Bao giờ cho đến bỏ "trần lãi suất"?

Mặc dù lạm phát từng tháng đã yếu đi, bất chấp những nỗ lực đáng kể của Ngân hàng Nhà nước(NHNN)... mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế đã không giảm xuống đáng kể như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Mặt bằng lãi suất vẫn không giảm đáng kể?

Trong quyết định mới nhất ngày 11/4 - lần thứ 2 liên tiếp trong vòng chưa đến 1 tháng, NHNN đã quyết định giảm các lãi suất chính sách như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất trên thị trường mở... thêm 1 điểm phần trăm (1%) và nhất là giảm trần lãi suất huy động lần nữa từ 13% xuống 12%.

Nhìn chung, đây là biện pháp hợp lý để đối phó với tình trạng ngưng trệ sản xuất trong nước và tiếng kêu cứu của các doanh nghiệp bên bờ phá sản vì không tiếp cận được tín dụng ngân hàng theo các kênh chính thức bên cạnh các kênh chợ đen với lãi suất trên 25-30%.

Tuy nhiên, mặc dù lạm phát từng tháng đã yếu đi, bất chấp những nỗ lực đáng kể của NHNN... mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế đã không giảm xuống đáng kể.

Theo TS. Phạm Đỗ Chí, chuyên gia của dự án tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp-Star Plus/USAID, vấn đề chính là những khó khăn liên quan đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và điều này có nguyên nhân từ các khoản nợ xấu của ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) - vốn đã bị đóng băng kể từ 2009. Nhiều tài sản BĐS đã giảm giá 20-30% trong 2 năm qua từ khi bắt đầu khủng hoảng. Theo kinh nghiệm quốc tế, khủng hoảng BĐS ở Việt Nam sẽ còn phải kéo dài thêm 2-3 năm nữa và giá cả có thể còn phải xuống thêm trước khi "đụng đáy" vào năm 2013 hay 2014.

Khi ngân hàng (NH) không thể thu hồi nợ từ các khoản cho vay đầu tư BĐS, đối mặt với chính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN (để kiềm chế lạm phát) họ không thể nhanh chóng thực hiện cho vay với tỷ lệ lãi suất giảm một cách nhanh chóng. Bên cạnh lãi suất cao, điều kiện cho vay chặt chẽ cũng hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh khó khăn thanh khoản, vấn đề thật sự là tài sản ngân hàng có chất lượng thấp, hay nói cách khác là các khoản nợ của ngân hàng thực sự rất xấu. Theo ông Chí, với thông tin của NHNN, các khoản nợ xấu có giá trị khoảng 3-4 tỷ USD, tương đương 6% tổng dư nợ ngân hàng và chỉ tập trung ở 9 ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, nếu tham khảo Fitch Rating's tính theo tiêu chuẩn về nợ xấu quốc tế, số nợ xấu của NH có thể gấp 4 so với mức đã công bố.

Nếu đúng thật như vậy thì tình trạng nợ xấu trên 10% GDP vẫn xếp Việt Nam vào trường hợp báo động đỏ.

Hiện nay, NHNN đã có những giải pháp khác nhau để giải quyết những khoản nợ xấu này, một trong đó là chương trình tái cơ cấu vốn ngân hàng lớn với vốn có thể vay từ các nguồn quốc tế như Ngân hàng Thế giới WB, ADB hoặc thậm chí là IMF dù NHNN vẫn dè dặt khi vay mượn với định chế tài chính này.

Mới chỉ là "chữa cháy" ngắn hạn

NHNN thông báo có thể tiếp tục giảm lãi suất huy động trần 1 điểm phần trăm cho mỗi quý cho đến khi nó đạt đến 10% trước cuối năm nay; hoặc trong trường hợp nếu tình hình thanh khoản có cải thiện đáng kể, không loại trừ khả năng NHNN có thể loại bỏ trần lãi suất huy động hoàn toàn trong tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2012. Mặc dù vậy, các chính sách của NHNN hiện nay nhằm mục đích "chữa cháy ngắn hạn" bằng các biện pháp hành chính đã kéo dài khá lâu như tạm ổn định tỷ giá, lãi suất có chiều hướng xuống nhờ "trần lãi suất", phân bổ tín dụng giữa các ngân hàng do NHNN ấn định để cứu hệ thống ngân hàng...được lầm tưởng là đang có tác động tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các dấu hiệu trên chỉ mang tính cách tạm thời thiếu bền vững.

Hiện nay, các lãi suất chính sách và lãi suất huy động trần được giảm đã đi đúng hướng nhưng việc tiếp tục duy trì lãi suất này cũng như việc chia các ngân hàng thành 4 nhóm để phân bổ 4 mức tăng tín dụng (quotas) sau khi áp dụng lối thử thách rủi ro thô sơ cho toàn hệ thống. cùng với đó, duy trì lãi suất cho vay trần là tiếp tục "giết" các ngân hàng nhỏ vì khó huy động vốn nơi các trương mục nhỏ lẻ của đa số dân cư.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn chỉ phải trả 13% cho vốn huy động của đa số dân cư tìm đến ngân hàng lớn nhưng lại được thả lỏng để cho vay trong thị trường 1 ở mức thỏa thuận riêng đã từng lên trên 20% là mức cao "khủng" theo tiêu chuẩn quốc tế cho mức lợi biên ngân hàng (NIM). Nhờ đó, vài ngân hàng lớn lại đang hưởng lợi ích lớn nữa trên thị trường 2 với các ngân hàng khác qua thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất lại đang dâng cao trong thị trường này từ giữa tháng 3/2012.

"Tuy vậy, công bình mà nói phải chờ một thời gian nữa mới thấy được tác dụng của biện pháp này nhưng giới ngân hàng cũng đang sắp phải lo sửa soạn chuyện "chạy" hay "bán" các quotas tín dụng." - Ông Chí cho hay.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng: Hãy cứ bỏ trần lãi suất để thị trường cho chúng ta câu trả lời. Nên bỏ trần lãi suất để thoát khỏi tình trạng "kích" và "thắt".

Cụ thể, theo Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, việc vừa áp trần đối với cả lãi suất huy động và cho vay có thể được áp dụng nếu NHNN vẫn giữ lại biện pháp "trần". Tuy nhiên, theo ông Trịnh Quang Anh, Trưởng ban nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng Thương mại Hàng Hải (MaritimeBank), việc bỏ trần lãi suất huy động vào thời điểm hiện tại sẽ "giết" ngân hàng ngay. Việc lập trần đã tạo lập ra các nhóm ngân hàng "khỏe" và "yếu" và đây là biện pháp dồn các ngân hàng "yếu" vào con đường cùng.

Việc đặt trần lãi suất cho vay lại càng khó kiểm soát hơn bởi NHNN không thể ép các NH cho vay được. Thực tế, các NH thà giữ tiền lại còn hơn cho vay để rồi mất. Nếu NH theo đuổi mục tiêu lợi nhuận cao để cho vay những tín dụng có rủi ro lớn thì chắc chắn lãi suất cho vay sẽ bị đẩy lên cao.

Cũng chung quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng vẫn nên giữ trần lãi suất huy động cho đến khi thị trường ổn định hơn bởi hiện nay, "trần lãi suất" đang là công cụ duy nhất để NHNN điều hành chính sách tiền tệ

Thực tế, tính chất nợ xấu của Việt Nam chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ đứng ra "bảo kê", đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam đã quen sống bằng "máu" tín dụng, nay bị thắt chặt thì "ngắc ngoải". Mặc dù thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng gánh nặng lên thu ngân sách cho toàn ngành kinh tế không hề giảm đi. Đơn cử như thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đã "chết" hẳn nhưng Chính phủ lại "giáng" thêm một đòn "chí tử" nữa là thu tiền sử dụng đất. Mặt khác, thanh khoản của nền kinh tế Việt Nam đang gặp vấn đề bởi dù VND, USD hay vàng đang khá dồi dào nhưng Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân đều không có tiền. Vậy tiền đang tắc ở đâu và phải làm thế nào để khơi thông nó? - TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

(T.Hương)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/bao-gio-cho-den-bo-tran-lai-suat/20124/122235.dfis