Bạo lực học đường là vấn đề nóng cần được quan tâm

Chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) lo ngại về đạo đức học sinh và cho rằng đây là vấn đề hết sức cấp bách trong giáo dục hiện nay, khi mà bạo lực học đường trở nên nhức nhối, nhiều biểu hiện gây lo lắng cho xã hội. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển và Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề nghị, Bộ trưởng có giải pháp và quyết tâm như thế nào để giải quyết vấn đề bạo lực học đường?

Cho đây là vấn đề lớn và bức xúc - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: “Trước hết, phải nói bạo lực học đường có thật và có xu hướng gia tăng”. Bộ trưởng cũng coi đây là vấn đề nóng, cấp bách, nổi cộm và cũng là vấn đề mà ông quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Trong số 22 triệu học sinh, sinh viên thì số có bạo lực, có những hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống thì số này là một bộ phận nhỏ nhưng chính bộ phận nhỏ này làm cho vẩn đục và làm cho xu hướng về đạo đức, lối sống ngay từ nhỏ của một thế hệ học sinh, sinh viên có nguy cơ không kiểm soát được.

Bộ trưởng cho biết, hiện tại, Bộ đã rà soát nguyên nhân có nhiều chứ không phải chỉ trong ngành giáo dục, bởi vì vẫn cả gia đình, xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường ảnh hưởng rất nhiều.

Tuy nhiên, với trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng nhận trách nhiệm và cho rằng, đầu tiên phải giáo dưỡng ngay từ còn nhỏ, từ những môn học đạo đức, học giáo dục công dân.

Theo Bộ trưởng, cũng vì lý do đó, Bộ quyết định đưa môn giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp cùng với môn lịch sử. Theo Bộ trưởng, môn giáo dục công dân sẽ góp phần vào trong việc giảm bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng.

Bộ trưởng cho biết đã trực tiếp làm việc với các cô giáo, thầy giáo dạy môn giáo dục công dân từ tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông rất kỹ để tới đây xây dựng một chương trình thực tế, thiết thực với cuộc sống và phải đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp cho lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, gần đây rất nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra, bạo lực học đường, thầy, cô chửi mắng học trò, vấn đề tội phạm vị thành niên gia tăng trong nhà trường.

“Tôi thấy Bộ trưởng trả lời cần phải đưa môn giáo dục công dân vào để bắt buộc học sinh phải học, vấn đề là biện pháp nào để chấn hưng ngoài vấn đề đạo đức học đường nếu như chỉ bằng biện pháp đưa môn học vào để phải học” - đại biểu Nguyễn Văn Chiến chất vấn.

Cũng nhất trí với các đại biểu Quốc hội, với cử tri về vấn đề đạo đức, bạo lực học đường đang là vấn đề nổi cộm nóng nhất trong vấn đề giáo dục hiện nay. Bộ trưởng cho biết, đối với giáo dục phổ thông, Bộ xác định về cơ bản chất lượng giáo dục phổ thông khá ổn. Về tập trung vào phân luồng hướng nghiệp và chương trình sách giáo khoa cho thật chuẩn chỉ còn các bậc học và vấn đề khác giải quyết dần nhưng không phải quá nóng.

"Vấn đề đạo đức lối sống nổi lên là nóng và ngay từ nhỏ không được học đạo đức rồi các bậc học đại học khác, nên ở đây chúng tôi rất chia sẻ không chỉ ý kiến đại biểu mà rất nhiều đại biểu cũng như các cử tri đã phản ánh. Tới đây, tôi rất quan tâm đến vấn đề này trong giáo dục, từ mầm non phổ thông tới đại học” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có rất nhiều nội dung, chương trình sách giáo khoa và giáo viên chỉ là một khía cạnh, mặc dù quan trọng nhưng đối với việc giáo dục nhân cách, tâm hồn học sinh cần tổ chức rất nhiều hoạt động khác nữa. Bộ cũng đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và thống nhất rất cao để có những chương trình cụ thể không chỉ là giảng dạy đạo đức trong nhà trường mà còn rất nhiều hoạt động để qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo, qua hoạt động chia sẻ cộng đồng thì các cháu sẽ cảm nhận tốt hơn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/31285302-bao-luc-hoc-duong-la-van-de-nong-can-duoc-quan-tam.html