngày đông giá rét ở Paris từ 14-7-1921 đến 14-3-1923. Viên gạch này được làm ra để sưởi, có nhiều ngăn, nhiều lớp, ban ngày đặt cạnh lò sưởi để tích tụ nhiệt, tối đến đem đặt dưới giường để ngủ cho ấm. Đây là vật kỷ niệm rất quý của bà ngoại ông Jean Francois Parot, Tổng Lãnh sự Pháp, gửi tặng khu lưu niệm ngày 2-9-1984. Bà đã dùng viên gạch sưởi ấy từ 60 năm về trước, lúc gia đình còn nghèo, sống ở vùng không có điện ở Paris. Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM sau 30 năm, đã lưu giữ được hơn 17.000 hiện vật, đã có một thư viện với hơn 4.000 cuốn sách do Bác viết và do các tác giả trong và ngoài nước viết về Bác, số lượt người trong và ngoài nước đến tìm đọc ngày càng tăng. Hình thức trưng bày ở bảo tàng luôn được cải tiến để tạo thêm sự hấp dẫn. Bảo tàng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, đã tổ chức nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu về Bác Hồ, các cuộc họp mặt làm lễ kết nạp đoàn viên, đội viên. Bảo tàng là nơi ra quân mở đầu cho nhiều phong trào sôi nổi ở thành phố. Hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh là loại bảo tàng danh nhân, mà Bác Hồ đối với lịch sử Việt Nam là danh nhân rất đặc biệt, chẳng những trong nước mà cả thế giới đều quý trọng. Trong bài điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã trân trọng ghi nhận: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta và non sông đất nước ta”. Sau ngày Bác Hồ mất, nhiều bài viết của bạn bè quốc tế đã cho rằng, Hồ Chủ tịch đã từ trần, nhưng ở Người có một cái gì không thể chết được. Đó chính là tư tưởng của Người, đạo đức của Người, tác phong của Người, toàn bộ sự nghiệp của Người, những nhân tố chủ yếu chẳng những đã tạo ra nền tảng của vận mệnh lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn ảnh hưởng và tác động đến tiền đề lịch sử của các dân tộc khác. Di chúc thiêng liêng của Người, hoài bão suốt đời của Người là hoài bão của dân tộc Việt Nam cũng là hoài bão của cả loài người tiến bộ. Năm 1990, theo Nghị quyết của Tổ chức UNESCO về việc kỷ niệm danh nhân của nhân loại, nhiều nước trên thế giới đã kỷ niệm trọng thể lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tôn vinh là “vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”. Trong lịch sử Việt Nam, có nhiều vị anh hùng giải phóng dân tộc nhưng không phải là nhà văn hóa lớn, có vị là nhà văn hóa lớn nhưng không phải là anh hùng giải phóng dân tộc. Sự tôn vinh của Tổ chức UNESCO đối với Bác Hồ là “vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”, là điều rất đặc biệt. 30 năm qua, thân thế, sự nghiệp cách mạng và văn hóa, tấm gương về đạo đức, lối sống cao đẹp của Bác Hồ, vị danh nhân đặc biệt đó đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM giới thiệu với khoảng 20 triệu lượt khách tham quan, trong đó có nhiều đoàn của những nhân vật cao cấp trong nước và nước ngoài. Bảo tàng là nơi đã quy tụ được một đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, chung sức chung lòng, vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng bảo tàng dựa vào khu Nhà Rồng được cải tạo, phát triển mới ngày càng khang trang, sáng, đẹp với nội dung ngày càng phong phú, với hình thức hoạt động ngày càng hấp dẫn. Trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương Bác, bảo tàng đã có nhiều cải tiến thu hút được nhiều khách tham quan trong đó có thanh niên, học sinh, sinh viên. Mặc dù còn phải cố gắng cải tiến nhiều hơn nữa, nhưng những thành quả đã đạt được qua 30 năm hoạt động của bảo tàng là rất đáng được trân trọng. Trần Trọng Tân (*) * Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 6, khóa 7, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chinhtri/2009/7/196459/