Bao nhiêu % công chức nâng niu, trân trọng hồ sơ của công dân, doanh nghiệp?

Nêu ra câu hỏi trên tại phiên thảo luận trong sáng 3/11, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) để cập đến hai vấn đề mà theo ông là vấn đề khó, gai góc, là nguyên nhân, hạn chế chung của nhiều lĩnh vực.

Nhìn lại đất nước sau 10 tháng, từ cá nhân mình cùng với ý kiến các ĐB, ĐB Hiểu bày tỏ sự yên tâm về tinh thần đổi mới toàn diện và đồng bộ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, của Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, tranh luận và hành động, của Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân đang thấm dần vào nghị trường, vào hành động của Chính phủ đến các ngành và các địa phương. Cử tri và nhân dân cả nước đang tin tưởng và kỳ vọng vào sự đổi mới mạnh mẽ của đất nước, trong đó có hai đầu tàu là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh - những con chim đầu đàn, tạo cảm hứng cho nhiều địa phương trong cả nước.

Để triển khai có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, ĐB đề nghị QH, Chính phủ quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát thật tốt hai vấn đề là con người và thể chế. Theo ĐB thì đó là những "điểm nghẽn, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân kìm hãm, làm chậm quá trình phát triển của đất nước”.

Trong các nguyên nhân của hạn chế tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đều đề cập đến nguyên nhân từ bộ máy và con người. Đây là vấn đề lớn, cần báo cáo, mổ xẻ, làm sâu sắc hơn để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

"Việc bố trí, sắp xếp, phân công không ít cán bộ trong các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp không phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sở trường. Đây là vấn đề cần khắc phục sớm với quyết tâm chính trị cao, cách làm khoa học và bài bản, chặt chẽ và quyết liệt.

Một số cán bộ công chức không yếu về năng lực, trình độ, thậm chí so với công chức trong khu vực, nhưng lại kém về phẩm chất đạo đức và tinh thần, trách nhiệm.

Thử hỏi cả nước có bao nhiêu % công chức các cấp khi cầm trên tay hồ sơ hành chính của cá nhân, của công dân, của doanh nghiệp (DN), của tổ chức để giải quyết, họ thực sự nâng niu, trân trọng và thấy đó là trách nhiệm của mình?

Liệu có bao nhiêu % trong họ thường trực một tâm niệm phải tham mưu, xử lý thật nhanh, thật đúng để công dân kịp thời giải quyết công việc cá nhân và gia đình họ; để DN sớm đi vào hoạt động, ăn nên làm ra, giải quyết việc làm và nộp thuế cho Nhà nước. Hay họ tìm cớ gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm cho nhiều DN, công dân ngại ngần, sợ hãi khi phải tiếp cận các thủ tục hành chính của Nhà nước dân chủ.

Đây là vấn đề không cá biệt ở các cấp, các ngành, các địa phương. Quốc hội, Chính phủ không có con số thống kê nhưng nhiều công dân, doanh nghiệp không làm nhiệm vụ thống kê, thậm chí không hiểu về khoa học thống kê lại có thể có những con số khá chính xác về thực trạng này” - ĐB nêu 3 vấn đề lớn liên quan đến nhân tố con người mà QH và Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới.

Đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 26 và Chỉ thị này đang đi vào đời sống, tuy nhiên, theo ĐB, ở cấp cơ sở, ở các cơ quan đơn vị trực tiếp giải quyết các vấn đề của DN, của người dân, nếu người đứng đầu không nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt và làm gương, sợ Chỉ thị không đi đến đoạn cuối cùng của con đường cần đến khiến người dân, DN lại tiếp tục kêu ca...

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội)

Về vấn đề thể chế, đất nước còn nhiều văn bản pháp luật chất lượng không cao, hiệu lực ngắn, xung đột, chồng chéo với các văn bản khác trong hệ thống khó đi vào đời sống. Một số văn bản khác trói buộc, kìm hãm sự phát triển của DN và sức sáng tạo của nhân dân.

ĐB Ngọ Duy Hiểu thẳng thắn nêu: "Có cả những văn bản, doanh nghiệp và cử tri kêu ca là thể hiện rõ sự trục lợi và lợi ích nhóm, ôm quyền và lợi ích về mình nhưng đẩy khó khăn, trách nhiệm cho địa phương, cho cơ sở.

Một xã hội khởi nghiệp, sáng tạo thật khó sinh sôi và phát triển trong một môi trường pháp lý như vậy. Ngay từ những phiên họp đầu tiên của Chính phủ, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo các nghị định để trình Chính phủ, khắc phục bệnh kinh niên nợ văn bản, luật ra nhưng không đi vào đời sống.

Sau hơn nửa năm, căn bệnh này đã được khắc phục. Kết quả này được duy trì và được cộng đồng DN đánh giá cao. Quan tâm, quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng là vậy, nhưng chúng tôi vẫn không hết nỗi lo về vấn đề thể chế. Ở một số bộ, Bộ trưởng thì quan tâm nhưng cấp dưới thì không chú trọng việc xây dựng hệ thống các thông tư, nghị định.

Có bộ chưa chọn những cán bộ giỏi, am tường, nhiều kinh nghiệm trực tiếp tham gia xây dựng văn bản, chính sách. Số cán bộ này dành thời gian tham gia các dự án, đi công tác nước ngoài hay thực hiện những công việc khác. Họ "dành" việc xây dựng văn bản, chính sách cho các chuyên viên, thậm chí cho cả những chuyên viên mới về bộ công tác được vài ba năm.

Hệ quả là hệ thống pháp luật của nước ta chưa thực sự là hành lang pháp lý để quản lý xã hội, để khơi sức sáng tạo, để thúc đẩy phát triển, để xây dựng thói quen tôn trọng pháp luật cho tất cả mọi người dân

Hoàn thiện thể chế, ngăn chặn sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/853904/bao-nhieu--cong-chuc-nang-niu-tran-trong-ho-so-cua-cong-dan-doanh-nghiep