Báo mạng ấn tượng tại Giải thưởng Pulitzer 2012

Giải thưởng báo chí cao quý Pulitzer vừa vinh danh những phóng viên và các tờ báo đoạt giải trong Pulitzer Prize 2012. Điểm đặc biệt đáng chú ý trong giải thưởng năm nay là sự góp mặt của các báo mạng trong danh sách giải thưởng.

Bức ảnh đoạt giải thưởng Pulitzer của phóng viên AFP. Ảnh: AFP

Giải thưởng Pulitzer, có từ năm 1917, đã bắt đầu chấp nhận các ấn phẩm trực tuyến dự thi cách đây 3 năm. Giải Pulitzer năm nay, David Wood của báo điện tử The Huffington Post đã giành được giải thưởng quốc gia vì “những khám phá sâu sắc của anh với các thách thức trong đời sống vật chất và tình cảm” của những người lính Mỹ bị thương ở Iraq và Afghanistan.

Phóng viên quân sự cao cấp David Wood của Huffington Post đã dành hàng chục năm theo dõi và viết về các cuộc chiến tranh. Trong 8 tháng liền của năm 2011, Wood đã đưa tin liên tục về cuộc sống của những người cựu chiến binh và gia đình họ trong tác phẩm “Beyond the Battlefield” (Phía sau chiến trường), một tác phẩm dài 10 phần đã giành giải Pulitzer Prize. Giải thưởng Pulitzer của Wood đã đánh dấu giải đầu tiên trong 7 năm hoạt động của Huffington Post và là một cột mốc của báo mạng đối với giải thưởng Pulitzer.

Rem Rieder, biên tập của tờ American Journalism Review, nói rằng giải thưởng của David Wood đã cho thấy “Giải Pulitzer đã và đang có sự dịch chuyển, từ chỗ chỉ tập trung đánh giá các tác phẩm báo in. Thế giới đã thay đổi mạnh mẽ và các tờ báo điện tử đang có sự phát triển vượt bậc”.

Trong những năm gần đây, Ủy ban Pulitzer đã tôn vinh các tổ chức báo chí mới. Trong giải thưởng năm nay, ngoài Huffington Post còn có Politico, một website và là một tờ báo 5 năm tuổi, đã giành giải thưởng Pulitzer đầu tiên với tác phẩm biếm họa của phóng viên Matt Wuerker.

Việc một tờ báo điện tử giành giải thưởng thực sự đánh dấu một cột mốc trong giải thưởng báo chí cao quý Pulitzer, khi năm này qua năm khác, hầu như chỉ có những tờ báo in được ghi danh.

Giáo sư Jay Rosen cho rằng các công ty truyền thông cũng đã có những nỗ lực, đóng góp tích cực như Huffington Post. “Họ tập trung mạnh vào công nghệ, blog, bình luận và chia sẻ. Vì thế, hôm nay chúng ta xem giải thưởng Pulitzer của Huffington Post như một “chiến thắng lớn với nền truyền thông mới”, thì câu chuyện thực sự ở đây là những tổ chức báo chí - Huffington Post, New York Times, Washington Post – đang trở nên giống nhau hơn. Thuật ngữ truyền thông cũ và mới ngày càng không hợp nữa”.

Báo ProPublica trở thành tờ báo mạng đầu tiên giành giải Pulitzer cho một bài báo điều tra hồi năm 2010. Cũng trong năm 2010, phóng viên độc lập chuyên vẽ tranh châm biếm Mark Fiore đã giành giải cho các tác phẩm đăng trên trang SFGate.com. Và năm 2011, ProPublica tiếp tục giành một giải Pulitzer nữa. Trong giải thưởng năm nay, Ủy ban Giải Pulitzer cho biết báo điện tử thực sự ghi dấu ấn trong mảng tin thời sự nóng, đặc biệt ghi điểm ở việc đưa tin tốc độ và thời gian thực, và được đánh giá là “đưa tin nhanh, chính xác ngay khi sự kiện xảy ra, để rồi sau đó tiếp tục đưa thêm các thông tin mở rộng sau phần tin nhanh ban đầu”.

Trong số 14 giải Pulitzer năm nay, 9 giải thuộc về các tờ báo in truyền thống, 5 giải còn lại thì có 2 giải thuộc về hai báo điện tử HuffPo và Politico; một giải thuộc về báo tuần The Stranger; và 2 giải thuộc về hãng thông tấn AP và AFP. Đây là giải thưởng Pulitzer đầu tiên của AFP và là giải lần thứ 50 của AP.

Phóng viên Massoud Hossaini của AFP đã giành được giải thưởng cho một bức ảnh thời sự nóng bỏng trong vụ đánh bom tự tử ở Kabul ngày 6/12/2011. Ủy ban Giải thưởng Pulitzer đã tuyên bố rằng bức ảnh này đạt giải vì nó “hiển thị hình ảnh rung động đến tận trái tim người phóng viên, khi chụp bức ảnh một bé gái đang khóc thét trong nỗi sợ hãi tột cùng sau vụ đánh bom tự tử tại một ngôi miếu thờ đang tụ tập đông người ở Kabul”.

Bức ảnh của phóng viên AFP đăng ngày 7/12. Trong bức ảnh đó, cô bé gái Tarana Akbari đang thét lên sợ hãi sau khi một trái bom phát nổ tại một đám đông ở ngôi điện thờ Abul Fazel ở Kabul ngày 6/12. “Khi tôi có thể đứng dậy, tôi nhìn thấy mọi người xung quanh mình ngã vật ra đất, máu chảy đầy ở xung quanh. Tôi đã thực sự, thực sự hoảng sợ”, cô bé Tarana Akbari, khoảng 10-12 tuổi, nói.

Sig Gissler, người quản trị của Giải thưởng Pulitzer, đã gọi bức ảnh của AFP là “một bức ảnh mê hoặc, hút sự tập trung, chú ý của người xem”, và “một bức ảnh mà bạn sẽ phải nhớ mãi”.

Tổng Giám đốc của AFP, ông Emmanuel Hoog, cho biết “Ủy ban Giải thưởng Putitzer đã tôn vinh một trong những phóng viên dũng cảm và giỏi nhất của chúng tôi”. Hoog nói thêm rằng “ngày nay, trong thời đại tin tức, những bài báo, ngôn từ mà không có hình ảnh sẽ vô cùng nghèo nàn, và hình ảnh mà không có ngôn từ thì lại chưa đủ. Cả hai bổ sung cho nhau, và các hình ảnh – tĩnh hay động – đều cần thiết với báo chí trong thế kỷ 21”.

Còn phóng viên Hossaini, thường trú tại Kabul, cho biết anh “vô cùng hạnh phúc và phấn khích” khi giành được giải thưởng, đến nỗi anh không thể ngủ được. “Tôi rất vui khi là một người Afghan và có thể góp tiếng nói với đời sống đau thương và những khoảnh khắc của người dân nơi đây”, anh nói.

Bảo Bình

Tổng hợp

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thoi-su/bao-mang-an-tuong-tai-giai-thuong-pulitzer-2012/a19719.html