Báo Mỹ: Hợp tác với Nga tại Syria là tự sát

Giới chuyên gia Mỹ đưa ra nhiều lập luận phản đối ý tưởng hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, coi đây là hành động tự sát.

Gánh nặng siêu cường

Trang mạng foreignpolicy.com của Mỹ vừa có bài phân tích cho rằng việc thỏa thuận hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ là một thảm họa đối với an ninh và tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn trở thành một đối tác của Nga tại Syria. Một trong những ý tưởng chính sách đối ngoại được bày tỏ nhất quán nhất của ông Trump, cả trong chiến dịch tranh cử và hiện tại kể từ khi đắc cử, là việc Mỹ và Nga là những đồng minh chống khủng bố tự nhiên, và rằng nơi hiển nhiên để bắt đầu sự hợp tác như vậy là tại Syria.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền hình Fox, ông Trump nói: “Tốt hơn là nên hòa thuận với Nga và nếu Nga giúp chúng ta trong cuộc chiến chống IS, vốn đang là một cuộc chiến lớn, và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo trên toàn thế giới cũng là một cuộc chiến lớn, thì đó là điều tốt”.

Quan điểm của ông Trump về điểm này không phải là mới. Nhưng trong thời gian vừa qua, đã có những gợi ý được lặp lại nhiều lần rằng sự hợp tác như vậy có thể chỉ đơn giản là một phần trong “cuộc đại thương lượng” lớn hơn giữa Nga và Mỹ, trong đó Moskva nhất trí tăng cường hợp tác trong các hoạt động chống khủng bố và chống IS, và Washington hủy bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan đến Ukraine.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết quyết định của Chính quyền Trump về các biện pháp trừng phạt sẽ phụ thuộc vào việc liệu “chúng tôi có nhận thấy sự thay đổi nào đó trong tư thế của Nga và có lẽ là cơ hội hợp tác vì lợi ích chung hay không”, bao gồm cả cuộc chiến chống IS.

Ý tưởng này hoàn toàn khớp với các chủ đề toàn diện trong chiến lược lớn của ông Trump mà theo giới phân tích Mỹ là ý tưởng muốn các nước khác hành động nhiều hơn nữa trên thế giới để cho Mỹ có thể trút bỏ một số gánh nặng của một nước siêu cường.

Tuy nhiên, Foreign Policy cảnh báo việc “cùng hội cùng thuyền” với Nga tại Syria là một đề xuất thiếu cân nhắc và có khả năng gây nguy hiểm. Việc đánh đổi các biện pháp trừng phạt liên quan đến Ukraine lấy sự hợp tác này thậm chí sẽ là một ý tưởng còn tồi tệ hơn.

Hợp tác là đồng lõa?

Để lý giải cho lời cảnh báo trên, giới phân tích Mỹ cho rằng trái với những gì ông Trump thường khẳng định, thực tế là chiến dịch quân sự của Nga ở Syria chưa bao giờ nhằm mục đích chống khủng bố. Mục tiêu bao trùm của nó, và cũng là mục tiêu nó đã đạt được tương đối thành công, là củng cố chế độ Assad nắm quyền và từ đó bảo vệ vị trí chiến lược của Nga ở Syria và vùng Trung Đông rộng lớn hơn.

Máy bay chiến đấu Nga "tung hoành" tại Syria

Điều này có nghĩa là đại đa số các cuộc không kích và các hoạt động khác của Nga không nhắm mục tiêu vào các nhóm cực đoan, dù là IS hay Mặt trận Nusra (một nhánh của al-Qaeda ở Syria, hiện đang tự xưng là Jabhat Fatah al-Sham).

Phía Mỹ cáo buộc kể từ khi Nga bắt đầu can thiệp vào tháng 9/2015, có tới 85-90% các cuộc không kích của Nga là nhằm vào phe đối lập mà Mỹ gọi là “ôn hòa”.

Giới phân tích Mỹ cũng lý luận rằng hợp tác với Nga cũng có khả năng đồng nghĩa với việc liên minh với chính phủ Syria hiện nay mà Mỹ cáo buộc chịu trách nhiệm cho thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21. Điều này được cho là sẽ chỉ thúc đẩy hơn nữa chủ nghĩa cực đoan nhằm vào Mỹ trong dài hạn. Một nguy cơ nữa được chỉ ra là khả năng các đồng minh Trung Đông mà Mỹ cần trong cuộc chiến chống IS sẽ xa rời họ.

Nếu ông Trump muốn đẩy mạnh chiến dịch chống IS, ông sẽ cần Saudi Arabia, các nền quân chủ khác ở Vịnh Persian, và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường các nỗ lực của riêng mình. Vấn đề là nhiều nước trong khu vực không “ưa” ông Assad và đang hỗ trợ các lực lượng đối lập Syria trong vài năm qua. Nếu Mỹ hợp lực một cách hiệu quả với Putin và Assad ở Syria, Mỹ sẽ có nguy cơ làm suy yếu sự hợp tác với các đối tác Trung Đông này.

Mỹ cùng nhiều nước trong khu vực huấn luyện và bảo trợ các nhóm nổi dậy ở Syria

Nếu các nhóm đối lập Syria “ôn hòa” còn lại nhận thấy rằng Mỹ đã bỏ rơi họ và về phe với Moskva, họ sẽ không còn động lực để chống lại việc liên kết với Al-Nusra và những nhóm cực đoan khác. Kết quả là Al-Nusra và các nhóm cực đoan khác đó sẽ trở nên đan cài thậm chí còn sâu sắc hơn nữa trong cơ cấu của phe đối lập Syria so với hiện nay, và đem lại cho họ đòn bẩy chính trị và quân sự lớn hơn trong tương lai.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-my-hop-tac-voi-nga-tai-syria-la-tu-sat-3329885/