Báo lãi lớn nhưng ngân hàng vẫn khó giảm lãi suất

Nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong 9 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, vì áp lực nợ xấu, các ngân hàng cũng chưa dám giảm lãi suất.

Đến thời điểm này thì các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2016. Theo đó, nhiều ngân hàng báo lãi, thậm chí lãi lớn. Tín dụng được cải thiện đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của nhiều nhà băng. Thế nhưng kỳ vọng các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp có vẻ khó khả thi khi mà các ngân hàng vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó khó giải nhất vẫn là nợ xấu.

Nợ xấu sẽ tiếp tục cản đường hạ lãi suất. (Ảnh: Mai Trinh)

Lãi suất khó hạ

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, cuối năm bao giờ nhu cầu tín dụng cũng tăng cao hơn so với những tháng đầu năm. Trong lộ trình và diễn biến của lạm phát hiện nay, NHNN vẫn theo dõi rất sát để có thể điều hành.

Theo bà Hồng, vừa qua có một số ngân hàng thương mại lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay. Trong khi đó, các chuyên gia của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, nhìn chung mặt bằng lãi suất chưa giảm được như kỳ vọng do dư thừa thanh khoản trên thị trường 2 (ngân hàng này giao dịch với các ngân hàng khác và với Ngân hàng Nhà nước) chỉ là ngắn hạn, cơ cấu cho vay chủ yếu là trung dài hạn. (Thị trường 1 là ngân hàng thương mại có mối quan hệ huy động vốn, cho vay, cung cấp dịch vụ với cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế).

Thêm nữa, một số ngân hàng yếu kém vẫn khó tiếp cận vốn trên thị trường 2 nên phải huy động với lãi suất cao hơn, giữa thị trường 1 và thị trường 2 chưa có sự liên thông và các TCTD chủ động đón đầu cơ cấu kỳ hạn, điều chỉnh theo sửa đổi Thông tư 36.

Báo cáo về kinh tế vĩ mô Việt Nam được Ngân hàng HSBC công bố mới đây cũng cảnh báo về rủi ro lạm phát tăng cao trở lại và cho rằng mặc dù thanh khoản của hệ thống tài chính Việt Nam khá tốt trong thời điểm này, nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn khá “khó chịu”. Nguyên nhân được xác định là các ngân hàng vẫn tiếp tục thận trọng vì các khoản nợ xấu đang tăng lại trong những tháng gần đây, do đó khó lòng hạ lãi suất cho vay ngay cả khi lãi suất chính sách đã giảm.

Bên cạnh đó, việc nợ xấu chưa được xử lý triệt để khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều ngân hàng đầu năm báo lãi lớn, cuối năm báo lãi nhỏ, thậm chí lỗ. Không biết kịch bản có lặp lại ở năm 2016?

Nợ xấu vẫn đáng lo ngại

Trong thời gian gần đây, mỗi khi đến dịp các ngân hàng công bố báo cáo tài chính ngoài những con số đẹp trên sổ sách thì vấn đề nợ xấu cũng đặc biệt được quan tâm. Đây là vấn đề “đau đầu” ngay cả những ngân hàng có vốn nhà nước. Bởi thời gian qua, nợ xấu trở thành gánh nặng, bào mòn lợi nhuận và cản trở việc ngân hàng hạ lãi suất. Nhiều ngân hàng hiện nay, chi phí dự phòng rủi ro tăng đột biến, bào mòn đến phân nửa lợi nhuận.

Trong khối ngân hàng có vốn nhà nước, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dẫn đầu về cho vay trên hệ thống hiện nay và cũng đang dẫn đầu về con số nợ xấu với hơn 13.600 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) nợ xấu là 5.400 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng chiếm tỷ lệ lớn, trong tổng số nợ xấu của Vietcombank là 7.757 tỷ đồng (đầu năm là 7.137 tỷ đồng) thì nợ có khả năng mất vốn là 5.414 tỷ đồng, chiếm 70%.

Tại các ngân hàng TMCP khác, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là “điển đen” về nợ xấu. Tính đến 30/9, Eximbank có 2.705 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 1.079 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank chiếm 3,35% tổng dư nợ cho vay, tăng mạnh so với mức 1,85% ở thời điểm đầu năm.

Sau công cuộc sát nhập, hiện nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang “đau đầu” về nợ xấu. Cụ thể, sau 9 tháng, Sacombank có tổng nợ xấu là 4.620 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.095 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng từ 1,72% lên 2,22%. Cụ thể, tổng số nợ xấu là 3.310 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1.869 tỷ đồng, tăng 46%.

Còn theo số liệu của NHNN, tính đến thời điểm cuối tháng 8/2016, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 548.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý là 57,2%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức cá nhân khác) chiếm 42,8%.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu thì các biện pháp xử lý nợ xấu hiện tại chưa hiệu quả. Nợ xấu xử lý chậm, vẫn tồn tại trên sổ sách mà mỗi năm ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tăng, đồng nghĩa với việc “ăn” vào lợi nhuận, khiến con số lợi nhuận của các nhà băng sẽ giảm. Do đó, số liệu lợi nhuận vừa được các ngân hàng công bố cần phải nhìn nhận thận trọng”.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, từ 2013 đến nay, VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.

Về công tác thu hồi nợ, kể từ khi thành lập đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức thu hồi nợ như: Bán nợ, bán tài sản đảm bảo… đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng.

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/bao-lai-lon-nhung-ngan-hang-van-kho-giam-lai-suat-d49640.html