'Bảo mẫu' của đội tuyển Olympic toán quốc tế

Trong lịch sử 43 năm tham dự kỳ thi Olympic toán quốc tế (IMO), đây là năm mà đoàn VN đoạt thành tích vang dội nhất.

Đón đoàn học sinh VN thi Olympic quốc tế về nước - Ảnh: Nghiêm Tuấn

Vinh quang thuộc về mỗi thành viên đội tuyển với sự đóng góp không nhỏ từ những người thầy của các học sinh.

Trong đó tiêu biểu là 2 lãnh đạo đoàn: PGS Lê Anh Vinh và tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình - cũng là hai cựu IMO.

Lo ăn, lo ngủ cho học sinh

Thầy Lê Bá Khánh Trình, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, bắt đầu nhận trách nhiệm lãnh đạo đoàn VN tham dự IMO từ năm 2012. Cũng năm đó, PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, được Bộ GD-ĐT đề nghị tham gia đưa đoàn đi, nhưng do trục trặc giấy tờ nên phải chậm 1 năm, từ 2013 mới làm phó đoàn cho thầy Trình.

Từ đó đến nay, hai anh em như cặp bài trùng, hằng năm thay nhau làm trưởng đoàn và phó đoàn đồng hành cùng các thành viên đội tuyển IMO VN “chinh phạt” đấu trường IMO. May thay, đó cũng là thời gian phong trào học toán của học sinh (HS) phổ thông nước nhà khởi sắc nên hai thầy được chứng kiến hết thắng lợi này đến thắng lợi khác của các đội tuyển IMO VN. Nhưng trong giới dạy HS chuyên toán thì không ít người khẳng định, hai thầy đóng góp công sức rất lớn trong chiến thắng của đội tuyển, kể từ khi bắt đầu lựa chọn và bồi dưỡng đội tuyển, cho đến khi đồng hành cùng HS trong những cuộc “đem chuông đi đánh xứ người”.

Từ 3 năm nay, thầy Vinh làm trưởng đoàn, thầy Trình làm phó đoàn. Thầy Vinh đùa: “Sang đến nơi thì tôi với thầy Minh (thầy Nguyễn Khắc Minh, chuyên viên Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, là một người từng gắn bó hàng chục năm với các đội tuyển IMO VN - PV) tách đoàn để tham gia các khâu cuối trong công đoạn làm đề. Còn thầy Trình ở lại chăm sóc các em, chúng tôi trêu là làm “bảo mẫu”, cho đến khi kết thúc ngày thi thứ hai”.

Thầy Trình giải thích: “Sở dĩ đến hết ngày thi thứ hai là bởi sau đó các em được ra ngoài, được tiếp xúc với các thầy khác trong đoàn, và đặc biệt là được ăn ngủ chơi tùy thích chứ không bị thầy Trình gò vào khuôn khổ”. Thực ra cái khuôn khổ của thầy Trình rất đơn giản, đó là phải ăn và phải ngủ.

Thầy Vinh cũng nhận xét, ưu thế nổi trội của lứa đội tuyển này là các em rất toàn diện: vừa thông minh, tài năng, vừa vững vàng về tinh thần và thể lực rất tốt. Thầy Vinh kể: “Bay từ Hà Nội sang Paris 12 tiếng. Sau đó chờ chuyến bay ở Paris 16 tiếng. Rồi lại bay từ Paris sang Rio (Brazil) 10 tiếng nữa. Vì thế, tôi rất lo các em ốm do lệch múi giờ, do thay đổi thời tiết, do sinh hoạt không ổn định. Trước khi lên đường, tôi không ngừng quán triệt các em lên máy bay là phải ngủ, không được thức chơi game và xem ti vi. May thay là các em rất ngoan, cả 2 chặng bay dài đều chấp hành kỷ luật tốt”.

Thầy Trình cũng khoe, nhờ các em rất ngoan mà thời gian làm “bảo mẫu” đội tuyển IMO của thầy khá nhàn. Trước ngày thi chính thức (17 - 18.7), hầu như các em ăn rồi là ngủ. Thầy Trình chia sẻ: “Sau ngày thi thứ nhất, em Phan Nhật Duy (THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) làm bài không tốt lắm, nên có vẻ hơi xuống tinh thần. Trông em hơi trầm trầm, đến bữa ăn cũng xuống sau các bạn. Nhưng tôi nhận thấy em vẫn rất cố gắng để ăn hết khẩu phần”. Những lúc như thế, thầy Trình lo nhất là HS xuống tinh thần trong khi vẫn còn một ngày thi nữa.

“Tôi nghe ngóng thì thấy đội Mỹ làm cũng không được tốt, nên nhẹ nhàng nói chuyện động viên an ủi các em rằng mình làm được thế là quá tốt. Quan trọng là các em còn có 3 bài nữa của ngày hôm sau, cần phải phấn chấn lên để làm tốt hơn”, thầy Trình kể.

Thầy Lê Anh Vinh (trái) và thầy Lê Bá Khánh Trình

“Đãi cát tìm vàng” để có thêm điểm

Theo thầy Lê Anh Vinh, Ban tổ chức IMO cũng quy định vai trò trách nhiệm của các trưởng, phó đoàn là phải đảm bảo việc chấm bài cho các thành viên đội của mình công bằng, chính xác nhất. Vì thế, sau 2 ngày thi, cả thầy Vinh, thầy Trình (và thầy Minh) cùng chịu trách nhiệm chấm thi. Năm nay, việc chấm bài khá thuận lợi, bởi các thầy chấm không phải thuyết minh nhiều với ban giám khảo, do HS hoặc làm trọn vẹn (được 7 điểm) hoặc không làm được, chứ không có nhiều bài làm dang dở.

Thầy Vinh cho biết: “Các năm trước cũng như năm nay, có tình huống mình phải giải thích cho người ta bởi vì một phần các cháu làm bài tâm lý căng thẳng quá, làm bài không mạch lạc, không theo logic. Có thể lúc các cháu làm hơi lộn xộn. Hoặc các cháu đã làm đến chỗ này rồi mà không nhận ra chỉ còn một bước nữa là có kết quả. Lúc đó mình phải có trách nhiệm giải thích cho người ta. Tức là sắp xếp lại logic của các bạn ấy, để ban giám khảo hiểu đúng ý HS của mình”.

Kỳ thi IMO cho phép chấm nháp nên các thầy tìm được cái ý trong nháp của HS thành ra HS lại được thêm điểm. “IMO khác kỳ thi bình thường ở chỗ họ luôn khuyến khích tìm ra tất cả cố gắng của HS để cho điểm. Họ tạo mọi cơ hội, để mọi nỗ lực của HS dự thi đều được ghi nhận”, thầy Vinh nói. Thầy Trình thì khen: “Trong việc đàm phán, thầy Vinh rất giỏi, vì tiếng Anh thầy rất tốt”.

Với tài đàm phán này mà ban giám khảo đồng ý cho bài số phương trình hàm của HS Đỗ Văn Quyết (THPT chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc) 4 điểm và bài tổ hợp của Nguyễn Cảnh Hoàng (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) được 7 điểm.

Quý Hiên - Quý Hiên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/bao-mau-cua-doi-tuyen-olympic-toan-quoc-te-859143.html