Báo nợ khách hàng dù chưa kích hoạt thẻ: Truy trách nhiệm Citibank

Việc "không nói đúng sự thật" về giao dịch mở thẻ với chị Trang của nhân viên ngân hàng Citibank có thể được coi là hành vi cố tình “ bẫy” khách hàng.

Liên quan đến vụ việc nhân viên ngân hàng Citibank lấy lý do “chạy” doanh số, rồi "không nói đúng sự thật" về giao dịch mở thẻ để cố tình nài nỉ khách hàng Nguyễn Thị Minh Trang (Hà Nội) làm thẻ ghi nợ, và khi chủ tài khoản chưa hề kích hoạt thẻ thì đã bị ngân hàng báo nợ 1,1 triệu đồng, Kiến Thức đã trao đổi với Luật sư Quản Văn Hào - Công ty Luật TNHH An Nam về trách nhiệm của Citibank trong vụ việc này.

Hành vi lừa dối trong giao dịch làm thẻ với khách hàng của nhân viên ngân hàng Citibank có thể được coi là hành vi cố tình “ bẫy” khách hàng.

Chia sẻ với Kiến Thức, luật sư Quản Văn Hào nhận định, việc "không nói đúng sự thật" về giao dịch mở thẻ với chị Trang của nhân viên ngân hàng Citibank có thể được coi là hành vi cố tình “ bẫy” khách hàng, bởi mục đích kí được hợp đồng làm thẻ với khách hàng, nhân viên ngân hàng đã cố ý tư vấn không đúng về việc làm thẻ cho khách hàng khiến cho khách hàng hiểu sai là làm thẻ không mất 1 khoản phí nào và đã đồng ý làm thẻ. Đây được coi là hành vi trái pháp luật nên giao dịch hợp đồng làm thẻ này vô hiệu.

Cụ thể, luật sư Hào phân tích, giao dịch làm hợp đồng làm thẻ giữa chị Trang và nhân viên Citibank là giao dịch dân sự được thực hiện bởi ý chí giữa hai bên. Mà theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào. Lừa dối, đe dọa là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba trong quan hệ dân sự vi phạm nguyên tắc cơ bản trong quan hệ dân sự.

Mặt khác, Điều 132 quy định “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”. Như vậy, hành vi của nhân viên ngân hàng Citibank ở đây là tư vấn không đúng về việc làm thẻ và nói là không mất một khoản phí nào khi làm thẻ bị coi là hành vi lừa dối trong giao dịch để hợp đồng đó được xác lập.

Do đó, giao dịch hợp đồng làm thẻ giữa chị Trang với ngân hàng Citibank là vô hiệu và hợp đồng này không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của chị Trang là phải nộp khoản phí Dư nợ 1.100.000 đồng mà ngân hàng thông báo đến tài khoản chị Trang. Nếu chị Trang đã nộp số tiền này vào tài khoản thì ngân hàng có nghĩa vụ trả lại số tiền mà chị Trang đã thanh toán cho ngân hàng.

Như Kiến Thức đã đưa tin, vào cuối tháng 8/2016, có một số nhân viên Ngân hàng Citibank sang công ty chị Nguyễn Thị Minh Trang (Hà Nội) để tư vấn làm thẻ vay nợ. Ban đầu, do không có nhu cầu sử dụng dịch vụ thẻ vay nợ, chị không làm. Thế nhưng, lấy lý do chạy cho đủ doanh số, nhân viên ngân hàng Citibank đã vào tận chỗ bàn làm việc của chị trang năn nỉ ỉ ôi nhờ giúp đỡ, đồng thời khẳng định khách hàng sẽ không mất gì nếu không kích hoạt thẻ sẽ và được được miễn phí phí thường niên.

Nghĩ thương các bạn nhân viên mới đi làm, chị Trang đã kí vào hợp đồng làm thẻ để bạn ấy có doanh số.

Bẵng đi một thời gian, bỗng nhiên một ngày chị Trang nhận được 2 cái thẻ và thông báo dư nợ phí làm 2 cái thẻ này là 1.100.000 đồng trong khi chị chưa từng kích hoạt thẻ khiến chị vô cùng bức xúc.

Phía Ngân hàng Citibank trả lời thế nào về vụ việc này, Kiến Thức tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/tien-vang/bao-no-khach-hang-du-chua-kich-hoat-the-truy-trach-nhiem-citibank-775603.html