Báo động tỷ lệ mắc bệnh tim mạch tại Việt Nam ngày càng tăng

Hiện nay, trung bình cứ 4 người lớn ở Việt Nam, có ít nhất 1 – 2 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

 Bệnh tăng huyết áp dẫn đến bệnh tim mạch, đây là gánh nặng cho xã hội. Ảnh minh họa

Bệnh tăng huyết áp dẫn đến bệnh tim mạch, đây là gánh nặng cho xã hội. Ảnh minh họa

Tình trạng báo động về sức khỏe tim mạch

GS.TS. Nguyễn Lân Việt cho biết, bệnh tim mạch đang trở thành gánh nặng cho xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực về chất lượng cuộc sống. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều. Tỷ lệ tử vong do bệnh bệnh lý tim mạch lại ngày một gia tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đáng lo ngại, THA là bệnh dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm và ngày càng trẻ hóa.

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng “kép” về bệnh tật. Trong khi tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đang giảm, thì tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm (BKLN) trong đó nhóm bệnh về THA ngày càng gia tăng nhanh phần lớn do liên quan đến: hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu bia và chế độ ăn không hợp lý. Sự gia tăng của các BKLN đã kéo theo vấn đề gia tăng nhanh trong chi phí khám, chữa bệnh và quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương. Chi phí điều trị cho BKLN trung bình cao gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm, do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị kéo dài, dễ bị biến chứng”.

Cũng theo WHO, tổn thất lũy tích về kinh tế đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình do các BKLN là hơn 7.000 tỉ USD trong gia đoạn từ 2011-2025 (bình quân mỗi năm gần 500 tỉ USD). Vì vậy, từ năm 2012, WHO đã tuyên bố “BKLN là vấn đề ưu tiên của toàn cầu và khu vực, đặc biệt đang gây khung hoảng nghiêm trọng tại khu vực Thái Bình Dương”.
Qua tài liệu khảo sát nghiên cứu của Viện Tim Mạch Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp (THA) thì năm 2009 tỷ lệ là 25,4% và đến năm 2016 thì đang ở con số báo động là 46%.

Thống kê năm 2015 cho thấy trên 5000 người trường thành (từ 25 tuổi trở lên) trong quần thể gần 50 triệu người tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc mắc bệnh THA.Hiện nay, trung bình cứ 4 người lớn ở Việt Nam, có ít nhất 1 – 2 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Kết quả cho thấy, có 52,8% người Việt có HA bình thường (trên 23 triệu người), có trên 47% người Việt Nam bị THA. Đặc biệt trong số đó có 39.1% không được phát hiện bị THA; 7,2% bị THA không được điều trị; có tới 69% người bị THA chưa kiểm soát được.

Bệnh THA được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi bệnh không có những triệu chứng điển hình. Không phải lúc nào người mắc bệnh THA cũng thấy khó chịu, biểu hiện rõ ràng. Một số người THA có triệu chứng lâm sàng như: chóng mặt, ù tai, đau đầu.. Tuy vậy, khá đông người THA lại không có biểu hiện này.

Nói về độ nguy hiểm của căn bệnh THA, GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam chia sẻ, THA dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: bệnh tim, phình tách động mạch chủ, mắt, não, thận, tai biến mạch não… Nhiều người không biết mình bị bệnh THA, do đó, nhiều trường hợp đột tử nhưng trước đó 1-2 phút họ vẫn nói chuyện bình thường và cảm thấy khỏe mạnh.

Tại cuộc họp báo, GS. TS Nguyễn Lân Việt cho rằng đã đến lúc phải lên tiếng vì một trái tim khỏe. Ảnh Nhung Lê

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa tích cực bệnh tim mạch bằng các biện pháp tưởng như đơn giản nhưng làm giảm đáng kể các nguy cơ tim mạch như: tập thể dục đều hàng ngày và không nên gắng sức sẽ làm giảm 4,9 mmHg huyết áp tâm thu; giảm lượng muối ăn (tính theo natri ăn vào) dưới 1800 mg/ngày giúp làm giảm khoảng 5,1 mmHg huyết áp tâm thu ở bệnh nhân THA; chế độ ăn hợp lý khoa học cho người tăng huyết áp (DASH) giúp làm giảm gần 10 mmHg huyết áp tâm thu. GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ.

Cần chú ý việc đo huyết áp vào những thời điểm nhất định trong ngày, nhớ con số huyết áp của mình như nhớ tuổi, không ăn mặn, giảm bớt thực phẩm có axit béo, mỡ động vật … Hạn chế uống rượu bia, cần giảm cân với người béo phì, có thể vận động thể lực mỗi ngày như đi bộ 30 – 45 phút , vận động thể lực nhẹ nhàng 4-5 ngày 1 tuần. Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị sớm bệnh (nếu có).

Ngoài bệnh viện, thì các cơ sở, phòng mạch tư nhân đều là địa chỉ uy tín để kiểm tra chỉ số tim mạch, huyết áp. Các bác sỹ, chuyên gia khuyên rằng việc kiểm tra vấn đề THA, tim mạch cần kiểm tra từ lúc sơ sinh đến già. Càng kiểm tra sớm thì nguy cơ mắc bệnh và phòng ngừa điều trị bệnh lý tim mạch THA càng được giải quyết hiệu quả hơn.

Nền y học ngày càng phát triển cùng với các hiểu biết ngày một sâu sắc hơn về bệnh lý, phương thức điều trị với thuốc và các trang thiết bị ngày một hiện đại và hiệu quả, đa số bệnh nhân tim mạch được cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống hơn. Vấn đề đặt ra là, để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ này, đòi hỏi các thầy thuốc và nhân viên y tế phải cập nhật liên tục và nắm bắt, chủ động với các kiến thức cũng như kỹ thuật mới liên tục phát triển.

Đức Mậu - Nhung Lê

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bao-dong-ty-le-mac-benh-tim-mach-tai-viet-nam-ngay-cang-tang-d105085.html