Bão số 1 vào bờ mạnh hơn dự báo

TP - Dù cơ quan dự báo khí tượng thủy văn T.Ư khẳng định, công tác dự báo bão số 1 “sát thực tế”, song nhiều địa phương khẳng định, bão vào bờ “quấy” nhiều và mạnh hơn dự báo.

Hàng nghìn cột điện bị gãy trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Đức Hoàng.

“Chưa chính xác lắm”

Thông tin dự báo về cơn bão số 1, cơn bão được xem là dị thường gây thiệt hại lớn ở nhiều địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên… đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều địa phương cho rằng, sức gió của cơn bão lúc vào bờ mạnh hơn so với mức dự báo.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết: Lúc đầu dự báo bão vào Quảng Ninh - Hải Phòng, nhưng sau đó dự báo đi chệch xuống phía Nam, vào khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

“Trước đây, kinh nghiệm dân gian cho thấy, cứ có tiếng sấm, chớp là hết bão, nhưng cơn bão này không phải vậy. Dự báo lượng mưa thì tương đối chuẩn, nhưng sức gió thì dự báo chưa chính xác lắm”.

Ông Nguyễn Phùng Hoan

“Hướng đi của bão sau đó đi chệch một chút theo chúng tôi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, về cấp độ cơn bão, lúc đầu cảm tưởng có sức gió không lớn, chủ yếu lo ngập úng do mưa to theo bão. Tuy nhiên, thực tế cơn bão số 1 vừa rồi có sức mạnh tương đương cơn bão số 8 năm 2012 (bão Sơn Tinh, gió mạnh cấp 12, giật cấp 13-14), tức là lớn hơn so với dự báo. Rõ ràng, đây cũng là cơn bão rất lớn”- ông Dụng nói.

Cũng theo ông Dụng, cơn bão này như cơ quan dự báo nhận định, đúng là di chuyển nhanh. Ông nói: “Nhưng đặc biệt ở chỗ, khi bão tiếp cận bờ, sức gió càng mạnh lên. Chúng tôi theo dõi thấy bão hoành hành trên bờ rất lâu. Từ khoảng 21 giờ ngày 27 đến 3 giờ ngày 28/7, như vậy thời gian bão càn quét phá hại tới 6-7 tiếng”.

Hiện Thái Bình có diện tích lúa bị ngập úng hơn 50.000 ha (trong tổng diện tích 80.000 ha); 8.000 hoa màu bị giập nát; diện tích cây ăn quả đổ, hư hỏng 7.500 ha, chủ yếu là cây chuối, nhãn. Dự kiến, khoảng 15.000 ha lúa mới cấy bị mất trắng, phải cấy lại.

Trong khi đó tại Nam Định, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định cho rằng, các cơ quan dự báo đã rất nỗ lực, “Tuy nhiên do công nghệ chưa theo kịp so với tính chất của biến đổi khí hậu, và bão không theo quy luật nào. Cơn bão vừa rồi, lượng mưa thì được dự báo tương đối chuẩn, nhưng sức gió thì dự báo chưa chính xác lắm”- ông Hoan nói.

Cảnh báo sớm sẽ chuẩn bị tốt hơn

Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên, cho biết bão số 1 quật gãy ngang thân hơn 1.100 ha chuối, khoảng 1.000ha nhãn đang mùa thu hoạch bị thiệt hại khoảng 30-40%... “Lứa chuối tiêu này phục vụ Tết sắp tới xem như đi đứt”- ông Doanh tiếc nuối.

Về dự báo, ông Doanh cho biết, khoảng 10 giờ ngày 27/7, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai mới gửi tin nhắn cảnh báo, như vậy là hơi muộn vì dự báo hướng đi ban đầu chưa được chuẩn lắm. “Nếu được cảnh báo sớm 2-3 ngày trước, chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt hơn. Hưng Yên, không phải tâm bão, nhưng cũng ảnh hưởng trực tiếp của bão”- ông Doanh nói.

Trong khi đó, tại Thủ đô Hà Nội, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Đê điều và Phòng chống thiên tai cho rằng: “Về cấp độ dự báo nhìn chung không sai, nhưng đường đi có thay đổi. Lúc đầu dự báo bão đi phía Hải Phòng-Quảng Ninh, nhưng sau hạ thấp xuống Nam Định, Ninh Bình và kể cả Hà Nội cũng bị quét khá nặng”.

Theo ông Thịnh, gió có giật cấp 8-9 ở Hà Nội, là cấp khá mạnh, ít gặp ở Thủ đô. Nguy hiểm là bão đi chậm, luẩn quẩn, nên gây thiệt hại lớn. Tại Hà Nội, bão số 1 đã làm đổ hơn 15.000 cây, trong đó, khu vực nội thành hơn 3.000 cây, còn lại ở ngoại thành.

Hơn 2.400 nóc nhà bị tốc mái, 38 nhà hư hỏng, có tới 8 nhà bị sập. Tuy nhiên, hệ thống điện lực thiệt hại nặng, tới 144 lộ trung thế chính bị hư hỏng; trên 66 trạm bị sự cố nhảy áp, hơn 500 cột điện các loại bị gẫy đổ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, thực tế khoảng 21-22h ngày 27/7, tâm bão số 1 đã đi vào đất liền thuộc địa phận tỉnh Nam Định, sau đó chuyển hướng lên phía Tây Bắc, hướng về các tỉnh phía tây Bắc bộ.

Ninh Bình, thiệt hại oan

Chiều 29/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đinh Văn Điến – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, cơn bão số 1 đã khiến 9.000 ngôi nhà trên toàn tỉnh bị tốc mái, hư hỏng nặng. Toàn tỉnh bị mất điện, trong đó có 185 cột trung thế và trên 1.000 cột hạ thế bị gãy liên quan đến lưới điện trung áp 22KV và 10KV, hiện vẫn chưa khắc phục xong. Bên cạnh đó, hơn 36.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Nhiều nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn), Khánh Phú (Yên Khánh)… bị tốc mái.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho rằng, thiệt hại trên ngoài lý do người dân chủ quan còn có nguyên nhân dự báo không chính xác, các thông tin truyền tải đến người dân không đúng với thực tế cơn bão.

Minh Đức

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/cong-nghe/bao-so-1-vao-bo-manh-hon-du-bao-1033169.tpo