Báo Mỹ chê tả tơi hải quân Nga

Nga triển khai tàu sân bay Kuznetsov tới Syria để phô trương sức mạnh nhưng lại làm bộc lộ nhiều điểm yếu của hải quân nước này.

Chỉ để phô trương

Tờ The Wall Street Journal của Mỹ vừa có bài viết cho rằng hành động triển khai tàu chiến để hỗ trợ Syria đã làm bộc lộ những điểm yếu trong các hoạt động của tàu sân bay và lực lượng hải quân của Nga.

Theo tờ báo Mỹ, Nga triển khai một đội tàu chiến ở Địa Trung Hải là nhằm phô trương sức mạnh và cũng là để ủng hộ chính quyền Syria. Tuy nhiên, việc triển khai này cũng làm bộc lộ những hạn chế của lực lượng quân sự Nga.

Đài truyền hình quốc gia của Nga đã cho đăng tải hình ảnh các máy bay ném bom cất cánh từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Đây là dịp giới quan sát nước ngoài có cơ hội được quan sát một trong những loại vũ khí xuất khẩu quan trọng nhất của Nga hoạt động, máy bay chiến đấu MiG-29.

Hình ảnh tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trên Địa Trung Hải do Nga công bố

Bài báo dẫn lời các quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đánh giá tàu sân bay Kuznetsov với tuổi thọ 1/4 thế kỷ không có hệ thống phóng máy bay mạnh như của các tàu sân bay của Mỹ, nên các máy bay của Nga phải mang một khối lượng vũ khí nhẹ hơn và ít nhiên liệu hơn.

Bên cạnh đó, việc thiếu các phi công được huấn luyện tốt, có khả năng cất cánh và hạ cánh trên biển cũng khiến tàu có ít các phi công hơn. Moskva đã bị mất một máy bay MiG-29 trong chuyến bay huấn luyện hạ cánh xuống tàu sân bay trong tháng này.

Chuyên gia Eric Wertheim nhận xét: “Những năm gần đây, Hải quân Nga chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong các cuộc chiến thực sự”

Mỹ và các nước phương Tây khác đã kịch liệt lên án việc các máy bay của Nga không kích các nhóm nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Syria và các vụ tấn công của Nga vào thành phố Aleppo đang bị bao vây.

MiG-29K của Nga

Giới quân sự Nga chưa công khai thông báo tàu Kuznetsov có tham gia cuộc tấn công Aleppo hay không, mặc dù các quan chức hàng đầu NATO cho rằng đó là mục tiêu cơ bản của việc triển khai tàu này. Nga hiện có nhiều máy bay bố trí tại căn cứ không quân ở Syria.

Các quan chức phương Tây coi hoạt động của tàu Kuznetsov cùng với những tuyên bố mới đây rằng Nga sẽ bố trí lâu dài các tên lửa Iskander ở vùng Kalingrad là một phần trong chiến lược tấn công hai hướng của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh ông Donald Trump vừa thắng cử Tổng thống Mỹ.

Một quan chức phương Tây được bài báo dẫn lời nói: “Họ đang chơi trò hai mặt. Một mặt, họ có những thông điệp cởi mở về việc nối lại quan hệ, đối thoại và thảo luận. Mặt khác, trên thực tế, họ đang tìm cách đề phòng trường hợp chính quyền của ông Trump trong tương lai tiếp tục chống Nga”.

Các chuyên gia hải quân và quan chức quân sự phương Tây cho rằng người Nga có ít kinh nghiệm trong việc triển khai chiến đấu lâu dài. Đội tàu Nga cũng gặp khó khăn về mặt hậu cần. Theo các nhà phân tích quân sự, Moscow đã từ bỏ nỗ lực tiếp nhiên liệu tại khu vực Ceuta ở Bắc Phi của Tây Ban Nha.

Tàu sân bay Kuznetsov của Nga quá cũ kỹ?

Hiện Nga đã thử khả năng phóng và khôi phục các máy bay ngay trên boong tàu Kuznetsov trong các điều kiện chiến đấu thực sự, một kỹ thuật khó đối với các phi công, nhất là khi thực hiện vào ban đêm hay ở các vùng biển khắc nghiệt.

Theo ông Wertheim, Hải quân Nga có cơ hội “rũ bỏ những han gỉ trong kinh nghiệm và thiết bị, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng” trong chiến dịch Syria.

Norman Polmar, nhà phân tích hải quân và là người đã nghiên cứu về Hải quân Nga và Liên Xô cũ, nhận xét: “Hải quân đã phất cờ tiên phong và được chú ý tới. Việc triển khai tàu sân bay Kuznetsov đã làm tăng uy thế của Hải quân”.

Tuy nhiên, ông Polmar cho rằng Hải quân Nga hạn chế hơn nếu so sánh với Hải quân Mỹ trong việc tiến hành các chiến dịch không quân, hải quân và tàu sân bay. Ông nói thêm rằng các phi công Nga sẽ duy trì khả năng chiến đấu “một cách rất khó khăn” sau khi tàu Kuznetsov bước vào giai đoạn đại tu và tân trang lớn, được dự đoán sẽ diễn ra sau chiến dịch Syria.

Theo The Wall Street Journal, NATO vẫn giám sát chặt chẽ đội tàu của Nga thông qua các tàu mặt nước của Na Uy, Anh và Tây Ban Nha cùng một tàu ngầm Hà Lan. Theo một quan chức Anh, một tàu chiến của Anh và một tàu khu trục đi sau nhóm tàu chiến này, giữ một khoảng cách đủ gần để có thể ngăn chặn tàu sân bay Nga tiến hành một số nhiệm vụ huấn luyện.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/bao-my-che-ta-toi-hai-quan-nga-3324014/