Bảo hiểm Viễn Đông: Còn lại gì sau 4 năm tái cơ cấu

ANTT.VN – Lỗ lũy kế của VASS, theo tính toán của lãnh đạo công ty, sẽ lên tới 935 tỷ đồng hết năm tài chính 2016, gấp hơn 3 lần vốn điều lệ.

Được thành lập từ cuối năm 2003, Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân có mặt sớm nhất trên thị trường trong nước.

Giai đoạn 2003-2007, VASS chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng: vốn điều lệ tăng hơn 4 lần từ 72 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng năm 2007; doanh thu phí bảo hiểm tăng 5 lần lên 168,5 tỷ đồng; lợi nhuận cũng rất khả quan, năm 2006 ghi nhận 22,8 tỷ LNST.

Tuy nhiên kể từ năm 2008, tình hình của VASS bắt đầu lao dốc theo khủng hoảng tài chính toàn cầu. LNST năm 2008 giảm mạnh xuống mức 222 triệu đồng, trước khi lỗ nặng trong giai đoạn 2009-2011. Lỗ lũy kế cuối năm 2011 lên tới 178 tỷ đồng, gần bằng ½ vốn điều lệ của công ty.

Nguy cơ mất thanh khoản hiện hữu khiến HĐQT VASS thời điểm đó phải đi tới một quyết định mang tính sống còn, đó là chấp nhận mất quyền kiểm soát, giảm vốn điều lệ để xóa lỗ lũy kế, qua đó làm sạch báo cáo tài chính nhằm thu hút nhà đầu tư .

Ngày 18/6/2012, HĐQT VASS có Nghị quyết số 01 về việc thực hiện phương án tái cấu trúc công ty. Cụ thể, VASS tiến hành giảm vốn điều lệ xuống 40 tỷ đồng bằng cách đổi 10 cổ phần đang lưu hành thành một cổ phần mới. Số tiền 360 tỷ đồng chênh ra sẽ được dùng để làm sạch khoản lỗ lũy kế tính tới giữa năm 2012.

Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của bà Đỗ Thị Minh Đức (nay là Chủ tịch HĐQT VASS) để nhà đầu tư này đổ thêm 260 tỷ vào VASS, thông qua Công ty CP Bamboo Capital (HOSE: BCG), nhằm đẩy vốn điều lệ của VASS lên 300 tỷ đồng để phù hợp với quy định về kinh doanh bảo hiểm.

Ngày 11/7/2012, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận phương án tái cấu trúc của VASS, đánh dấu trường hợp đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay được giảm vốn xóa lỗ đối với một công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính (Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) trong năm 2012 cũng có đề xuất tương tự nhưng không được thông qua).

Báo cáo tài chính các năm 2012,2013,2014 của VASS không được công bố, tuy nhiên BCTC kiểm toán của BCG cho thấy bà Đỗ Thị Minh Đức đã đổ vào đây lần lượt 130 tỷ, 20 tỷ và 110 tỷ đồng trong 3 năm 2012-2014.

Mặc dù có sự tham gia điều hành của nhân tố mới, song khiêm tốn về quy mô (vốn điều lệ bằng mức tối thiểu theo quy định đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ) cùng cạnh tranh gay gắt của các đối thủ sừng sỏ (Bảo Việt, PVI, Bảo Minh...) khiến thua lỗ của VASS ngày càng thêm nặng nề.

Năm 2014 VASS lỗ 42,7 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế vào cuối kỳ lên 216,6 tỷ đồng, trừ đi khoản 360 tỷ đồng giảm vốn bù lỗ và khoản lỗ lũy kế 178 tỷ đồng tính đến hết năm 2011; có nghĩa rằng VASS đã lỗ tới 398,6 tỷ đồng trong 2 năm 2012-2013. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là thời kỳ thua lỗ nặng nề nhất của VASS.

Năm tài chính 2015, mặc dù doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng gấp 3 lần lên 1.287 tỷ đồng, nhưng yếu kém trong công tác quản trị kinh doanh và quản lý doanh nghiệp khiến công ty bảo hiểm 13 năm tuổi phải hứng chịu khoản lỗ lên tới 418 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế tính tới cuối năm lên 935 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn điều lệ.

Như vậy, tình hình của VASS 4 năm sau tái cơ cấu dường như còn xấu hơn nhiều so với năm 2012, thời điểm mà HĐQT công ty khẳng định VASS không còn lựa chọn nào khác ngoài giảm vốn điều lệ xuống còn 1/10 nhằm thỏa mãn điều kiện của nhà đầu tư duy nhất lúc đó là bà Đỗ Thị Minh Đức.

Tình hình khó khăn của VASS đi kèm với nhiều tin đồn mất khả năng chi trả. Ảnh: Tổng công ty thuốc lá (Vinataba) đã phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản nợ 44,6 tỷ với VASS. Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán Vinataba 2014

Lối thoát nào cho VASS?

Trong lúc này, tương lai của VASS rất mờ mịt. Kể cả có được Bộ Tài chính cho phép sử dụng phương pháp cũ - giảm vốn để bù đắp lỗ, thì khoản lỗ lũy kế của VASS vẫn rất khó để làm sạch.

Với vốn điều lệ ngang mức tối thiểu theo quy định, muốn xóa sạch lỗ lũy kế thì VASS phải cần tới 700 tỷ đồng nữa để tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, sau đó gộp cổ phần lại với tỉ lệ 15,4/1 để đưa vốn điều lệ về 65 tỷ đồng. Bước cuối cùng là phát hành thêm ít nhất 235 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng.

Như vậy tổng cộng số tiền tối thiểu cần đổ vào để cứu VASS lên tới 935 tỷ đồng, đúng bằng khoản lỗ lũy kế dự kiến đến cuối năm 2016. Đây thực sự là điều không tưởng đối với tình hình kinh doanh hiện nay của VASS.

Nỗ lực vực dậy công ty của bà Đức cùng các cộng sự càng trở nên thách thức hơn nhiều khi mà công ty con duy nhất của VASS là Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông (VDSE) vừa qua đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút giấy phép sau 9 năm hoạt động. Lỗ lũy kế tính tới thời điểm 31/12/2015 là 133,9 tỷ đồng, bằng 99,19% vốn điều lệ, đồng nghĩa với khoản vốn góp 105 tỷ đồng (chiếm 78%) của VASS trong VDSE gần như ‘bốc hơi’ toàn bộ.

Công ty con duy nhất của VASS chìm trong thua lỗ kể từ ngày thành lập

Năm 2015, VASS là công ty duy nhất trong số 47 doanh nghiệp bảo hiểm không đạt được các yêu cầu an toàn về vốn và thanh khoản. Tổng tài sản cuối kỳ ở mức 764 tỷ đồng, bằng 70% nợ phải trả (1.097 tỷ đồng), trong đó nợ ngắn hạn là 1.071 tỷ đồng.

Tình hình khó khăn của VASS đi kèm với những tin đồn mất khả năng thanh toán. Công ty bảo hiểm này đang có một loạt các khoản nợ xấu , có thể kể tới khoản nợ xấu 44,6 tỷ đồng với TCTy Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) hay khoản nợ 35,5 tỷ đồng không thể trả đối với chính công ty con của mình – Chứng khoán Viễn Đông VDSE…

Nghi Điền

Nguồn ANTT: http://antt.vn/bao-hiem-vien-dong-con-lai-gi-sau-4-nam-tai-co-caurn-0121925.html