Bảo quản rau quả sau thu hoạch:Cần những giải pháp hợp lý

(HNM) - Bảo quản hoa quả sau thu hoạch là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ xuất khẩu. Nhưng hiện nay, đa số nông dân và các cơ sở sản xuất, thu mua đều thu hoạch và mua bán rau quả theo tập quán, không có quy trình bảo quản sau thu hoạch.

Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm, làm hạn chế khả năng xuất khẩu của trái cây Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề được đặt ra trong hội nghị đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển cây ăn quả do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức. Công nghệ, cơ sở vật chất yếu và thiếu Theo Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thế mạnh của Việt Nam là có nhiều loại rau quả rất ngon, nhu cầu thị trường nước ngoài rất lớn nên rất có điều kiện xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam hiện đang vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Khó khăn lớn nhất là các nước nhập khẩu thường xuyên yêu cầu phải cung cấp đủ số lượng và chất lượng trong khi các nhà cung ứng của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là khâu thu hái, bảo quản sau thu hoạch của ta còn yếu kém. Công nghệ sau thu hoạch như xử lý, bảo quản, vận chuyển còn lạc hậu, cơ sở vật chất kèm theo như kho lạnh chuyên dùng, thiết bị rửa, phân loại, xử lý, buồng ủ chín… ít được các doanh nghiệp đầu tư. Mặt khác, sản xuất cây ăn quả của nước ta chủ yếu theo quy mô nhỏ (vườn hộ gia đình) nên phần lớn chưa ứng dụng kỹ thuật cơ khí vào thu hái, lựa chọn và bảo quản. Hiện nay, mới chỉ có 10% lượng vải quả và nhãn được đưa vào chế biến nhưng do chưa có công nghệ và cơ sở vật chất thích hợp nên tỷ lệ tổn thất tới 25-30%. Một số loại quả như chuối, vải, nhãn được sấy khô, tuy đã kéo dài thời gian sử dụng nhưng không giữ được hương vị tự nhiên. Do tỷ lệ áp dụng kỹ thuật thu hái, phân loại bảo quản còn thấp, kỹ thuật bảo quản mới chỉ dừng lại ở việc đóng gói bao bì và lưu giữ tại cảng bằng các kho mát chuyên dùng, kỹ thuật bảo quản còn lạc hậu nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, khiến xuất khẩu quả tươi bị hạn chế... Thiếu các vùng nguyên liệu an toàn Theo TS Hoàng Lệ Hằng, Phó trưởng Bộ môn Bảo quản, chế biến (Viện Nghiên cứu rau quả), khâu bảo quản sau thu hoạch theo đúng quy trình tùy thuộc rất lớn vào nguyên liệu đầu vào. Nếu hoa quả không tươi ngay từ khâu thu hoạch thì dù công nghệ bảo quản có tốt đến đâu cũng khó đối với các nhà nhập khẩu. Thời gian qua, việc quy hoạch các vùng nguyên liệu an toàn phục vụ xuất khẩu rau quả chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của khách hàng. Tại miền Bắc, quy mô vùng nguyên liệu mới chỉ được thành hình ở một số tỉnh nhưng nhỏ lẻ, manh mún như vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) chỉ vẻn vẹn 2.500/18.500ha quy hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP, nhãn lồng Hưng Yên cũng chỉ khoảng 10% diện tích bảo đảm theo tiêu chuẩn vùng nguyên liệu an toàn... Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ, nhất là xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, người nông dân hoàn toàn bị động về thông tin thị trường, nhiều khi thu hoạch trúng mùa nhưng lại bị thương lái ép giá nên lợi nhuận không cao. Điều đó đã làm giảm khả năng tái đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và giảm khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm hoa quả của người nông dân. Mặt khác, đa số hộ nông dân chưa áp dụng rộng rãi hệ thống thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong quá trình sản xuất nên hiệu quả sản xuất thấp. Cho đến nay, ở miền Nam chỉ có một vài cơ sở sản xuất thanh long được cấp giấy chứng nhận của EuroGAP. Đặc biệt, việc sử dụng hóa chất bảo quản hiện nay vẫn chủ yếu là các chất chống thối mốc, chống nảy mầm nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ, khiến người tiêu dùng không yên tâm. Cần những giải pháp hợp lý Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, do quá trình bảo quản còn kém nên có sự sụt giảm đáng kể về chất lượng (tỉ lệ lên đến 20% so với giá trị sản phẩm). Vì vậy, yếu tố quan trọng đặt ra đối với ngành rau quả Việt Nam là triển khai đồng bộ các giải pháp: quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị từ khâu thu hái đến khâu bảo quản. Trước mắt, cần xây dựng hệ thống bảo quản, dự trữ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm chất lượng rau quả và làm giảm tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra, các thiết bị lưu chuyển hoa quả trên thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu, châu Mỹ... cũng cần được tăng cường để bảo đảm chất lượng tốt sau một chặng đường dài vận chuyển. Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, Viện đã nhiều lần kiến nghị về việc xây dựng các kho bảo quản mát tại khu vực trung chuyển, các cửa khẩu nhằm bảo quản tạm thời hàng nông sản khi bị ách tắc, nhưng thực tế việc xây dựng các kho này vẫn còn đang rất khó khăn. Theo TS Hoàng Lệ Hằng, xây kho bảo quản chỉ là liệu pháp tạm thời, về lâu dài, muốn cho hoa quả trong nước xuất khẩu với chiến lược lâu dài và ổn định, quy mô lớn thì việc quy hoạch vùng nguyên liệu phải được thực hiện sớm, có như vậy công tác bảo quản mới đạt theo đúng quy trình chất lượng. Theo Cục Chế biến, thương mại nông- lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT): Cần nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng các công nghệ bảo quản hoa quả tiên tiến, hiện đại như bảo quản mát, bảo quản trong môi trường khí quyển cải biến, chiếu xạ… nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản, vận chuyển đi xa và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ lạnh, chiên sấy chân không… Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thì cần tập trung đầu tư công nghệ sau thu hoạch, nhất là các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển trái cây. Trong đó, ưu tiên cho đầu tư các thiết bị chế biến và bảo quản hoa quả, kho lạnh, xe lạnh, thiết bị xử lý nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong quả để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/42/213199/