Báo Mỹ: Armata chưa thể trở thành lực lượng chủ lực?

Mặc dù đã trang bị siêu tăng Armata nhưng ít nhất trong 10 năm tới Nga chưa thể trang bị số lượng lớn và nâng cấp hoàn toàn các phiên bản cũ.

Trong những năm gần đây siêu tăng mới của Nga T-14 “Armata” nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nước trên thế giới.

Với sức mạnh vượt trội chúng được đánh giá sẽ trở thành thành phần quan trọng và chiếm đa số trong lực lượng tăng thiết giáp.

Tuy nhiên vì vấn đề kinh tế các đơn vị xe tăng của quân đội Nga hiện tại phần lớn sử dụng những loại xe tăng cũ và quen thuộc trước đây, chúng xuất hiện từ những năm 1980 và thậm chí sớm hơn nữa.

Siêu tăng T-14 Armata là một loại xe tăng chủ lực thế hệ thứ tư của Nga chính thức trang bị từ năm 2016 và được đánh giá là loại xe tăng hiện đại và tốt nhất trên thế giới vào thời điểm hiện tại.

Tại thời điểm này, trong quân đội Nga có khoảng 2700 xe tăng. Chúng được phân bố ở 36 lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập, lữ đoàn tăng thiết giáp và 4 sư đoàn bộ binh cơ giới, sư đoàn tăng thiết giáp.

Một đơn vị mới được thành lập của lục quân Nga là các tiểu đoàn chiến thuật tăng cường cho đơn vị binh chủng hợp thành, có khả năng tác chiến độc lập, bao gồm 4 đại đội tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới, cũng như các đơn vị pháo binh, trinh sát, kỹ thuật, rà phá bom mìn và hậu cần.

Trong mỗi lữ đoàn hoặc trung đoàn chiến đấu của Nga sẽ có 2 nhóm tiểu đoàn chiến thuật này.

Thành phần chính trong các đơn vị xe tăng của Nga chủ yếu là dòng xe tăng T-72, T-80 và T-90.

Phiên bản T-72 lâu đời nhất có độ tuổi trên 30 năm. T-80 “trẻ hơn” một chút bởi nó được xây dựng vào cuối cuộc Chiến tranh Lạnh. Xe tăng mới nhất đó là T-90, chúng là phiên bản hiện đại hóa sâu của T-72.

T-72 được đưa vào trong lực lượng vũ trang năm 1973 đã ra một cú sốc lớn với các nước NATO. Đây là chiếc xe tăng có kiểu dáng khá khiêm tốn nhưng được trang bị vũ khí mới có uy lực cao và có bộ giáp vững chắc.

Chúng có sức mạnh lớn hơn nhiều so với chiếc xe tăng T-62. Loại pháo 2A46M trang bị cho chúng có cỡ nòng 125 mm, có thể thực hiện 8 lần bắn mỗi phút, nạp đạn tự động. Động cơ diesel có sức mạnh 780 mã lực cho phép chiếc xe tăng đạt tốc độ 60km/h.

T-72 có lớp giáp thay đổi tùy theo phiên bản. Nhưng cơ bản lớp giáp của T-72 bảo vệ tốt hơn so với các loại xe tăng hiện đại ngày này của các quốc gia khác. Các phiên bản cao cấp như T-72A, T-72B có lớp giáp bằng vật liệu composite và các lớp giáp bảo vệ 2 bên sườn xe.

Giáp trước tháp pháo trên mẫu T-72 Ural, T-72M và T-72M1 (phiên bản xuất khẩu của T-72) là thép đúc liền khối, dày khoảng 380 mm thép. Trong phiên bản mới hơn T-72B1, lớp giáp bảo vệ cho phép giảm 50% sức xuyên phá của đạn nổ lõm.

Sự xuất hiện của loại giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ thứ 1 có tên “Kontakt-1” cho phép tăng khả năng sống sót của xe tăng lên 2 lần, còn đối với lớp giáp thuộc thế hệ thứ hai là “Kontakt-5” cho phép chống được các loại tên lửa chống tăng hạng nặng ATGM TOW.

T-72 là chiếc xe tăng chủ lực trong quân đội của Liên Xô cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và được xuất khẩu với số lượng lớn ở 12 quốc gia, trong đó có Syria và Iraq.

Hiện nay các thế hệ xe tăng hiện đại T-72B3 được trang bị rất hiện đại. Chúng được trang bị lớp giáp phản ứng nổ mới nhất “Kontakt-5”, bảo vệ chúng khỏi các loại đạn xuyên lõm.

Pháo trên xe tăng có thể bắn tên lửa 9M119 “Refles” và cơ số đạn được tăng từ 39 lên 45.

Trong tương lai, T-72B3 sẽ tiếp tục được cải tiến và sẽ được trang bị hệ thống tự động bám mục tiêu, điều khiển hỏa lực giống như trên siêu tăng “Armata” và lớp giáp phản ứng nổ thế hệ thứ 3 “Relikt” , động cơ diesel mới.

Ngoài T-72, Lục quân Nga còn trang bị T-80. Nhìn bề ngoài, chúng rất giống T-72, cùng có pháo 2A46M.

Nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa chúng, pháo trên T-80 có thể bắn đạn xuyên lõm 9M112 “Cobra”, có tầm bắn 4 km và có khả năng xuyên giáp dày đến 700 mm. T-80 có kích thước lớn hơn và sử dụng động cơ tua bin khí đa nhiên liệu có sức mạnh 1250 mã lực, cho phép chúng cơ động linh hoạt hơn.

Trong Lục quân Nga hiện nay có khoảng 550 chiếc tăng T-80 sẽ được nâng cấp lên T-80BV. Phiên bản T-80BV phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh của vùng Viễn Đông, Siberia và Bắc Cực.

Đến năm 1993 Nga đã trang bị cho mình loại tăng mới T-90. Thực tế đây là phiên bản hiện đại hóa sâu của T-72B nhưng nó được thiết kế như một chiếc tăng hoàn toàn mới. Ở nhiều khía cạnh chúng tương tự như chiếc tăng hiện đại T-72B3 và đánh dấu sự khởi đầu các dự án nâng cấp quy mô lớn T-72.

Phiên bản mới nhất T-90MS có tất cả tính năng của T-72B3 cộng với loại động cơ diesel có sức mạnh 1130 mã lực, camera hồng ngoại kiểu mới, thiết bị ngắm dành cho xạ thủ PNM Sosna-U, đại liên đồng trục 7,62 mm UDP T05BV-1 RWS, hệ thống định vị toàn cầu GLONASS.

Một trong những tính năng quan trọng nhất của T-90 đó là có lớp giáp phản ứng nổ chống đạn xuyên lõm, nhờ được bổ sung thép và vật liệu composite trong tháp pháo và thân cho phép tăng khả năng bảo vệ T-90 tốt hơn 2 lần so với T-72.

Mặc dù đã xuất hiện loại xe tăng mới nhất Armata, tuy nhiên do vấn đề kinh tế trong tương lai gần Nga khó có thể trang bị chúng với số lượng lớn.

Vì vậy để hiện đại hóa chúng hoặc thay thế các loại xe tăng thế hệ cũ bằng Armata Nga cần rất nhiều thời gian.

Ngoài ra trong thành phần các lực lượng quân đội Nga hiện nay đang sử dụng nhiều loại vũ khí lỗi thời khác với số lượng tương đối lớn. Vì vậy ít nhất trong 10 năm tới Nga vẫn tiếp tục sử dụng chúng.

Chí Huy

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/bao-my-armata-chua-the-tro-thanh-luc-luong-chu-luc-3337634/