Bảo hiểm y tế: Phao cứu sinh trước “sóng” tăng viện phí

Kể từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế công lập chính thức tăng giá 1.916 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Trong đó nhiều dịch vụ có mức tăng gấp 2 đến 3 lần so với giá cũ. Đây sẽ thực sự là gánh nặng đối với những người bệnh không tham gia BHYT.

BHYT sẽ giúp người bệnh bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh. Ảnh minh họa: Internet

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện còn khoảng 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT. Đây là con số rất lớn sẽ phải chịu tác động trực tiếp Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có 20% người dân nếu phải khám chữa bệnh sẽ bị “lao đao” bởi trong số hơn gần 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh thì có dịch vụ tăng giá từ 20% đến 50%, có những dịch vụ tăng từ 2 - 3 lần mà người bệnh không có BHYT thì phải chi trả 100%. Để không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng và tạo điều kiện cho người dân có thêm thời gian chuẩn bị mua thẻ BHYT, Bộ Y tế thực hiện việc tăng viện phí đối với người không có thẻ BHYT theo lộ trình.

Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết: Lộ trình thực hiện từ ngày 1/6/2017 bắt đầu áp dụng cho một số địa phương có điều kiện quyết định cụ thể, nó có lộ trình là tháng 6, tháng 8, tháng 10, tháng 12 trong năm 2017 là áp dụng hết. Đến thời điểm đó nếu không có thẻ BHYT thì phải chấp nhận chi trả cái giá của Thông tư 02 có nghĩa là giá có cả tiền lương của nhân viên y tế trong đó và nó sẽ là gánh nặng cho người không có thẻ BHYT.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người chưa có thẻ BHYT cần chủ động tham gia để phòng trường hợp mắc bệnh nặng, chi phí lớn. Như tại Bệnh viện Bạch Mai, người chưa có BHYT chiếm khoảng 20% số bệnh nhân điều trị nội trú, nhiều người trong số này bệnh nặng, chi phí lớn, gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất ngay cả khi chưa áp viện phí mới. Do đó, khi áp dụng giá viện phí mới, những người bệnh này sẽ càng ở trong tình trạng khó khăn, thậm chí sẽ phải đứng trước nguy cơ ngừng điều trị vì không thể chi trả nổi nếu bệnh nặng.

Để tạo điều kiện cho mọi người dân đều có thể tham gia BHYT, cũng như giảm gánh nặng cho hộ gia đình khi tham gia mua BHYT tự nguyện thì Nghị định 105/2014/NĐ-CP đã quy định: "Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất".

Việc tăng giá dịch vụ y tế liệu có gia tăng được số người tham gia BHYT hay không nó phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các cơ quan chức năng và người dân, trong đó quan trọng hơn cả là việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao vai trò của chiếc thẻ BHYT.

Và muốn để người dân thực sự hiểu về lợi ích của việc tham gia BHYT tự nguyện, hơn lúc nào hết công tác tuyên truyền về các chính sách BHYT rất cần được đẩy mạnh và sâu rộng đến người dân. Trong đó có những thông điệp cụ thể, dễ hiểu như thủ tục khi tham gia BHYT hộ gia đình, mức đóng BHYT hàng năm là bao nhiêu tiền, quyền lợi cụ thể là gì...

Bình An

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/bao-hiem-y-te-phao-cuu-sinh-truoc-song-tang-vien-phi_t114c9n120465