Bạo lực ở phụ nữ và trẻ em gái: Những con số bất ngờ

GD&TĐ - Mặc dù đã đạt được thành tựu về quyền trẻ em, bình đẳng giới nhưng qua những vụ việc xảy ra hàng ngày cho thấy quyền trẻ em, phụ nữ vẫn bị xâm hại nghiêm trọng.

Bạo lực trên cơ sở giới diễn ra ngày một phổ biến cho thấy việc bảo vệ quyền lợi cho đối tượng trên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Khi người quen là thủ phạm

Theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, hàng năm vẫn còn gần sáu triệu trẻ em bị tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được. Trẻ em ở các hộ gia đình nghèo có nguy cơ bị tử vong trước khi tròn năm tuổi cao hơn gấp hai lần so với trẻ em ở các gia đình khá giả.

Thế giới có gần 50 triệu trẻ em bị di chuyển khỏi nơi cư trú, trong đó 28 triệu em là do xung đột. Nhiều trẻ em bị mắc kẹt trong vùng bị bao vây (Syria, Iraq và Bắc Nigeria), các em có nguy cơ lớn hơn bị vi phạm quyền trẻ em, khi mà trường học, bệnh viện, nhà ở đều bị tấn công, nhiều khả năng bị xâm hại tình dục...

Bên cạnh đó, có gần 385 triệu trẻ em sống trong cảnh nghèo khó cùng cực và hơn 250 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học không được tới trường. Gần 300 triệu trẻ em sống ở vùng có không khí ngoài trời bị nhiễm độc nặng nề - cao gấp 6 lần hoặc nhiều hơn tiêu chuẩn quốc tế.

Ở Việt Nam, phần lớn trẻ em được sống trong sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội. Nhưng như vậy không có nghĩa trẻ không bị xâm hại, bóc lột. Con số được Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội đưa ra mới đây sẽ khiến nhiều người giật mình.

Trong số 322 vụ bạo lực tình dục được đưa tin trên báo từ 2011 - 2016 có 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó có những em bé chỉ mới 2 tuổi. 60% nạn nhân từ 11 - 25 tuổi, gần 5% nạn nhân trên 40 tuổi, trong đó có những cụ bà đã 85 - 86 tuổi. 32% là các vụ bạo lực kép: Nạn nhân bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, bị hành hung, thậm chí bị giết và 3,5% là các vụ cưỡng hiếp tập thể.

Điều khiến nhiều người phải giật mình là lâu nay ai cũng cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ. Các số liệu cho thấy có tới 73% thủ phạm bạo lực tình dục là người quen của nạn nhân, trong đó có 10% là cha đẻ, cha dượng.

Với vụ bạo lực thân thể, buôn bán người, người xâm hại chính là người thân trong gia đình, người yêu, người quen, thậm chí là người có uy tín, giáo viên, người nổi tiếng hay cả những người có uy tín trong hệ thống thực thi pháp luật cũng dần phổ biến. Địa điểm xảy ra bạo lực, xâm hại xảy ra tại nơi được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân.

Quyền cơ bản nhất bị xâm hại

Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội: Trong các hình thức bạo lực, bạo lực tình dục là tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em. Nó chà đạp quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm.

Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng. Còn theo bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, bạo lực tình dục xuất phát từ quan niệm của nam giới và trẻ em trai về phụ nữ và trẻ em gái.

Ai cũng biết, bạo lực tình dục dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần và cả tài chính cho nạn nhân. Nhiều nạn nhân và gia đình đã phải vật lộn với việc thay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị. Thậm chí, không ít người đã phải tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị bạo hành tình dục.

Nhưng so với các hình thức bạo lực khác, bạo lực tình dục dù ở phụ nữ hay trẻ em đều khó xác định, đặc biệt là bạo lực tình dục trong các mối quan hệ tình cảm gần gũi. Hình thức bạo lực này thường được che giấu bởi các khuôn mẫu và văn hóa. Trong các mối quan hệ này, đôi khi nam giới thường nghĩ rằng họ có quyền kiểm soát thân thể, vấn đề tình dục với phụ nữ.

Chấm dứt bạo lực, đặc biệt là bạo lực ở trẻ em gái và phụ nữ là việc làm cấp thiết. Bà Astrid Bant khuyến cáo: Đã đến lúc chúng ta phải làm việc cùng nhau để tấn công lại các định kiến giới và các thái độ ưu ái nam giới phổ biến cho dù chúng đã được dung dưỡng qua nhiều thế hệ. Chúng ta phải thay đổi các cấu trúc quyền lực để đảm bảo rằng có sự bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới trong mỗi gia đình, lớp học, khu dân cư và cả cộng đồng.

- Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), tại Việt Nam 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm và mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng.

- Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 nhưng công tác bình đẳng giới vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhất là trong việc thu hẹp khoảng cách giới để hạn chế bất bình đẳng trên một số lĩnh vực như kinh tế, việc làm, chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến... Đặc biệt, vẫn có không ít phụ nữ đang phải chịu đựng việc bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bao-luc-o-phu-nu-va-tre-em-gai-nhung-con-so-bat-ngo-2638048-b.html