Bão số 5 gây thiệt hại lớn tại Quảng Ninh, Hải Phòng

Công nhân thu dọn cành cây bị đổ gãy do bão trên phố Bà Triệu (Hà Nội) chiều 30-9.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão NALGAE ở vào khoảng 17,5 độ vĩ bắc; 125,8 độ kinh đông, cách đảo Lu-dông (Phi-li-pin) khoảng 400 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km/giờ), giật cấp 17, cấp 18.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 đến 30 km. Như vậy khoảng chiều tối và đêm 1-10, bão sẽ đi vào vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông. Đến 19 giờ ngày 1-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc; 119,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 đến 25 km. Đến 19 giờ ngày 2-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 115,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.

Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều 1-10 vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, chiều 30-9, sau khi đi vào bờ biển giữa Quảng Ninh - Hải Phòng, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tối nay áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 19 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,9 độ vĩ bắc; 106,4 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh phía đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp đã giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía tây, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ đêm nay còn có gió giật cấp 6, cấp 7. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 5.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do hoàn lưu của bão số 5, ngày 30-9, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến bắc Quảng Bình có mưa to đến rất to. Tính đến chiều 30-9, lượng mưa phổ biến ở mức 50 đến 100 mm, một số nơi như Minh Hóa 184 mm, Tân Mỹ 184 mm. Mưa lớn đã làm lũ trên thượng nguồn sông La và sông Gianh lên nhanh. Dự báo, hôm nay (1-10), mực nước trên sông Gianh tại Mai Hóa lên 6m, dưới báo động (BĐ)3: 0,5m; thượng nguồn sông La lên BĐ1, có nơi trên BĐ1. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Sáng 30-9, đoàn công tác về chỉ đạo, kiểm tra việc phòng, chống cơn bão số 5 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến TP Hải Phòng. Phó Thủ tướng trực tiếp kiểm tra tuyến đê biển 1 và 2 tại Đồ Sơn, Kiến Thụy, chỉ đạo thành phố phải bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và các khu vực xung yếu và các tuyến đê, không được chủ quan với thiên tai, triển khai hiệu quả hơn phương án "bốn tại chỗ".

Trước khi bão số 5 đổ bộ, lực lượng Biên phòng đã thông báo, kêu gọi được 39.917 tàu, thuyền và 3.006 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản di chuyển tránh bão và neo đậu an toàn. Nhờ vậy, mặc dù bão số 5 ập vào với tốc độ nhanh, cấp bão lớn nhưng không gây nhiều thiệt hại đối với tàu, thuyền trên biển.

Bão số 5 đã gây thiệt hại lớn

cho tỉnh Quảng Ninh, ước tính gần 50 tỷ đồng. Tỉnh có 293 nhà tốc mái, 11 tàu, thuyền và sà-lan bị lật chìm, 33 bè nuôi bị vỡ làm mất trắng cả trăm tấn cá và thủy sản các loại, 1.669 ha hoa màu bị ngập úng; phải di dời 85 hộ dân. Tỉnh đã chỉ đạo ngành giao thông và đơn vị thi công tuyến đường nhanh chóng lắp đặt đường ống cống lớn, đưa nước thoát khỏi nhà dân.

Tối 30-9, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hạ Long bị ngập nước, cây cối đổ ngổn ngang. Tại huyện Vân Đồn, đã có bảy bè mảng và bè nuôi hải sản bị sà-lan chết máy trôi dạt đâm vỡ. Tại xã Hạ Long có hai bè mảng bị sóng đánh chìm. Tại huyện Cô Tô, khu neo tránh, trú bão Vụng Kho Gạo (Cảng đồn 16, khu vực gần đảo Thanh Lân) có năm tàu nhỏ bị đắm cạn và một số bè mảng nhỏ bị sóng lớn đánh hỏng. Lực lượng cứu hộ huyện Cô Tô cũng đã ứng cứu thành công một tàu cùng bảy người trên tàu.

Còn tại Hải Phòng, hệ thống đê điều vẫn bảo đảm an toàn, chưa phát sinh sự cố. Trong âu cảng Bạch Long Vỹ đã có một pông-tông đỗ trong âu bị đắm. Tại quận Đồ Sơn, 2.000 người dân đã sơ tán an toàn; 455 tàu, thuyền được chằng buộc cẩn thận tại nơi neo đậu. Sở Công thương thành phố chuẩn bị cấp phát cho nhân dân 20 nghìn thùng mỳ ăn liền, 50 tấn gạo, 1.000 kg đường, 7.000 thùng nước uống đóng chai và các nhu yếu phẩm khác...

Đêm 30-9, bão số 5 gây mưa vừa, mưa to ở Lào Cai khiến nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh giảm thấp, vùng thấp chỉ còn 9 đến 10oC, vùng cao 14 đến 16oC, nhiệt độ huyện Sa Pa xuống thấp nhất chỉ còn trên dưới 10oC. Tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo những hộ dân còn nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời ngay lập tức đến nơi an toàn, giảm mức tối thiểu thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra.

Chiều 30-9, tại tỉnh Bắc Giang, gió mạnh kèm mưa lớn. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống các huyện trọng điểm ở miền núi và các huyện vùng trũng để kiểm tra việc PCLB, chỉ đạo tập trung máy bơm tiêu nước bảo vệ lúa mùa và chuẩn bị các phương án đối phó mưa to, lũ lụt sau bão.

Ban Chỉ huy PCLB TP Hòa Bình (Hòa Bình) đã đến phường Đồng Tiến, nơi có hơn 160 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ bị ngập lụt để chuẩn bị các phương án di dời đến nơi an toàn.

Các tỉnh Lạng Sơn, Hưng Yên chỉ đạo các huyện, các đơn vị, tập trung triển khai các phương án đối phó với mọi tình huống do bão số 5 gây ra; kiểm tra an toàn hệ thống đê điều, các công trình đang thi công, xây dựng phương án bảo vệ đê bối; tổ chức lực lượng ứng cứu, chuẩn bị vật tư, phương tiện sẵn sàng gạn tháo, bơm tiêu úng khi có mưa lớn gây úng ngập lúa và hoa màu.

Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hải Dương chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chủ động bơm gạn tháo, hạ thấp mực nước trong các sông trục theo quy trình, triển khai đồng bộ phương án phòng, chống úng, ưu tiên cho diện tích lúa mùa, rau màu và nuôi trồng thủy sản.

Lo bão, người dân tích trữ thực phẩm

Hai ngày gần đây, người dân Hà Nội đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ phòng mưa bão, khiến lượng hàng hóa tiêu thụ và giá cả một số mặt hàng tăng đột biến so ngày thường. Sáng 30-9, tại các chợ Yên Phụ, Châu Long, Tứ Liên, Nhật Tân, Thành Công vẫn đông nghịt khách mua hàng. Đông khách nhất là các hàng thịt và hàng rau, vì ai cũng muốn mua với số lượng lớn để tích trữ cho những ngày mưa bão. Giá các loại rau, củ tăng thêm từ 10 đến 20% tùy loại. Các loại rau ăn lá như rau muống, rau ngót, mồng tơi... tăng trung bình khoảng hai nghìn đồng/mớ. Cà chua, bí xanh, bắp cải cũng tăng ba nghìn đến năm nghìn đồng/kg. Nhiều loại cá, cua, tôm cũng tăng mạnh từ 10 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/kg. Giá thịt lợn sau nhiều ngày đứng giá, đến nay tăng từ 10 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/kg. Tại các siêu thị lớn như Hapro, Fivimart, Intimex, Big C, lượng khách đến mua thực phẩm dự trữ tăng mạnh. Siêu thị Fivimart đã chuẩn bị nguồn hàng tăng 40% so bình thường, bảo đảm đủ cung ứng cho người tiêu dùng. Các siêu thị của Tổng công ty thương mại Hapro dự trữ lượng hàng hóa bình ổn giá gấp ba lần so số vốn được UBND thành phố Hà Nội cho vay, bảo đảm đủ lương thực, rau xanh và bình ổn giá.

Hủy nhiều chuyến tàu, chuyến bay vì bão

Trưa 30-9, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã hủy toàn bộ 10 chuyến bay đến/đi từ Hải Phòng do bão số 5. Theo Vietnam Airlines, ngày 1-10, thời tiết tại Hải Phòng dự báo có xu hướng tốt lên, Vietnam Airlines sẽ duy trì lịch khai thác bình thường. Hành khách bị ảnh hưởng sẽ được hãng bố trí đi trên các chuyến bay bù.

Do ảnh hưởng của bão số 5, Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội quyết định hủy bốn chuyến tàu từ Hà Nội đi Hải Phòng và ngược lại vào chiều 30-9. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão tổ chức kiểm tra, túc trực tại các điểm xung yếu để sẵn sàng đối phó với tình huống xấu xảy ra.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/b-o-s-5-gay-thi-t-h-i-l-n-t-i-qu-ng-ninh-h-i-phong-1.314400