Bảo hộ, phát triển đặc sản địa phương mới ở mức... “đăng ký”

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và Việt Nam nói chung có rất nhiều loại đặc sản, làng nghề có thể bảo hộ và phát triển. Thế nhưng, thời gian qua, việc bảo hộ, quản lý và phát triển những sản phẩm này chỉ mới dừng lại ở … khâu “đăng ký”.

Bảo hộ sản phẩm đặc sản địa phương chỉ mới dừng lại ở đăng ký. Trong ảnh là nông dân huyện Lai Vung bên vườn quýt hồng của mình - một đặc sản của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Thực trạng nêu trên được ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, nêu ra tại hội thảo “Thực tiễn và giải pháp cho việc bảo hộ, khai thác và phát triển thương hiệu đối với các đặc sản địa phương khu vực phía Nam” được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vào hôm nay, 29-9.

Theo ông Khuê, cả nước có hàng ngàn các loại đặc sản và làng nghề có thể phát triển, nhưng đến nay, việc bảo hộ chỉ mới dừng lại ở mức độ đăng ký. “Còn khâu quản lý, khai thác và phát triển ra sao, thì đây là vấn đề nhức nhối (ý nói chưa phát triển được)”, ông cho biết.

Thực tế, tại hội thảo, một vị phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang cho biết địa phương ông có đến 60 nhãn hiệu tập thể, nhưng chỉ có 5% trong số này được ứng dụng và 95% còn lại buộc phải cất trong “hộc tủ”.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo này, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết về chỉ dẫn địa lý sản phẩm đặc sản, hiện nay có 46 sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và khoảng 10 chỉ dẫn địa lý đang trong quá trình thẩm định, "nhưng trong tương lai gần, nó sẽ phát triển hơn rất nhiều", ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm đặc sản hiện nay còn nhiều hạn chế là do, thứ nhất, cơ sở pháp lý ở lĩnh vực này chưa đầy đủ hoặc chưa được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ; thứ hai, ở góc độ địa phương, đây là vấn đề mới nên việc quản lý, khai thác phát triển chưa có nhiều kinh nghiệm, còn lúng túng. “Nhất là các nguồn lực làm việc này, nhận thức, vai trò trách nhiệm trong việc phát triển cũng chưa được rõ ràng”, ông cho biết.

Theo ông Thanh, nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc sản, làng nghề thông qua bảo hộ là mục tiêu chính của hội thảo diễn ra tại tỉnh Hậu Giang hôm nay.

Tuy nhiên, giải pháp được ông Thanh nêu ra khi trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo này chỉ là tuyên truyền mạnh hơn đến người sản xuất, tiêu dùng và thông qua đó giúp cho cả cộng động xã hội thấy được sự cần thiết của việc bảo vệ sản phẩm địa phương.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152028/bao-ho-phat-trien-dac-san-dia-phuong-moi-o-muc-dang-ky.html/