Bao giờ mới hết bất cập

​Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), hiện Việt Nam chỉ mới có 3 ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe được phép hoạt động thí điểm, đó là GrabCar của Cty Trách nhiệm hữu hạn Grab Việt Nam, V-Car của Cty Cổ phần Ánh Dương (Vinasun) và Thanh Cong Car của Cty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội.

Thông tin được GTVT đưa ra tại Hội nghị Sơ kết hoạt động thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng ngày 13/10 tại TPHCM vừa qua.

Theo Bộ GTVT, về trường hợp phần mềm kết nối được cung cấp xuyên biên giới của Cty Uber B.V. Hà Lan, trong 2 năm qua Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với đại diện của Uber để trao đổi, hướng dẫn Uber xây dựng Đề án gửi Bộ GTVT xem xét cho phép hoạt động thí điểm theo đúng các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan vẫn chưa nhận được Đề án hoạt động thí điểm của Uber như đã hướng dẫn. Như vậy điều này đồng nghĩa với việc, Cty Uber B.V. Hà Lan hiện cũng không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước về ứng dụng thương mại điện tử.

Ứng dụng CNTT sẽ góp phần giảm thiểu TNGT.

Tuy nhiên, ngày 24/8, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn thu thuế Uber, trong đó xác định dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất 3%, như đối với dịch vụ vận tải. Theo báo cáo của Cty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi, kinh doanh phần mềm kết nối của đơn vị này hiện nay đang được cơ quan thuế xếp loại là dịch vụ khoa học công nghệ và chịu mức thuế giá trị gia tăng là 5%.

Về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho rằng việc ban hành công văn hướng dẫn thu thuế Uber, không đồng nghĩa với Cty này đã được cấp phép tham gia đề án thí điểm, đó là hai vấn đề khác nhau. Cùng đó, đại diện các đơn vị triển khai Đề án thí điểm cũng thừa nhận, hướng dẫn thu thuế đã gây tác động tiêu cực đối với những đơn vị tham gia thí điểm trong việc kê khai và nộp thuế đối với Nhà nước vì theo Luật Giao thông đường bộ, dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách không được coi là dịch vụ hỗ trợ vận tải, cũng như là dịch vụ vận tải.

Về hiệu quả thực tế Grab, trung bình hành khách cần chờ khoảng 5 phút sau khi sử dụng phần mềm Grab để đặt xe. Ngoài ra, Grab cho hệ số sử dụng quãng đường (tỉ lệ giữa số km có khách trên xe so với 100km xe lăn bánh) khá cao, tại Hà Nội là 88,1% và TPHCM là 89,6%.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn Giám đốc Cty GrabTaxi cho biết hiện Grab và các đối tác khi tham gia thí điểm phải tuân thủ những điều kiện, tiêu chuẩn rất cao và ngặt nghèo về chất lượng dịch vụ cũng như tư cách của nhà cung cấp dịch vụ. Cty GrabTaxi đang nghiên cứu mở rộng tại Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa. Hoàn thành các nghĩa vụ thuế. Đối với ứng dụng V-Car, theo báo cáo của Cty Cổ phần Ánh Dương, thời gian tới đón khách bình quân là 3 phút, hệ số sử dụng quãng đường (số km có khách trên xe so với 100km xe lăn bánh) tại TPHCM là 62,3%, mặc dù còn thấp nhưng cao hơn 10% so với xe taxi truyền thống.

Đ.T

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bao-gio-moi-het-bat-cap-43880.html